Sóc Trăng nỗ lực đưa tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,54%

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với những khó khăn, thách thức nội tại của nền kinh tế, 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,54% (cùng kỳ năm 2023 tăng 3,73%). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm, trong khi tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) tăng. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023.

1. Nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng trưởng khá ở Sóc Trăng

 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tương đối thuận lợi, giá tăng cao hơn so cùng kỳ năm 2023; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai thực hiện tốt. Đến nay, toàn tỉnh có 235 sản phẩm OCOP được chứng nhận (một sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, 21 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 213 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao) thuộc 132 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.  

Sóc Trăng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chú trọng chất lượng, năng suất và hiệu quả. Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo.

UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất. Qua đó, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có nhiều kết quả tích cực.  

 

Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 9,68%). Các ngành công nghiệp đều có sự tăng trưởng ở mức trên 5% so cùng kỳ, như tôm đông lạnh tăng 5,81%, bia tăng 6,8%, gạch các loại tăng 30,11%, điện phát ra tăng 45,05%, giày da tăng 43,72%, vật tư y tế tăng 75,69%...  

 

Các dự án phát triển năng lượng, dự án điện gió tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 dự án nhà máy điện gió đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng quy mô công suất 1.395 MW. Trong đó, có 7 dự án/phần dự án vận hành thương mại, với tổng công suất 340 MW; 2 dự án đã xây dựng hoàn thành, nhưng chưa vận hành thương mại, tổng công suất là 59,4 MW; 2 dự án đang thi công.  

 

Công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với các ngành hàng chủ lực được tỉnh chú trọng thực hiện với nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, sự kiện quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; phát triển giao dịch điện tử; kích cầu tiêu dùng nội địa…, góp phần thúc đẩy thương mại - dịch vụ tăng trưởng ở mức khá cao. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 49.825 tỷ đồng, tăng gần 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 31.340 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.  

 

Kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD, tăng gần 18,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 420 triệu USD, xuất khẩu gạo đạt 325 triệu USD, xuất khẩu hàng may mặc đạt 53 triệu USD.  Ngành dịch vụ du lịch tiếp tục có nhiều khởi sắc, tăng cả về số lượt du khách lẫn doanh thu du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Sóc Trăng đạt trên 1,7 triệu lượt, bằng 58% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch là 925 tỷ đồng, đạt 58% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.  

 

UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động triển khai chặt chẽ, điều hành dự toán thu - chi trong phạm vi dự toán được giao, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3.058 tỷ đồng, bằng 61,14% so dự toán, tăng 15,4% so cùng kỳ năm trước.  

 

Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 được tỉnh tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh ngay từ những tháng đầu năm. UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng lộ trình, phân công lãnh đạo theo dõi cụ thể và cam kết tiến độ giải ngân từng dự án. Đồng thời, tập trung triển khai, thúc đẩy tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, của tỉnh; phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các đơn vị có liên quan thực hiện thủ tục đầu tư tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Quốc lộ 91B (tuyến đường Nam sông Hậu), đề xuất và lập Dự án cảng biển Trần Đề…  

 

Ngoài ra, tỉnh tập trung chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tương đối thuận lợi, giá tăng cao hơn so cùng kỳ năm 2023; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai thực hiện tốt. Đến nay, toàn tỉnh có 235 sản phẩm OCOP được chứng nhận (một sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, 21 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 213 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao) thuộc 132 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.  

2. Sóc Trăng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

 

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Sóc Trăng. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; định kỳ tổ chức họp mặt, đối thoại; chỉ đạo Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục và triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư dự án. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức 3 lần họp mặt doanh nghiệp. Đến nay, 100% ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp được các sở, ngành, địa phương trả lời, giải quyết.

 

UBND tỉnh cũng đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch Tổ chức hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp năm 2024. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu các thông tin liên quan chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách ưu đãi đầu tư, thông tin về các dự án thu hút đầu tư và hướng dẫn đăng ký kinh doanh qua môi trường mạng thông qua “Cẩm nang điện tử” được đăng tải trên trang thông tin điện tử ipc.soctrang.gov.vn. Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn cho 127 lượt cá nhân, doanh nghiệp thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến bằng các ứng dụng như Ultraviewer, Zalo, điện thoại di động..., giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

 

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh tiếp và làm việc với 47 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại địa phương. Trong đó, các dự án đầu tư cụm công nghiệp, dự án năng lượng tái tạo được nhiều nhà đầu tư quan tâm, triển khai thực hiện. Tình hình phát triển doanh nghiệp của tỉnh tương đối ổn định, số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, toàn tỉnh có 205 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,3%; 43 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2023.

 

Để công tác phát triển doanh nghiệp đạt được kỳ vọng theo kế hoạch năm 2024, thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, như tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chủ động và linh hoạt trong công tác quản lý điều hành để có những biện pháp phù hợp với diễn biến thị trường trong những tháng còn lại của năm 2024.

3. Sóc Trăng đầu tư 2 dự án giao thông vùng kinh tế biển, vốn gần 290 tỷ đồng

 

HĐND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành Nghị quyết số 95/NQ-HĐND chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường Lăng Ông, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Cao tốc Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng xung lực mới đưa Sóc Trăng vươn lên phát triển. Nguồn: Tạp chí Giao thông vận tải.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm từng bước xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị, phát triển không gian đô thị và từng bước hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện đầu tư đồng bộ hạ tầng xã hội của thị trấn Trần Đề sớm trở thành trung tâm vùng kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng theo định hướng Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng; nhằm phát triển thị trấn Trần Đề theo hướng bền vững, hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đa ngành theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thủy sản của tỉnh.

 

Dự án có tổng chiều dài tuyến đường khoảng 2 km; tải trọng thiết kế trục đơn 10 tấn; bề rộng nền đường 24 m (trong đó, bề rộng mặt đường 14 m; bề rộng vỉa hè mỗi bên 5 m); kết cấu mặt đường láng nhựa. Phần cầu, nâng cấp, mở rộng 1 cầu; tải trọng thiết kế HL93; bề rộng toàn cầu 24 m (trong đó, bề rộng mặt cầu phần xe chạy là 14m; bề rộng lan can và lề bộ hành mỗi bên là 5,0m).

 

Bên cạnh đó là vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, tín hiệu đèn giao thông và các công trình phụ trợ khác.

 

Đây là dự án nhóm B, có tổng mức đầu tư 208,255 tỷ đồng, từ vốn ngân sách tỉnh (xổ số kiến thiết).

 

HĐND tỉnh Sóc Trăng cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo Đường huyện 47C (Đường Prey Chóp), thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, với mục tiêu nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu theo quy hoạch, tăng cường tính kết nối và khả năng lưu thông, trao đổi hàng hóa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đa ngành theo định hướng trở thành trung tâm vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

 

Về quy mô, dự án có tổng chiều dài đường khoảng 8.614 m; tải trọng thiết kế trục đơn 10 tấn; bề rộng nền đường 7,5 m (trong đó, bề rộng mặt đường 5,5 m, bề rộng lề 2 m); kết cấu mặt đường láng nhựa và bê tông cốt thép tại đoạn khu vực chợ; hệ thống thoát nước; gia cố sạt lở bờ sông và các công trình phụ trợ khác.

 

Dự án có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, từ vốn ngân sách tỉnh (xổ số kiến thiết).

 

Cả 2 dự án nêu trên đều có thời gian thực hiện dự án năm 2024 - 2027.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...