Hậu Giang tiến nhanh trong phát triển đô thị

Phát triển đô thị được xác định là một trong bốn khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng và phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, con người và thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tỉnh phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 sẽ đạt trên 32%.

1. Hậu Giang quy hoạch cho tương lai

 

Nghị quyết số 17 (NQ 17) của HĐND tỉnh Hậu Giang về việc thông qua quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14.7.2023.

Hậu Giang mở mang đô thị trong xu hướng xanh và bền vững. Nguồn: Kinh tế Môi trường.

 

Theo NQ 17, Hậu Giang tới đây sẽ có nhiều vùng đô thị - công nghiệp tập trung, là những khu vực động lực phát triển. Theo đó, vùng đô thị - công nghiệp gần TP.Cần Thơ gồm các đô thị Một Ngàn, Rạch Gòi, Cái Tắc, Ngã Sáu, Mái Dầm và các khu - cụm công nghiệp Sông Hậu, Tân Phú Thạnh, Nhơn Nghĩa A, Đông Phú, Mái Dầm (giai đoạn 1, 2, 3). Vùng đô thị - công nghiệp gắn với TP.Vị Thanh - Long Mỹ bao gồm những đô thị (Vị Thanh, Nàng Mau, Vĩnh Tường, Long Mỹ) và các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Vị Thanh, Tân Tiến, Nàng Mau, Long Mỹ. Vùng đô thị - công nghiệp gắn với TP. Ngã Bảy gồm đô thị Ngã Bảy và cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Ngã Bảy. Vùng đô thị - công nghiệp H.Phụng Hiệp tại nút giao giữa cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Vùng đô thị - công nghiệp H.Long Mỹ tại nút giao giữa cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

 

Theo ông Trần Văn Huyến - Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, NQ17 xác định các đô thị động lực của tỉnh Hậu Giang vẫn là TP. Vị Thanh (đô thị loại II) trung tâm về chính trị, hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch. TP. Ngã Bảy (đô thị loại III) đô thị vệ tinh của vùng du lịch cảnh quan sinh thái, là cực phát triển phía Đông của tỉnh Hậu Giang. TX. Long Mỹ là đô thị vệ tinh, đầu mối trung chuyển, chế biến nông sản công nghệ cao theo QL61 và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Thị trấn Ngã Sáu (H.Châu Thành) đến năm 2030 là đô thị loại IV, trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái và khoa học công nghệ, phát triển đô thị công nghiệp ven sông Hậu.

 

NQ17 khẳng định phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh tiếp tục mở rộng các đô thị, phát triển bất động sản đô thị quy mô lớn, gắn với mạng lưới đô thị du lịch, nghỉ dưỡng tích hợp các ngành kinh tế. Phấn đấu đến năm 2030 Hậu Giang có 19 đô thị được xếp loại trong đó 1 thành phố (đô thị loại II), 1 thành phố và 1 thị xã (đô thị loại III), 4 đô thị loại IV, 12 đô thị loại V.

2. Hậu Giang xây dựng đô thị góp phần đưa phát triển nhanh và bền vững

 

Khi thành lập tỉnh năm 2004, Hậu Giang có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chỉ có một số ít cơ sở sản xuất công nghiệp về chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi, mía đường,... Hệ thống giao thông cũng rất hạn chế: Các tuyến đường tỉnh được đầu tư theo tiêu chuẩn cấp V đồng bằng nên chưa đáp ứng được yêu cầu lưu thông các loại xe tải cỡ lớn; thiết kế tải trọng cầu trên các tuyến đường thiếu đồng bộ khiến việc mở rộng gặp khó khăn;...

 

Khi đó, toàn tỉnh có 09 đô thị gồm 01 đô thị loại IV và 08 đô thị loại V với hạ tầng, dịch vụ - xã hội thiếu và yếu; chưa đồng bộ, nhất là hệ thống thoát nước, thu gom, xử lý nước thải, đường điện, viễn thông,... Bên cạnh đó, hiện tượng ngập úng xảy ra cục bộ khi trời mưa; tỷ lệ ngõ, hẻm được chiếu sáng thấp; diện tích đất cây xanh công cộng ít, chưa theo quy hoạch và mỹ quan đô thị,...

 

Ngay sau khi thành lập, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; mở rộng không gian phát triển để xứng tầm với tính chất và vai trò động lực, lan toả. Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 19/10/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định đến năm 2020 xây dựng TP.Vị Thanh đạt tiêu chí đô thị loại II, thị xã Long Mỹ đạt tiêu chí đô thị loại III và thị xã Ngã Bảy trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành 03 nghị quyết chuyên đề gồm Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 31/3/2016 về xây dựng TP.Vị Thanh đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 31/3/2016 về xây dựng thị xã Ngã Bảy đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 31/3/2016 về xây dựng thị xã Long Mỹ đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đô thị loại III. Tầm nhìn chung của Hậu Giang là xây dựng các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang đậm nét đặc thù văn hóa vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và các vùng huyện.

 

Với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn cùng sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã hoàn thành trước một năm theo 03 Nghị quyết đề ra: TP.Vị Thanh mở rộng được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại II (Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 19/12/2019); TP.Ngã Bảy được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh (Nghị quyết số 869/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Quốc hội); Thị xã Long Mỹ được công nhận đô thị loại III trực thuộc tỉnh (Quyết định số 1012/QĐ-BXD ngày 03/12/2019 của Bộ Xây dựng). 

 

Đến nay, toàn tỉnh có 19 đô thị gồm 01 loại II, 02 loại III và 16 loại V (04 đô thị loại V chưa được công nhận là thị trấn); phân bố đồng đều theo địa giới hành chính. Trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã chú trọng tích hợp phát triển các đô thị đồng bộ, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và ĐBSCL. Để từng bước cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo hướng đến mục tiêu Hậu Giang - Xây dựng và phát triển bền vững thì cần phải có các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện. Trong đó, đối với lĩnh vực đô thị cần phải “Xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị đồng bộ, theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị thông minh, giàu bản sắc. Xây dựng và phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, con người và thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu” và “Rà soát, định hướng, đề xuất đầu tư các dự án khu đô thị mới, các tuyến đường giao thông kết nối các đô thị và khai thác quỹ đất hai bên đường tạo dòng tiền dương từ đầu tư đô thị để bổ sung nguồn lực tài chính cho đầu tư công nghiệp, nông nghiệp và du lịch”.

3. Khai thác tiềm năng, lợi thế tại Hậu Giang

 

Theo Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Châu Thành A được xác định là cửa ngõ giao thông thủy, bộ và thông thương quan trọng phía Bắc của tỉnh; vùng tập trung phát triển các trung tâm đô thị - công nghiệp. Vùng nông nghiệp chuyên canh năng suất cao, ổn định là nền tảng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao. Là khu vực cung cấp các dịch vụ vận chuyển, hàng hóa nông sản xuất khẩu và nguyên liệu đầu vào cho các ngành, công nghiệp chế biến nông sản của vùng ĐBSCL. Là khu vực phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển loại hình du lịch sông nước, miệt vườn. Đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh cũng như vùng ĐBSCL.

Quy hoạch Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030 theo hướng sinh thái. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.

 

Theo đó, cơ cấu kinh tế của huyện phát triển hướng bền vững trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng và lợi thế dựa vào 4 trụ cột: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Tập trung sản xuất nông sản thế mạnh của huyện theo chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh; phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng; phát triển đô thị xanh; đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo.

 

Ông Lê Hoàng Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết: Định hướng phát triển của huyện là “Mô hình phát triển tập trung cụm - tuyến” với đặc điểm phát triển theo từng “cụm” gồm các trung tâm đô thị - dịch vụ - công nghiệp và được kết nối với các “tuyến” hành lang kinh tế hiện có và dự kiến. Các cụm đô thị, dịch vụ và công nghiệp, gồm một số các đô thị (hiện hữu hoặc dự kiến phát triển) kết hợp các chức năng dịch vụ hoặc công nghiệp, được gắn kết với nhau đóng vai trò là trung tâm và động lực chính cho sự phát triển các tiểu vùng.

 

Hình thành 2 phân vùng, liên kết với nhau bằng các trục hành lang kinh tế: Phân vùng 1 là vùng phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, là vùng có mật độ đô thị hóa cao do tác động mạnh từ 4 trung tâm thị trấn của huyện là thị trấn Một Ngàn (huyện lỵ), thị trấn Cái Tắc, thị trấn Rạch Gòi và thị trấn Bảy Ngàn. Phân vùng 2 là vùng phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.

 

Hiện nay, Châu Thành A đã đạt tiêu chí huyện nông thôn mới và hướng đến mục tiêu đạt các tiêu chí đô thị loại IV cho thị trấn Cái Tắc vào giai đoạn 2025-2030. Phát triển dân cư và các dự án đô thị - công nghiệp, đồng thời phát triển thêm một số khu vực đô thị ven sông Hậu, khu vực ven các trục giao thông gắn với vùng phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nông nghiệp tạo động lực cho phát triển kinh tế, phục vụ du lịch…

 

Cũng theo ông Lê Hoàng Nhân, huyện sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư công, vốn ngân sách huyện và thu hút đầu tư từng bước hình thành các khu đô thị mới, từng bước hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV của Cái Tắc. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển đô thị đã được công nhận nhà đầu tư và các dự án đang kêu gọi đầu tư.

 

Định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông huyện kết nối các đô thị với các khu công nghiệp, kết nối với thành phố Cần Thơ để tranh thủ nguồn vốn đầu tư của tỉnh tạo quỹ đất sạch, thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo ra nguồn thu cho ngân sách để tiếp tục đầu tư.

 

Coi trọng việc phát triển các khu đô thị, khu dân cư, tái định cư, nhà ở xã hội và các lĩnh vực thương mại, dịch vụ phục vụ công nghiệp. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo và các hạ tầng xã hội khác tương thích với quy mô dân số, đáp ứng các tiêu chí về chuẩn đô thị theo quy định.

 

Triển khai thực hiện hoàn thành Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 241 ngày 24-2-2021. Khẩn trương rà soát điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung đô thị, các đồ án quy hoạch mang tính chất liên vùng, liên huyện để định hướng đầu tư các dự án phát triển nhà ở nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...