Sóc Trăng: “Siêu cảng” Trần Đề 50.000 tỷ giúp ĐBSCL thoát nghèo?
Với nhu cầu vốn lên tới 50.000 tỷ đồng, cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) được đề xuất xây dựng quy mô cảng biển loại đặc biệt, công suất thiết kế từ 80 – 100 triệu tấn/năm, đảm nhận vai trò xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
50.000 tỷ đầu tư “siêu cảng” Trần Đề chỉ là bước khởi đầu “thoát nghèo”
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Sóc Trăng đang được xếp vào nhóm cảng biển loại III, tuy nhiên địa phương được định hướng quy hoạch thành cảng biển loại đặc biệt, sánh ngang với hệ thống cảng Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hình ảnh phối cảnh siêu cảng Trần Đề. Nguồn: Sở Giao thông Vận tải - Sóc Trăng.
Về vị trí địa lý, Sóc Trăng sở hữu đường bờ biển dài 72km và 3 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra biển Đông. Đây là một trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiềm năng cao nhất để phát triển kinh tế biển tổng hợp.
Năm 2020, Sóc Trăng đề xuất quy hoạch cảng biển nước sâu Trần Đề thành cảng biển đặc biệt (loại IA), có tổng diện tích khoảng 5.750ha, với khu dịch vụ, hậu cần, logistics, cầu vượt biển từ 10-16km.
Việc đầu tư xây dựng cảng Trần Đề sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ, logistics, hạ tầng... đặc biệt là việc xuất khẩu hàng hóa, giảm thiểu lệ thuộc lên khu vực cảng Cần Thơ và cảng Cái Mép - Thị Vải, từ đó tiết kiệm chi phí cũng như thời gian cho các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL.
Cảng biển Trần Đề không chỉ là bệ phóng cho toàn vùng ĐBSCL phát triển mà còn có vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Đến năm 2022, giấc mơ “siêu cảng” của khu vực ĐBSCL dần hiện rõ khi Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng Hải (CMB) đưa ra phương án quy hoạch đối với cảng biển Trần Đề.
Với tổng diện tích lên tới 4.960ha, dự án bao gồm khu bến cảng 960ha và diện tích khu dịch vụ, hậu cần cảng logistics, cảng trung chuyển hàng hoá phía bờ là 4.000ha. Các công trình thuộc cảng biển Trần đề bao gồm: Cầu vượt biển dài 18km, 15 cầu cảng, đê chắn sóng dài 8,3km.
Từ vị trí xây dựng cảng Trần Đề sẽ kết nối với mạng lưới giao thông thủy, bộ liên vùng thông qua Quốc lộ 1, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 60, Quản Lộ - Phụng Hiệp nối Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau.
Với tổng mức đầu từ khoảng 200.000 tỷ đồng, cảng biển khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container 100.000 DWT hoặc lớn hơn và tàu hàng rời 160.000 DWT, công suất thiết kế từ 80 – 100 triệu tấn/năm.
Với chi phí đầu tư lớn, đơn vị tư vấn đề xuất phương án chia làm 2 giai đoạn đầu tư:
Giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 55.000 tỷ đồng sẽ xây dựng 6 bến cảng dài 1.600 - 2.200m, gồm 4 bến tổng hợp, hàng rời tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000DWT giảm tải và 2 bến container tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000DWT.
Cảng cũng sẽ có bến sà lan dài 500m tiếp nhận sà lan đến 5.000T phục vụ tiếp chuyển hàng hóa từ bến cảng ngoài khơi vào phía bờ, cầu dẫn vượt biển dài 18km. Tổng diện tích triển khai là 1.400ha, đáp ứng công suất lên tới 30 – 35 triệu tấn/năm.
Sau năm 2030, sẽ đầu tư 145.000 tỷ đồng để triển khai giai đoạn 2, nâng công suất phục vụ lên 100 triệu tấn/năm như kế hoạch.
Khu cảng Trần Đề có vai trò thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển; đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực ĐBSCL; thu hút hàng trung chuyển đi Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong, đặc biệt tuyến sông Hậu, một trong hai nhánh chính (cùng với nhánh sông Tiền) của sông Mekong chảy vào Việt Nam.
Năm 2023, Sóc Trăng sau đã trình lên Bộ Giao thông Vận tải chủ trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề quy mô cảng loại đặc biệt. Đề xuất xây siêu cảng của Sóc Trăng sau đó đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Giao thông vận tải vào tháng 6/2023.
Tháng 7/2023, Sóc Trăng chính thức bắt tay vào lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng công trình bến cảng 50.000 tỷ đồng thuộc hệ thống cảng biển Trần Đề. Bước dần tới kế hoạch sở hữu siêu cảng của vùng ĐBSCL.
Nhu cầu vốn lớn phát triển hệ thống cảng biển
Văn bản đi kèm danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và sử dụng vốn doanh nghiệp. Đáng chú ý, đối với các dự án có sự tham gia của Nhà nước, Khu bến cảng Liên Chiểu yêu cầu khoảng 3.426 tỷ đồng để đầu tư Phần hạ tầng dùng chung. Đây là mức vốn Ngân sách lớn nhất được phê duyệt bố trí trong giai đoạn 2021 – 2025. Các dự án khác cũng yêu cầu mức vốn ngân sách lớn bao gồm: đầu tư xây dựng công trình Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (2.225 tỷ đồng); Đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải (1.416 tỷ đồng) và Đầu tư đê chắn sóng cảng Chân Mây - Giai đoạn 2 (750 tỷ đồng).
Sóc Trăng “ Trải thảm đỏ” mời doanh nghiệp đầu tư cảng Trần Đề. Nguồn: Internet.
Sang giai đoạn 2026 – 2030, dự kiến sẽ bố trí 8.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước để triển khai dự án Đầu tư nạo vét tuyến luồng và đê chắn sóng Nam Đồ Sơn. 2 dự án khác cũng yêu cầu nhu cầu ngân sách hơn ngàn tỷ là Nạo vét luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả và khu chuyển tải Hòn Nét (1.496 tỷ đồng) và Cải tạo, nâng cấp luồng Cửa Lò (1.018 tỷ đồng).
Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải ưu tiên phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 của Bộ Giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền duyệt để thực hiện các dự án.
Trong danh mục Các dự án dự kiến sử dụng vốn của doanh nghiệp, dự án bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng sẽ sử dụng hơn 50.000 tỷ đồng vốn tư nhân trong giai đoạn khởi động, dự kiến triển khai xuyên suốt từ năm 2021 – 2030.
Dự án Khu bến Lạch Huyện yêu cầu tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng được chia thành nhiều thành phần: Khu bến cảng 3, 4 được bố trí vốn trong 2021 – 2025; Khu bến cảng 5, 6, 7, 8 triển khai trong từ 2021 - 2030 và các khu bến còn lại với mức đầu tư 15.000 tỷ đồng sẽ triển khai trong giai đoạn 2025 – 2030.
Dự án Khu bến cảng và Logistics Cái Mép Hạ dự kiến được các doanh nghiệp đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025 – 2030.
Văn bản lưu ý, tiến độ đầu tư theo giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 là dự kiến. Tùy theo tình hình tăng trưởng hàng hóa và năng lực của nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải có thể điều chỉnh tiến độ đầu tư các bến cảng.