Bất động sản Hậu Giang: Khởi sắc cùng nhiều dự án giao thông mới

Hậu Giang là tỉnh nằm ở trung tâm của Tiểu vùng Tây sông Hậu, cửa ngõ của Bắc bán đảo Cà Mau, có tiềm năng phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, quỹ đất của Hậu Giang còn nhiều, lại có vị trí tiếp giáp với TP. Cần Thơ – trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần sân bay, cảng biển… nên tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển bất động sản, đô thị, logistics,... Chính vì vậy hiện nay việc phát triển đô thị là một trong những trụ cột được Hậu Giang tập trung thu hút đầu tư.

Động lực cho bất động sản khu đô thị Hậu Giang cất cánh

 

Chính sách kêu gọi đầu tư và thủ tục hành chính thông thoáng của Hậu Giang đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển. Với mục tiêu mở rộng 8 khu công nghiệp, tổng diện tích 2.233ha trong giai đoạn 2021-2030, giải quyết hàng trăm nghìn việc làm, Hậu Giang đang trở thành điểm đến thu hút lực lượng lao động đông đảo, kéo theo nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng nhanh.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dự kiến khởi công tháng 11 - VnExpress

Hậu Giang bàn giao 90% mặt bằng, sớm hơn kế hoạch trong dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Nguồn: Bộ Giao thông - Vận tải.

 

Bên cạnh lợi thế phát triển công nghiệp, nông nghiệp, Hậu Giang còn là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam Sông Hậu thông qua các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Sông Hậu,…cùng với hệ thống đường tỉnh lộ kết nối vào đường quốc lộ, rất thuận tiện cho lưu thông, phân phối, vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân và doanh nghiệp.

 

 Đặc biệt, sắp tới đây Hậu Giang sẽ có khoảng hơn 100 km đường bộ cao tốc đi qua, gồm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, sẽ tạo ra không gian phát triển lớn cho tỉnh, đồng thời đưa Hậu Giang trở thành trung tâm kết nối giao thông theo trục dọc và trục ngang của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Với lợi thế trung tâm chiến lược, gần sân bay, cảng biển, cao tốc…Hậu Giang không chỉ hội tụ các tiềm lực để phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội, mà thị trường bất động sản tại đây cũng vô cùng hấp dẫn, nhất là phân khúc bất động sản Khu đô thị đang còn rất khan hiếm.

Hậu Giang cần những Khu đô thị đồng bộ, bài bản

 

Với định hướng ưu tiên mọi nguồn lực cho phát triển Đô thị, song song với Công nghiệp, Nông nghiệp và Du lịch, Hậu Giang đã bước đầu thu hút được nhiều tập đoàn lớn, có tiềm lực đến đầu tư như VinGroup, Hưng Phát, DIC Corp, Cát Tường, TNG Holdings, THD Việt Nam... Trong đó, đã có những dự án được triển khai và đưa vào khai thác, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng xanh, sạch và khang trang hơn, đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản địa phương phát triển.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, quy mô đô thị Hậu Giang hiện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí địa lý và nhu cầu của thị trường. Phần lớn các dự án có quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính đồng bộ và không có nhiều tiện ích phục vụ đời sống sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập cao, các chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại địa phương.

 

Tốc độ phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu và thị hiếu của người dân dẫn đến tình trạng khan hiếm các khu đô thị tầm vóc, có không gian đáng sống và vị trí kết nối thuận lợi. Mới đây, thông tin dự án KĐT Hưng Phát ra mắt tại trung tâm thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của khách hàng và nhà đầu tư. 

 

Theo định hướng phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2030, địa phương này xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị thông minh, đảm bảo tính bền vững, với tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 32%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 35%. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư 3 đô thị trọng điểm của tỉnh là thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.

 

Đồng thời, Hậu Giang cũng rà soát, điều chỉnh và lập mới các đồ án quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo phục vụ quá trình phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển không gian đô thị, định hướng phát triển các khu chức năng, để làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ - du lịch.

 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, vừa qua UBND tỉnh Hậu Giang đã thống nhất phê duyệt danh mục lập quy hoạch với 90 dự án phát triển nhà ở, có diện tích khoảng 2.077 ha. Từ 9 đô thị ban đầu khi mới thành lập tỉnh năm 2004, đến nay Hậu Giang đã có 18 đô thị và đạt tỷ lệ 29%.

Hậu Giang phát triển 3 trung tâm đô thị

 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Hậu Giang phát triển đô thị. Nguồn: Báo Xây dựng.

 

Đô thị Hậu Giang phát triển tập trung “3 thành”- TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ. Trong đó, TP Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Mở rộng, nâng cấp các đô thị, phát triển đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gắn với công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chuẩn đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Xây dựng TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ trở thành các đô thị trung tâm, hiện đại, hỗ trợ các hoạt động thương mại, dịch vụ và các đô thị vệ tinh phát triển.

 

Đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang có khoảng 19 đô thị; trong đó 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, 14 đô thị loại V.

 

Theo đó, TP Vị Thanh là đô thị loại II, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh. Tổ chức không gian đô thị dọc theo hai bên tuyến kênh Xáng Xà No; kết nối với TP Cần Thơ và các đô thị theo mạng lưới giao thông.

 

Tiếp đến, TP Ngã Bảy là đô thị loại III, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; là cực phát triển phía Đông của tỉnh Hậu Giang.

 

Thị xã Long Mỹ là đô thị loại III, đầu mối trung chuyển, chế biến nông sản công nghệ cao; kết nối với tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau theo quốc lộ 61B và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; phát triển du lịch sinh thái và văn hóa, lịch sử…  

 

Phương án tổ chức phát triển kinh tế-xã hội theo 04 vùng: Vùng Trung tâm gồm TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy, trong đó TP Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội: Đô thị, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Bên cạnh đó, Vùng Đô thị – Công nghiệp gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, là vùng động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội: Công nghiệp, đô thị, logistics và du lịch.

 

Vùng Công nghiệp – Du lịch sinh thái gồm TP Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp, tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội: Công nghiệp, đô thị, du lịch và nông nghiệp sinh thái. Ngoài ra, Vùng Đô thị – Nông nghiệp sinh thái gồm thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. Tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội: Phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đô thị và du lịch.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...