Sóc Trăng phát triển đô thị tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội
UBND tỉnh Sóc Trăng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công bố dự án đầu tư có sử dụng đất, thông báo mời quan tâm và triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành. Mục tiêu dự án nhằm đầu tư xây dựng Khu đô thị mới có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị mới, thông minh của TP. Sóc Trăng; góp phần phát triển khu đô thị trung tâm; đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhà ở xã hội, thương mại và dịch vụ của nhân dân. Phù hợp với định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch chung của TP. Sóc Trăng.
1. Thành phố Sóc Trăng đột phá hướng đến đô thị loại I
Với khát khao phát triển thành phố Sóc Trăng trở thành đô thị văn minh, Thành ủy Sóc Trăng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện; quán triệt, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm vì mục tiêu chung. Một trong những giải pháp quan trọng được thành phố Sóc Trăng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua chính là thực hiện các quy hoạch khu dân cư, khu đô thị. Trên cơ sở quy hoạch chung được tỉnh phê duyệt, thành phố đã lập quy hoạch phân khu đạt gần 100% trên nền diện tích hiện trạng. Cùng với đó, thành phố tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, các dự án hạ tầng chiến lược trên địa bàn thành phố như: Dự án nâng cấp đô thị - Tiểu dự án thành phố Sóc Trăng; Dự án đường Vành đai I, đường Vành đai II, Khu tái định cư số 1, cầu Nguyễn Văn Linh…
Khẳng định sức hút trung tâm mới Tp. Sóc Trăng. Nguồn: Báo Thanh Niên.
Song song đó, hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được thực hiện đồng bộ; các công trình công cộng, dự án nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo và phát triển. Giai đoạn 2021-2024, thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 66 hạng mục giao thông với kinh phí khoảng 227 tỷ đồng. Để thành phố phát triển xứng tầm đô thị loại II, thành phố huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công hàng năm để đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển đô thị; đến nay, đã và đang thực hiện 89 dự án, tổng kinh phí trên 771 tỷ đồng, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ giải ngân 100% vốn phân cấp.
Công tác kiểm soát, khắc phục, xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các kênh mương trong nội ô thành phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh được tăng cường chỉ đạo. Trong 03 năm qua, thành phố đã nạo vét, khắc phục ô nhiễm tại 103 tuyến kênh mương với chiều dài 95 km, kinh phí thực hiện trên 12,6 tỷ đồng; thực hiện nạo vét hệ thống thoát nước, kinh phí hơn 133 tỷ đồng.
Các thiết chế văn hoá được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn ngày càng được quan tâm, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh, từng bước nâng cao ý thức của người dân trong giao tiếp, ứng xử nơi công cộng.
Cùng với đổi thay trong diện mạo, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt lĩnh vực thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Từ năm 2021 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân hàng năm từ 16%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng bình quân hằng năm từ 9 - 13%/năm. Lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 203 triệu đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giảm nghèo có sự chuyển biến rõ nét. Hằng năm, thành phố đầu tư kinh phí hơn 10 tỷ đồng/năm để cải tạo, sửa chữa và nâng cấp các điểm trường trên địa bàn; đến nay, toàn thành phố có 27/35 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 77,14%. Chất lượng khám và chữa bệnh ở các cơ sở y tế ngày càng được nâng cao. Thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã vận động xã hội hóa trên 7,2 tỷ đồng để chăm lo 24.450 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng bảo trợ khác. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,51%; mức sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2023 đạt 99,4 triệu đồng.
Một trong những điểm nhấn quan trọng đó là công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, Chính phủ số đạt nhiều kết quả. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã rút ngắn thời gian giải quyết 07 thủ tục hành chính, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 52%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 56%. Đặc biệt, thành phố vận hành, khai thác có hiệu quả Trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong đó trang bị trên 120 camera giám sát an ninh, góp phần hỗ trợ công tác kiểm tra về chấp hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Kết quả từ khi triển khai đến nay đã phát hiện trên 5.620 trường hợp vi phạm giao thông; nhắc nhở hoặc xử phạt trên 240 trường hợp vi phạm bỏ rác không đúng nơi quy định; tiếp nhận và xử lý kịp thời hơn 350 ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, cá nhân. Công tác cán bộ cũng là khâu then chốt, hằng năm, có từ 70% cán bộ, công chức được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ; tỷ lệ cán bộ phường có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 100%; 99% công chức phường có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm.
Theo đánh giá của đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sóc Trăng đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực và hoàn thành nhiều chỉ tiêu Nghị quyết 05-NQ/TU đề ra. Để sớm đạt các tiêu chí đô thị loại I, trong thời gian tới, thành phố cần quan tâm, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đồng thời, có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của đô thị văn minh.
2. Sóc Trăng hiện thực hóa khát vọng phát triển
Sóc Trăng là tỉnh hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế - xã hội, nhất là về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và ven biển.
Phấn đấu đưa Sóc Trăng vươn lên trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL. Nguồn: Nhịp sống Miền Tây.
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định nghiên cứu, đầu tư phát triển nhiều công trình, dự án chiến lược trên địa bàn tỉnh mang tính lan tỏa, tạo động lực phát triển không chỉ cho tỉnh Sóc Trăng mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Có kế hoạch và những bước đi cụ thể; xác định thứ tự ưu tiên để phân bổ nguồn lực hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng theo Quy hoạch.
Theo Quy hoạch đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 124 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng. Kinh tế chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt khoảng 45%.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 02 - 03%/năm, trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 03 - 04%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 90%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%, tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 33 giường, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 11 người.
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt 98 - 99%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt 75%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98 - 100%. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 75%. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 03%.
Sóc Trăng tổ chức không gian thành 4 vùng kinh tế - xã hội, cụ thể:
- Thứ nhất, vùng ven biển là vùng gồm toàn bộ diện tích đất liền của TP. Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Đây là vùng động lực trung tâm phát triển, lan tỏa. Vùng ven biển phát triển theo hướng tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ hậu cần logistics - du lịch- nông nghiệp, thủy sản gắn với kinh tế biển cảng biển.
- Thứ hai, vùng ven sông Hậu là vùng gồm toàn bộ diện tích các huyện Châu Thành, Kế sách, Long Phú. Kinh tế vùng ven sông Hậu phát triển theo hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
- Thứ ba, vùng nội địa gồm toàn bộ diện tích của thị xã Ngã Năm, các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Mỹ xuyên. Vùng nội địa phát triển theo hướng khai thác các điều kiện thuận lợi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
- Thứ tư, vùng Cù Lao Dung gồm huyện Cù Lao Dung định hướng phát triển chủ yếu về dịch vụ kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của Sóc Trăng với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài Tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cam kết để thực hiện thành công Quy hoạch, tỉnh đẩy mạnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tỉnh huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.