Hậu Giang sẽ phát triển đô thị vùng huyện hơn 16.000ha
UBND tỉnh Hậu Giang vừa phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đồ án, huyện Châu Thành A gồm toàn bộ diện tích tự nhiên theo địa giới hành chính khoảng 16.053ha, bao gồm 10 đơn vị hành chính: 4 thị trấn (Một Ngàn, Bảy Ngàn, Cái Tắc, Rạch Gòi) và 6 xã (Nhơn Nghĩa A, Tân Hòa, Tân Phú Thạnh, Thạnh Xuân, Trường Long A, Trường Long Tây).
1. Hậu Giang phê duyệt quy hoạch xây dựng huyện hơn 16.000ha
Ranh giới phía Đông giáp huyện Châu Thành; Phía Tây giáp huyện Vị Thủy và huyện Giồng Riềng của tỉnh Kiên Giang; Phía Nam giáp huyện Phụng Hiệp; Phía Bắc giáp huyện Phong Điền, huyện Thới Lai và quận Cái Răng của thành phố Cần Thơ. Tỷ lệ lập quy hoạch: 1/25.000.
Hậu Giang mở mang đô thị trong xu hướng xanh và bền vững. Nguồn: Báo Hậu Giang.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A nhằm cụ thể hóa các khu vực phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn đến năm 2030 và xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 huyện Châu Thành A hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao trên cơ sở khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng. Khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội; các tiềm năng về con người, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Bên cạnh đó, huyện Châu Thành A hình thành 2 phân vùng, liên kết với nhau bằng các trục hành lang kinh tế bao gồm:
- Phân vùng 1 là vùng phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, là vùng có mật độ đô thị hóa cao do tác động mạnh từ 4 trung tâm thị trấn của huyện: thị trấn Một Ngàn (huyện lỵ), thị trấn Cái Tắc, thị trấn Rạch Gòi và thị trấn Bảy Ngàn.
- Phân vùng 2 là vùng phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Ưu điểm của mô hình là xác định được các khu vực trọng tâm, các cụm đô thị - dịch vụ - công nghiệp và các tuyến hành lang kinh tế chủ đạo làm động lực chính, từ đó có kế hoạch ưu tiên phát triển cho các khu vực này tránh việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm cho tất cả các khu vực trên địa bàn huyện.
Hiện nay, huyện Châu Thành A đã đạt tiêu chí huyện nông thôn mới và từng bước đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị hướng đến mục tiêu đạt các tiêu chí đô thị loại IV cho thị trấn Một Ngàn, thị trấn Cái Tắc vào giai đoạn 2025 – 2030. Phát triển dân cư và các dự án đô thị - công nghiệp, đồng thời phát triển thêm một số khu vực đô thị ven sông Hậu, khu vực ven các trục giao thông gắn với vùng phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nông nghiệp tạo động lực cho phát triển kinh tế, phục vụ du lịch…
2. Hậu Giang lập đồ án Quy hoạch Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong gần 3.000ha
Ngày 23/9, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Công văn số 1336/UBND-NCTH về chủ trương lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong. Theo Công văn này, UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong, với quy mô diện tích khoảng 2.945ha.
Quyết định UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Xét Tờ trình số 109/TTr-SXD ngày 05/9/2024 của Sở Xây dựng về chủ trương lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong; căn cứ ý kiến thống nhất của tập thể Thường trực UBND tỉnh vào ngày 17/9/2024, UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương giao Sở Xây dựng Hậu Giang làm chủ đầu tư lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong, với quy mô diện tích khoảng 2.945ha, từ nguồn sự nghiệp kinh tế. UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Châu Thành, UBND huyện Phụng Hiệp triển khai thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, ngày 05/9/2024, ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang đã ký ban hành Tờ trình số 109/TTr-SXD về việc xin chủ trương lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong, gửi UBND tỉnh Hậu Giang.
Theo Tờ trình này, Sở Xây dựng Hậu Giang cho biết: Theo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành theo Quyết định số 556/QĐ- TTg ngày 22/6/2024, thì dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong nằm trong danh mục chương trình, dự án ưu tiên đầu tư để phát triển đô thị từ nay đến năm 2030. Đồng thời, vị trí này cũng nằm trong phạm vi nghiên cứu lập đồ án “Quy hoạch chung đô thị Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đến năm 2045” đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao Sở Xây dựng tổ chức lập quy hoạch tại Công văn số 1142/UBND-NCTH ngày 20/8/2024.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng quy định “Các khu vực chức năng có quy mô trên 500ha được lập quy hoạch phân khu xây dựng làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết xây dựng và xác định dự án đầu tư xây dựng, nếu được xác định trong quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt”. Do đó, việc tổ chức lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết xây dựng và xác định dự án đầu tư xây dựng là cần thiết và phù hợp theo quy định.
Về nguồn vốn tổ chức lập quy hoạch: Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị quy định “Kinh phí phục vụ công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị từ ngân sách Nhà nước được cân đối từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hàng năm của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương”. Do đó, nguồn vốn để tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong được sử dụng từ nguồn sự nghiệp kinh tế hàng năm.
Để có cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dự thảo kế hoạch thực hiện dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các ngành và địa phương, Sở Xây dựng trình UBND tỉnh thống nhất chủ trương lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong. Thống nhất chủ trương giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư lập đồ án “Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong”, với quy mô diện tích khoảng 2.945ha. Nguồn vốn thực hiện từ sự nghiệp kinh tế.
3. Hạ tầng giao thông rút ngắn khoảng cách cho Hậu Giang bứt phá BĐS
Một trong những điểm nghẽn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng trong phát triển kinh tế chính là hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế và thiếu đồng bộ. Giai đoạn 2021 – 2025 Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và tập trung nguồn lực cho ĐBSCL với tổng mức ngân sách lên tới 460 nghìn tỷ đồng, đặt mục tiêu đến năm 2026 phải hoàn thành bằng được 554km cao tốc để đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy kinh tế, tăng kết nối vùng, kết nối giao thương giữa các địa phương và khu vực Hồ Chí Minh.
Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau sẽ hoàn thành vào năm 2025. Nguồn: VnExpress.
Là tỉnh được hưởng lợi trực tiếp từ “dòng tiền lớn” đổ bộ vào ĐBSCL, Hậu Giang đang cho thấy khả năng bứt phá rất tốt với các chính sách điều hành vĩ mô và thu hút đầu tư đúng đắn, nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế Quý 1/2023, đứng đầu ĐBSCL trong năm 2022. Hiện, địa phương này có khoảng trên 3000 doanh nghiệp đang hoạt động với 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp. Trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Hậu Giang định hướng quy hoạch mới thêm 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.741 ha, giải quyết việc làm và thu hút nhiều lao động đến sinh sống, làm việc. (nguồn cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang).
Đặc biệt, tới đây khi hơn 100km Cao tốc đi qua Hậu Giang được triển khai và đưa vào hoạt động, sẽ rút ngắn thời gian kết nối với Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam Bộ, tạo bước đệm cho các lĩnh vực kinh tế khác phát triển. Kết hợp với lợi thế về vị trí trung tâm chiến lược quan trọng của vùng ĐBSCL, tiếp giáp thành phố Cần Thơ và cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam Sông Hậu, Hậu Giang đang hội tụ nhiều tiềm năng để đón làn sóng đầu tư dịch chuyển từ các vùng miền khác, thu hút thêm nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.
Việc hoàn thiện hạ tầng giao thông cùng với chiến lược phát triển kinh tế tập trung vào 4 trụ cột là Công nghiệp, Nông nghiệp, Du lịch và Đô thị sẽ trở thành nền tảng cốt lõi cốt lõi góp phần tạo sức bật cho thị trường BĐS Hậu Giang.
Cùng nhìn lại khu vực phía Bắc chúng ta sẽ thấy, ngay khi có cao tốc việc di chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh đã được rút ngắn đáng kể, thay vì phải mất từ 7 đến 8 tiếng như trước đây thì từ Hà Nội đi Lào Cai giờ chỉ còn khoảng 3,5 tiếng, thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Quảng Ninh cũng được rút ngắn từ 3,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng, từ Hà Nội đi Hải Phòng chỉ sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Cao tốc khai thông đã thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển mạnh, đồng thời tạo đòn bẩy cho thị trường bất động sản tăng trưởng sôi động. Giá trị bất động sản của các khu vực này liên tục thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn trong suốt chu kỳ BĐS từ 2011 cho đến nay.
Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội và giá trị bất động sản tại các tỉnh phía bắc. Sau khi tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau được khai thông, cùng với các tuyến cao tốc nối khu vực Đông – Tây ĐBSCL, các tuyến giao thông nội tỉnh được nâng cấp mở rộng, thị trường BĐS ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và đây cũng chính là cơ hội cho nhà đầu tư đón sóng tiềm năng thị trường này.