Diện mạo hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL

Với việc ưu tiên đầu tư chiến lược, phát triển hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diện mạo giao thông vùng đang có sự thay đổi tích cực từng ngày. Nhờ đó, tính kết nối nội vùng và liên vùng được tăng cường, tạo động lực mạnh mẽ giúp ĐBSCL thu hút nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế.

1. Nối dài đường cao tốc Bắc - Nam ở ĐBSCL

 

Những ngày cuối năm 2023, người dân vùng đất Chín Rồng có thêm niềm vui lớn khi chứng kiến Dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng) thông xe, đưa vào sử dụng. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp thông xe toàn tuyến giao thông huyết mạch, kết nối với Tp. Hồ Chí Minh (trung tâm kinh tế lớn nhất nước) và TP Cần Thơ (trung tâm vùng ĐBSCL), với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 160km.

06 Tuyến cao tốc cho miền Tây giải "cơn khát" và định hình phát triển tương  lai - Chuyên Trang Nhà Đất Đầu Tư

Khơi thông cao tốc ĐBSCL. Nguồn: Bộ Giao thông Vận tải.

 

Tính đến cuối năm 2023, khu vực ĐBSCL đã đưa vào khai thác tổng chiều dài gần 200km đường cao tốc. Trong đó, gồm các đoạn Bến Lức - Trung Lương 40km, Trung Lương - Mỹ Thuận 51km, Mỹ Thuận - Cần Thơ 23km, Cao Lãnh - Lộ Tẻ 29km, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 51km. Ngoài ra, trong vùng ĐBSCL hiện có các tuyến cao tốc đang được thi công khẩn trương, như: Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (hơn 110km), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (hơn 188 km), Cao Lãnh - An Hữu (gần 27,5km). Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2026, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 540km đường cao tốc được đưa vào khai thác.

 

Bên cạnh hệ thống đường cao tốc, các cầu vượt sông quy mô lớn cũng đã và đang hình thành, giải phóng nỗi khổ bao đời nay của hàng triệu người dân vùng sông nước Cửu Long là “qua sông phải lụy phà”. Trong đó, có thể kể đến các công trình cầu: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2, Châu Đốc… Đặc biệt, sự kiện khởi công cầu Đại Ngãi (nối 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh) vào tháng 10-2023, khi hoàn thành sẽ giúp thông tuyến quốc lộ 60 đi Tp. Hồ Chí Minh, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của đông đảo người dân vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL.

 

Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, đặc biệt là các trục có nhu cầu vận tải cao như: Trục Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, trục N2 đoạn từ Cao Lãnh về Tp. Hồ Chí Minh tạo kết nối thuận lợi vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ và Tp. Hồ Chí Minh.

 

Theo đó, giao thông đường bộ kết nối vùng ĐBSCL với Tp. Hồ Chí Minh qua 5 trục chính: Tuyến N1 (dài 235 km) chạy dọc biên giới Campuchia từ Đức Huệ (Long An) đến Hà Tiên (Kiên Giang), tuyến N2 (dài 440 km) từ Chơn Thành (Bình Dương) đến Vàm Rầy (Kiên Giang), cao tốc đoạn Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau, Quốc lộ 1 (dài 334 km) từ Tp. Hồ Chí Minh tới Cà Mau, tuyến duyên hải ven biển phía Đông gồm Quốc lộ 50 và Quốc lộ 60.

 

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Cần Thơ tập trung đầu tư các dự án kết hạ tầng, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông vận tải. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn này đã bố trí cho các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải trên 11.000 tỷ đồng. Mục tiêu là khắc phục hạn chế về hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với các dự án được Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội ô thành phố.

 

Theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ đã đàm phán với các đối tác, ưu tiên triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên. Các cơ quan đã báo cáo cấp có thẩm quyền đồng thời đang triển khai công tác chuẩn bị xây dựng đường sắt tốc độ cao; trong đó, ĐBSCL cũng sẽ được ưu tiên.

 

Bên cạnh đó, tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL có tổng mức đầu tư khoảng 38.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí của các cầu lớn trên tuyến) hiện Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến các địa phương liên quan dự án để tổng hợp vào báo cáo chung, trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét đầu tư trong thời gian tới. Toàn tuyến dài 428 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80 km/h, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vùng công nghiệp phía Đông và các khu du lịch ven biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn vùng ĐBSCL.

2. Mạng lưới cao tốc kích hoạt phát triển ĐBSCL

 

Nếu mạng lưới 6 tuyến cao tốc tại ĐBSCL hoàn thành đúng kế hoạch, khu vực sẽ có sự thay đổi diện mạo lớn về đô thị và kinh tế.

Xóa nút thắt giao thông với các tỉnh ĐBSCL. Nguồn: Tạp chí Giao thông vận tải.

2.1 Giải phóng mặt bằng, lập khu tái định cư cho dự án cao tốc

 

Phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam. Đến nay, Chính phủ trong nhiệm kỳ này đã bố trí được 480.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, từ nhiều nguồn; trong đó dành nguồn lực lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL với quyết tâm làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây.

 

Mới đây, 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng đã đồng loạt khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tuyến cao tốc có chiều dài hơn 188 km và chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập. 

 

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, các địa phương tập trung thực hiện các kế hoạch, dứt điểm các phần việc còn lại. Trong đó, tỉnh Hậu Giang đang tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

 

Tính đến nay, tỉnh Hậu Giang đã bàn giao gần 100% mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Còn tuyến thứ hai là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh sẽ tiếp tục vận động người dân bàn giao 16% diện tích đất còn lại để chủ đầu tư triển khai dự án. Tỉnh cũng tiếp tục đẩy nhanh việc di dời các hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông… để đảm bảo tiến độ dự án.

 

Song song với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tỉnh Hậu Giang cũng gấp rút triển khai quỹ đất tạo lập 6 khu tái định cư cho 2 dự án, tương đương với khoảng 1.200 nền.

 

Một trong hai quỹ đất được tỉnh Hậu Giang bố trí làm khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, với gần 100.000 m2 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 8 tới đây.

 

Còn đối với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tỉnh quy hoạch 4 khu tái định cư tại 4 huyện có dự án đi qua. Hiện tỉnh đã hoàn tất bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đang triển khai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

2.2 Sáu tuyến cao tốc thay đổi ĐBSCL

 

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.

Thủ tướng lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.

Các trục ngang cao tốc của ĐBSCL sẽ gồm tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm phía nam sông Hậu vừa được khởi công. Tuyến thứ hai là cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188 km nằm phía bắc sông Hậu. Còn lại trục ngang cuối cùng sẽ kết nối Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km.

 

Trong khi đó, tuyến cao tốc trục dọc đầu tiên là cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 245 km từ Long An đến Cà Mau. Trục dọc thứ 2 là cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180 km. Cuối cùng là tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150 km, là một trục dọc phía Đông, kết nối các tỉnh ven biển ĐBSCL.

 

Theo kế hoạch, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc, các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

 

Trong chuyến kiểm tra, đôn đốc tiến độ, các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư. Qua đó, giảm bớt giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...