Diện mạo mới đô thị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Một không gian sống dung hòa giữa tinh thần phóng khoáng, cởi mở của miền sông nước Tây Đô và tiêu chuẩn quy hoạch đô thị hiện đại, chuyên nghiệp đang thiết lập những chuẩn mực sống mới tại thành phố thủ phủ miền Tây.
1. TP. Cần Thơ và vai trò đô thị động lực của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Trong quy hoạch về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ được xác định là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và thương mại của cả vùng.
Đô thị trung tâm TP Cần Thơ dẫn đầu xu thế sống vương giả tại ĐBSCL. Nguồn: Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ.
Thành phố được định hướng phát triển 2 trung tâm kinh tế động lực và 3 vùng phát triển. Trong đó, vùng thứ nhất gồm: quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền (định hướng phát triển thành thị xã) và một phần diện tích quận Ô Môn, huyện Thới Lai là vùng là khu vực chính để Cần Thơ trở thành trung tâm, động lực phát triển của vùng ĐBSCL.
Thế nhưng một nghịch lý đang diễn tiến tại Cần Thơ là, dù nền kinh tế tăng tốc mạnh mẽ, đóng góp khoảng 1,47% GDP cả nước, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, luôn duy trì trong top 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, nhưng thị trường bất động sản Cần Thơ nói chung và vùng trọng tâm phát triển đô thị lại chưa tương thích với tiến trình kinh tế đang biến đổi không ngừng đó.
Thị trường bất động sản Cần Thơ trước nay phần nhiều vẫn là các dự án sơ khai, thuần túy phân lô bán nền, khan hiếm các khu đô thị được quy hoạch bài bản với tiện ích, dịch vụ hoàn chỉnh. Trong khi đó, đi cùng với tăng trưởng kinh tế, người dân Cần Thơ ngày càng định hình rõ nét nhu cầu thực tế với những chuẩn mực sống mới.
Theo dự thảo, TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số lĩnh vực trọng tâm.
Đồng thời là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế, đóng vai trò kết nối của Việt Nam với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.
Cần Thơ cũng được định hướng phát triển thành đô thị sinh thái sông nước cao cấp dọc sông Hậu, lấy sông Hậu là mặt tiền chính cho toàn thành phố, phát triển bản sắc của từng quận, huyện thành đô thị bên các sông nhánh; đồng thời xây dựng đô thị hiện đại, đô thị thông minh, và là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và của cả nước.
Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,36 triệu người; đến năm 2045 khoảng 1,49 triệu người.
Dự báo sơ bộ quy mô đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 20.400 - 27.200 ha; đến năm 2045 khoảng 22.000 - 30.000 ha.
Dự thảo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cũng đặt ra những yêu cầu cụ thể về nội dung nghiên cứu quy hoạch gồm: Phân tích vai trò, vị thế và các mối liên hệ vùng; phân tích, đánh giá các đặc điểm hiện trạng; xác định tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển; các dự báo phát triển; định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, thiết kế đô thị; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhà ở; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường; thực hiện quy hoạch; quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung…
2. Định hướng phát triển bền vững cho các đô thị ở miền Tây
ĐBSCL là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Triển vọng xây dựng đô thị thông minh tại 13 tỉnh ĐBSCL. Nguồn: Cục Phát triển đô thị.
Vùng đã có bước tiến dài trong việc quy hoạch và phát triển đô thị sông cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do đó, việc phát triển đô thị bền vững đòi hỏi sự điều tiết hài hòa với bình ổn xã hội và bảo vệ môi trường.
Đây là vấn đề nổi bật mà chính quyền địa phương trong vùng cùng với chuyên gia, nhà hoạch định chính sách phải đặc biệt quan tâm để có những định hướng quy hoạch, phát triển đô thị lâu dài, thiết thực, ổn định.
Bài toán đặt ra cần có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa nguồn lực và sự tham gia của thành phần kinh tế để phát triển bền vững đô thị vùng.
Thông tin từ Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng ĐBSCL” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức tại Hậu Giang vừa qua, vùng ĐBSCL hiện có 211 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 32%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước là 40,5%.
Dự báo giai đoạn 2021-2025 vùng ĐBSCL có trên 250 đô thị; trong đó, 4 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 11 đô thị loại III, 42 đô thị loại IV và 78 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 35%-36%, năm 2030 đạt khoảng 42%-48% (cả nước dự kiến 45% năm 2025 và hơn 50% vào năm 2030).
Ông Lê Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết ĐBSCL được cảnh báo là 1/3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất thế giới.
Theo dự báo, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5-1m vào cuối thế kỷ XXI. Do đó, nếu không có giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thì 35% dân số vùng ĐBSCL với 39% diện tích chịu ảnh hưởng.
Toàn bộ 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều có nguy cơ ngập cao bởi biến đổi khí hậu như Kiên Giang (80%), Hậu Giang (80%), Bạc Liêu (40 - 50%), Sóc Trăng (25-30%), Cà Mau (40-50%).
Một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao với tỷ lệ phần trăm diện tích ngập gồm tỉnh Kiên Giang gồm thành phố Rạch Giá (85-90%), thị xã Hà Tiên (85-90%); tỉnh Hậu Giang gồm thành phố Vị Thanh (85-90%), thành phố Ngã Bảy (85-90%); thành phố Cà Mau tỉnh Cà Mau (60-70%); thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng (10-20%); thành phố Cần Thơ (5-10%); thị xã Gò Công tỉnh Tiền Giang (20-25%).
Như vậy, phân vùng các khu vực chịu ảnh hưởng ngập lụt sẽ có khu vực ngập sâu trung bình từ 2m thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang; khu vực ngập trung bình 1- 2m, thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và khu vực ngập nông thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang.
Theo đánh giá của bà Trần Thị Lan Anh, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, nhất là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, biển xâm thực.
Việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở… là những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhận định sự phân cấp giữa địa phương và Trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; cơ chế điều phối phát triển vùng ĐBSCL chưa thực sự phát huy tác dụng.
Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết toàn vùng, chưa gắn kết chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tiểu vùng sông Mekong. Việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế.
Để giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực đô thị, Tiến sĩ Hồ Công Đức (Trường Đại học Thương mại) nhấn mạnh việc quy hoạch đô thị được xem là một trong những biện pháp quan trọng. Đây là quá trình tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị.
Do đó, quy hoạch đô thị ĐBSCL thích ứng với BĐKH sẽ góp phần làm giảm tác động xấu của môi trường lên cuộc sống của người dân thành thị như ngập lụt, triều cường, bão, nhiệt độ tăng cao, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí… Quy hoạch cũng tạo ra không gian xanh, hồ điều hòa tại khu đô thị, tạo nên môi trường sống trong lành cho người dân đô thị.
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến khu vực đô thị, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết Nghị quyết 06 năm 2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định định hướng phát triển đô thị theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối; phát triển đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42- 48%; định hướng phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng biến đổi khí hậu.