Sóc Trăng: Đến năm 2030 phát triển 25 đô thị
TP Sóc Trăng đang tập trung thực hiện đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại gắn với xây dựng “đô thị thông minh”, nhằm tiến đến mục tiêu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trong năm 2030.
1. Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 có 25 đô thị
Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.
Xây dựng Sóc Trăng ngày càng văn minh hiện đại. Nguồn: Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tầm nhìn đến năm 2050: Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ.
Về phương án phát triển hệ thống đô thị: Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định, phấn đấu đến năm 2030 phát triển hệ thống đô thị của tỉnh gồm 25 đô thị: 01 đô thị loại I, 02 đô thị loại III, 09 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%. Đến năm 2050, hệ thống đô thị của tỉnh gồm 31 đô thị: 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại III, 09 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V.
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030:
- Đến năm 2025: Thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
- Đến năm 2030: Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
2. Sóc Trăng hướng tới đô thị thông minh
Xác định tầm quan trọng mang tính chiến lược đối với việc phát triển thành phố Sóc Trăng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020-2025 đã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng thành phố Sóc Trăng phát triển bền vững, đạt tiêu chí đô thị loại 2, hướng đến đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Thành phố Sóc Trăng được xây dựng và phát triển với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu, đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết giữa thành phố với các huyện, thị xã của tỉnh, góp phần tạo động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh Sóc Trăng.
Theo ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, mục tiêu của tỉnh là xây dựng và phát triển thành phố Sóc Trăng đạt đô thị loại 2, xây dựng những yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển đô thị thông minh, thành phố kinh tế - sinh thái, đô thị có điều kiện sống tốt, có sức cạnh tranh cao, có bản sắc riêng và phát triển bền vững, tạo động lực phát triển chung của tỉnh.
Tại thành phố phát triển đô thị thông minh, thành phố kinh tế-sinh thái, đô thị có điều kiện sống tốt, có sức cạnh tranh cao, có bản sắc riêng và phát triển bền vững, chuẩn bị nền tảng để thực hiện thí điểm mô hình đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống hạ tầng giao thông đô thị tại các thị trấn, thị xã và TP. Sóc Trăng đã được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, bảo đảm đáp ứng nhu cầu giao thông, tạo mỹ quan đô thị. Nhiều tuyến hẻm tại các đô thị được cải tạo, mở rộng; hệ thống thoát nước được duy tu, sửa chữa; hệ thống cây xanh, chiếu sáng trên các tuyến đường chính được quan tâm đầu tư, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị; các nút giao và hệ thống an toàn giao thông được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng.
Tại thành phố Sóc Trăng có các dự án được triển khai như: Dự án tuyến đường Vành đai 1, dự án đường Trần Quang Khải nối dài, Nhà thi đấu tổng hợp, Khu vui chơi triển lãm và Hội chợ tỉnh, mở rộng kè đi bộ giữa 2 cầu C247, cầu 30/4, cầu Khu Hành chính, cầu chữ Y đến đường Hùng Vương, cầu Mạc Đĩnh Chi; cải tạo, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo hướng đến Trà Tim. Đồng thời, hình thành Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đô thị tại thành phố Sóc Trăng, kết nối đồng bộ hệ thống camera để quản lý, xử lý các vấn đề về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội, phản ánh hiện trường (IOC),… tiến tới kết nối đồng bộ Trung tâm xử lý, điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm vụ Sóc Trăng.
Đặc biệt, TP. Sóc Trăng (đô thị tỉnh lỵ) đang được triển khai Dự án Mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Sóc Trăng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (có tổng mức đầu tư gần 1.057 tỷ đồng), Dự án đường Vành đai I, Dự án đường Vành đai II, Khu tái định cư số 1… Các đô thị còn lại cũng đã xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đô thị làm cơ sở để triển khai thực hiện hàng năm.
Qua đó, không gian đô thị ngày càng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng; kiến trúc cảnh quan đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, sầm uất, nhất là tại TP. Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm.
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư xây dựng mới. Hiện toàn tỉnh có khoảng 40 dự án nhà ở thương mại với đa dạng loại hình nhà ở, diện tích và mức độ tiện nghi, không chỉ đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân, mà còn góp phần tạo diện mạo mới cho các đô thị.
Đến năm 2025, thành phố Sóc Trăng sẽ hoàn thành mức cao của các tiêu chí đô thị loại 2, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và xây dựng cơ sở dữ liệu chủ yếu để hướng đến đô thị thông minh.
Liên quan tới quy hoạch, hướng đến đô thị thông minh, ông Nguyễn Văn Quận cho biết thêm thành phố Sóc Trăng đặt mục tiêu tiêu đến năm 2025 hoàn chỉnh 100% các đồ án quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị.
Thành phố sẽ hoàn chỉnh các dự án nhà ở hiện có, theo quy hoạch chi tiết được duyệt; hoàn thành các tuyến đường trong các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu đã phê duyệt, như: Quy hoạch phân khu chợ đầu mối Phường 8, Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt, đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Hùng đến Quốc lộ 60).
Cùng với đó, thành phố sẽ hoàn thành dự án Quy hoạch thoát nước và chống ngập úng khu vực trung tâm thành phố Sóc Trăng có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, Dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam-tiểu dự án thành phố Sóc Trăng, Dự án cải tạo hệ thống hạ tầng, nạo vét kênh thoát nước…
Thành phố Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành các yếu tố cần thiết phục vụ xây dựng đô thị thông minh, xây dựng thành phố Sóc Trăng đạt một số tiêu chí chủ yếu của đô thị loại 1, nâng cao vai trò, vị thế cạnh tranh của thành phố với các đô thị trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
3. TP. Sóc Trăng sẽ trở thành trung tâm kinh tế tiểu vùng ven biển Đông
Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 phát triển hệ thống đô thị của tỉnh gồm 25 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 9 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%.
Sóc Trăng chuyển biến mạnh mẽ hướng đến đô thị thông minh. Nguồn: Tạp chí Công Thương.
Đến năm 2050, hệ thống đô thị của tỉnh là 31 đô thị, gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 9 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V.
Trong đó, định hướng TP. Sóc Trăng là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch, trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử; giữ vai trò là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, an ninh quốc phòng của tỉnh. Cùng với đó, nghiên cứu việc mở rộng địa giới hành chính nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho việc định hướng đến năm 2030, TP. Sóc Trăng cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Đô thị Vĩnh Châu là một trong những đô thị trung tâm của vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng. Thị xã Vĩnh Châu là đô thị thương mại, công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan, nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành kinh tế biển, như điện gió ngoài khơi, nuôi trồng thủy sản mặn/lợ, dịch vụ hậu cần biển. Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển mở rộng đô thị theo hướng tạo lập các khu chức năng, các khu đô thị lấn biển với tính chất, quy mô phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình, địa chất, thủy văn và đảm bảo điều kiện kết nối với hạ tầng theo định hướng phát triển của thị xã.
Thị xã Ngã Năm là trung tâm của vùng nội địa về phía Tây Nam tỉnh Sóc Trăng; là đô thị thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sông nước, chợ nổi truyền thống.
Định hướng đến năm 2030, Trần Đề cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, là thị xã trực thuộc tỉnh; hướng phát triển không gian chính là hướng về TP. Sóc Trăng và ven sông Hậu; là trung tâm kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng, phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ hậu cần cảng biển, vận tải, hàng hải, các khu sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo ven biển, du lịch biển và đô thị biển; gắn kết với cảng biển ở cửa ngõ Trần Đề, Khu kinh tế ven biển Trần Đề, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; là trung tâm nuôi trồng và khai thác thủy - hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá cho cả vùng duyên hải Biển Đông.
Quy hoạch cũng định hướng nghiên cứu phát triển hệ thống các đô thị còn lại tương xứng với tiềm năng của tỉnh và theo kế hoạch phân loại, nâng cấp đô thị được xác định cho từng đô thị trong quy hoạch tỉnh, trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế của từng đô thị kết hợp lợi thế chung của tỉnh với hơn 72 km bờ biển và khoảng 70km sông Hậu.
Đồng thời, tối ưu hóa việc kết hợp cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu với phát triển các khu đô thị mới đồng bộ về các khu chức năng thương mại, dịch vụ, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các khu nhà ở. Nghiên cứu các khu đô thị, khu chức năng dịch vụ tổng hợp, nghỉ dưỡng ven biển, lấn biển, ven sông; khai thác các tiềm năng du lịch gắn phát triển đô thị tại Cù Lao Dung, các cồn nổi trên sông Hậu và khu vực bãi bồi ven biển.
Hiện nay, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Trong đó, điểm nhấn là Dự án thành phần 4 (đoạn đi qua tỉnh Sóc Trăng có chiều dài khoảng 58,37 km) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I và Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng, có chiều dài toàn tuyến 56,678 km, kết nối thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… Các dự án này khi đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở ra không gian phát triển kinh tế, hình thành các khu đô thị, thương mại - dịch vụ, công nghiệp…, góp phần nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh.