Hậu Giang: Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao cả nước
Ngày 28/6, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2024 và sơ kết, tổng kết các văn bản của Trung ương và của tỉnh.
Hậu Giang quyết tâm về đích sớm các chỉ tiêu kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2020-2025
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, kinh tế của Hậu Giang tiếp tục duy trì và tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,04%, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), xếp ở nhóm cao cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 39,47%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Nguồn: Cục thống kế tỉnh Hậu Giang.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 87,45 triệu đồng, tăng 131,89% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện được 19.878 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ và đạt 46,79% kế hoạch. Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng cao. Có 183 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 77 doanh nghiệp so cùng kỳ; có 143 doanh nghiệp giải thể, tăng 122 doanh nghiệp so cùng kỳ.
Nhìn lại tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 cũng có sự tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện ước đạt 455,32 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu ước thực hiện được 265,09 triệu USD, bằng 99,38% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước thực hiện được 173,80 triệu USD, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ sự hồi phục của thị trường tiêu thụ trong nước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng trong hai tháng 4 và 5 lần lượt là 14,47% và 13,91% so cùng kỳ, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 13,92% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp với mức tăng 8,34% so với cùng kỳ.
Theo Cục thống kê tỉnh Hậu Giang, tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất này đạt được là do thị trường tiêu thụ trong nước đã phục hồi. Ngoài ra, Công ty điện lực Hậu Giang đã cung cấp đủ điện, an toàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hạn chế tối đa không để tình trạng mất điện, đảm bảo nhu cầu sử dụng cho người dân và các doanh nghiệp được hoạt động liên tục trong các đợt cao điểm nắng nóng như hiện nay.
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang cũng cho thấy, ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng của giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng, cũng như thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, nên một số sản phẩm công nghiệp sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu giảm sản lượng sản xuất như: sản lượng sản xuất tôm đông lạnh giảm 37,80% so với cùng kỳ; sản lượng sản xuất giày dép các loại giảm 15,25% so với cùng kỳ; sản lượng sản xuất giấy và bìa khác giảm 2,27% so với cùng kỳ năm trước…
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt là tỉnh đã xây dựng bản mô tả, khung năng lực vị trí việc làm của cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; thực hiện thí điểm áp dụng phần mềm sổ tay đảng viên điện tử. Tỉnh cũng đã sớm thành lập các tiểu ban Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 nhiệm kỳ 2025-2030, thành lập Tổ biên tập đã và đang tích cực xây dựng dự thảo đề cương Báo cáo chính trị.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm: Việc cụ thể hóa thực hiện một số chủ trương, quy định, đề án của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng còn chậm; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có tiến bộ nhưng vẫn còn một số công việc cụ thể chưa nhịp nhàng. Việc nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, một số vấn đề dư luận quan tâm, đôi lúc chưa kịp thời.
Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng cao. Xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp mặc dù được chỉ đạo, thực hiện quyết liệt nhưng vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong chương trình công tác quý 3 năm 2024 của Tỉnh ủy Hậu Giang là thực hiện tốt các nhiệm vụ chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030, trọng tâm là công tác xây dựng dự thảo báo cáo chính trị. Hoàn thiện xây dựng bảng mô tả, khung năng lực vị trí việc làm của tỉnh, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương.
Triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, thúc đẩy sản xuất; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt theo kế hoạch, khai thác tối đa các tiềm năng, nguồn lực, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng…
Quyết tâm của tỉnh là năm 2024, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu trọng yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hậu Giang phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường (BVMT) bền vững và bước đầu đã đạt được một số kết quả nổi bật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang.
Hậu Giang là tỉnh thuần nông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là các cơ sở y tế, giáo dục, quy mô nền kinh tế của tỉnh thấp nhất vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, sau 20 năm chia tách (2004), kinh tế tỉnh Hậu Giang đã phát triển mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước và khu vực. Riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 13,94%, vươn lên đứng đầu vùng ĐBSCL và thứ hai cả nước; thu nhập GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng được kéo giảm. Nếu như vào thời điểm mới chia tách tỉnh (2004), tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hậu Giang chiếm gần 24% trên tổng dân số toàn tỉnh thì theo rà soát sơ bộ đến đầu năm 2024 đã giảm xuống còn 3,29%, tương đương với 6.611 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh Hậu Giang cũng luôn quan tâm công tác BVMT. Để thực hiện đúng quan điểm của tỉnh là vừa phát triển kinh tế gắn với công tác BVMT, trong thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó trọng tâm là tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT và tăng cường nguồn lực cho BVMT thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT thuộc thẩm quyền của tỉnh; quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu công nghiệp, trong đó bao gồm tiêu chí về quản lý, BVMT; đồng thời triển khai thực hiện chương trình hành động về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2025; Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt tỉnh đã lập Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong quy hoạch đề ra nhiều nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về BVMT gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, tỉnh Hậu Giang cũng luôn quan tâm, tăng cường nguồn lực, đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, đến nay đã có 6/8 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các doanh nghiệp có phát sinh nước thải xả ra môi trường tự đầu tư hệ thống xử lý đúng quy định; đồng thời tỉnh đã đầu tư 04 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí, 05 trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt và cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động, liên tục của doanh nghiệp truyền; triển khai hệ thống thu gom, xử lý nước thải TP. Vị Thanh công suất thiết kế 3.000 m3/ngày đêm; thực hiện dự án phát triển đô thị xanh thích ứng biến đổi khí hậu TP. Ngã Bảy, trong đó có hợp phần nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 3.800 m3/ngày đêm; đối với các dự án khu dân cư, thương mại, đô thị mới đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Theo đó, trong công tác thu hút đầu tư vào khu công nghiệp phải đảm bảo phù hợp quy hoạch và các quy định về đầu tư, môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về BVMT, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về BVMT tại các doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường, phát sinh điểm nóng về môi trường.
Bên cạnh đó, Tỉnh Hậu Giang xác định nông nghiệp là một trong bốn khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, do đó tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp qua đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước và huy động các nguồn lực về BVMT; tiếp tục và có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và BVMT trên địa bàn tỉnh;...