Sóc Trăng hiện thực hóa khát vọng phát triển

Xuất phát điểm từ một tỉnh thuần nông, hiện nay, Sóc Trăng có nhiều lợi thế trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành công nghiệp Sóc Trăng đã và đang đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

1. Sóc Trăng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

 

Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đầu tư, phát triển công nghiệp nhanh, hiệu quả, bền vững từ lợi thế có sẵn của địa phương để làm động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, theo kịp đà phát triển chung của quốc gia và trong khu vực ĐBSCL.

 

Bản đồ quy hoạch khu công nghiệp Sóc Trăng. Nguồn: BQL các Khu công nghiệp.

 

Cụ thể, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cường kêu gọi để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 3 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, gồm khu công nghiệp Đại Ngãi (200 ha), Sông Hậu (286 ha) và Mỹ Thanh (217 ha). Mặt khác, tỉnh đang tích hợp đưa vào quy hoạch đầu tư phát triển 3 khu công nghiệp mới: Khu công nghiệp Trần Đề 2 (400 ha), Đại Ngãi 2 (250 ha), Khánh Hòa (350 ha) và lập đề án nghiên cứu, thành lập khu kinh tế ven biển với quy mô dự kiến 30.000 ha trong giai đoạn 2021 - 2030.

 

Riêng năm 2023, Sóc Trăng phấn đấu hoàn thành 3 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2) và sớm thu hút, triển khai các dự án thứ cấp; kêu gọi đầu tư đối với các cụm công nghiệp Ngã Năm, Long Đức 1, Long Đức 2, Xây Đá B mới. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Chương trình khuyến công tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, phân kỳ năm 2023; trong đó, tích cực, chủ động thực hiện tư vấn hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; tăng cường hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tăng hiệu quả trong sản xuất, góp phần thực hiện định hướng phát triển nền sản xuất bền vững.

 

Ngoài ra, tỉnh đẩy nhanh việc triển khai các dự án sản xuất điện (nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối) và các dự án phát triển lưới điện trên địa bàn, trọng tâm tranh thủ để dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú thi công trở lại, đi vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

 

Cùng đó, tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại (cuối năm 2023, lũy kế có 9 dự án điện gió vận hành thương mại 100% công suất và 4 dự án khởi công, thi công); sớm hoàn chỉnh thủ tục để kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời, dự án điện sinh khối; thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019 - 2030; tranh thủ nguồn vốn của ngành điện để thực hiện các dự án lưới điện và kế hoạch xóa hộ câu phụ, hộ chưa có điện.

 

Theo Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp tại các địa phương trong tỉnh. Những khu, cụm công nghiệp của tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển theo hướng hành lang kinh tế ven sông Hậu và ven biển, ở những địa điểm có lợi thế về giao thông và hạ tầng kinh tế - xã hội sẵn có.

 

Trong định hướng phát triển, Sóc Trăng chủ yếu thu hút các ngành công nghiệp để hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp bền vững, công nghệ cao. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là khu công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó, ưu tiên thu hút ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, những ngành thu hút nhiều lao động và thân thiện với môi trường. Riêng khu công nghiệp ven biển (Trần Đề) sẽ thu hút thêm ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển.

 

Cùng đó, tỉnh tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu tại chỗ, như chế biến nông sản, thủy sản; phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, về lao động và các sản phẩm truyền thống đặc thù của tỉnh.

 

Mặt khác, tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư để phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao như cơ khí, thiết bị điện, điện tử tin học, công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác giữa Sóc Trăng với các tỉnh trong việc phát triển công nghiệp vùng ĐBSCL, phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng và quy hoạch ngành công nghiệp.

 

Đặc biệt, Sóc Trăng còn đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp; chú trọng công tác quản lý, kiểm tra tình hình thực hiện an toàn thực phẩm trong sản xuất công nghiệp, song song với đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường công nghiệp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện những giải pháp đồng bộ về vốn, đất đai, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách... với những hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nhằm tạo lòng tin cho các nhà đầu tư yên tâm đến với địa phương đầu tư…

 

2. Sóc Trăng tạo đột phá từ phát triển hạ tầng giao thông

 

Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kinh tế tỉnh thời gian tới dựa trên các trụ cột chính gồm: nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp năng lượng (nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) và công nghiệp chế biến nông lâm sản và chế tạo - hàng tiêu dùng; du lịch và dịch vụ hậu cần (logistics) và giao thông kết nối đồng bộ gắn với cảng cửa ngõ nước sâu. Ba trụ cột này đóng góp khoảng 80% GRDP và 85% việc làm vào năm 2030.

 

Một trong ba đột phá phát triển được đề cập trong Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đó là huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có tính chiến lược, lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, tuyến Đông - Tây, Bắc - Nam), cảng biển.

 

Trong giai đoạn tới, Sóc Trăng sẽ quy hoạch 20 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 617,3 km, trong đó 17 tuyến hiện hữu và 3 tuyến mở mới. Với hệ thống đường huyện, tỉnh Sóc Trăng sẽ hoàn thành nâng cấp 291,5 km, làm mới 21,7 km trước năm 2030 và nâng cấp 734,5 km, làm mới 76,9 km thời kỳ 2031-2050. Tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, nhựa hóa 100%, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, liên hệ thuận lợi trong và ngoài đô thị.

 

Góp ý cho Dự thảo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050, PGS-TS. Trần Thục cho biết, quy hoạch chỉ rõ, yếu tố biến đổi khí hậu là thách thức, nhưng cũng mang theo cơ hội. “Quỹ đất của Sóc Trăng trong tương lai không phong phú nữa, nên cần vươn ra ngoài khơi. Phát triển điện mặt trời chiếm rất nhiều quỹ đất nên cần cần quy hoạch thủy sản kèm theo”.

 

Theo TS. Phạm Hoài Chung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải), kết cấu giao thông của Sóc Trăng hiện nay chủ yếu là đường cấp thấp, mặt cắt ngang nhỏ hẹp, mức độ kết nối giữa các tuyến đường huyện, đường đô thị với đường tỉnh, quốc gia còn kém. Tỉnh cần hướng tới việc sử dụng vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông; bổ sung dự báo nhu cầu vận tải để làm cơ sở định hướng Quy hoạch Phát triển mạng lưới giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Sóc Trăng.

 

Bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng.

 

Cụ thể, "về hàng không, nghiên cứu phát triển sân bay chuyên dùng có tiềm năng tại Trần Đề để phục vụ nhu cầu bay cá nhân, du lịch, cứu hộ cứu nạn", Quyết định 995 nêu rõ.

 

Về đường bộ, đối với đường bộ Quốc gia thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch vùng ĐBSCL tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; Quốc lộ 1; Quốc lộ 60; Quốc lộ 61B; Quốc lộ 91B (đường Nam sông Hậu); Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp; Đường bộ ven biển).

 

Đối với các tuyến đường tỉnh, phấn đấu tối thiểu đạt cấp III đồng bằng, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt.

 

Nâng cấp các tuyến đường huyện quan trọng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp VI, V theo tiêu chuẩn quy định hiện hành; ưu tiên nâng cấp các tuyến và đoạn tuyến chưa được cứng hóa, phấn đấu đạt tỷ lệ cứng hóa 100%.

 

Về đường thủy nội địa, đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng. Hình thành các tuyến vận tải thủy liên tỉnh, liên huyện (các tuyến giao thông vận tải đường thủy nội địa thuộc tỉnh quản lý, khai thác đảm bảo từ cấp III đến cấp VI), gồm: các tuyến đường thủy nội địa quốc gia (Tuyến cửa Định An - Campuchia, tuyến duyên hải TP.HCM - Cà Mau, tuyến Cần Thơ - Cà Mau...).

 

Cùng với đó là hình thành 3 tuyến đường thủy nội địa địa phương gồm tuyến Kế Sách - Châu Thành - Mỹ Tú, tuyến Long Phú - Trần Đề - Vĩnh Châu, tuyến thị xã Ngã Năm - Mỹ Tú - Thạnh Trị - Mỹ Xuyên.

 

Phát triển cảng hành khách, hàng hóa, gồm cảng Sóc Trăng, cảng Long Hưng, cảng Ngã Năm, cảng Cái Côn, cảng Trần Đề. Ưu tiên theo hình thức xã hội hóa.

 

Về hàng hải, đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển khu bến cảng biển Trần Đề phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành cảng biển đặc biệt theo nghị quyết của Bộ Chính trị.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...