Phát huy bản sắc kiến trúc đô thị đồng bằng sông Cửu Long
Hiện nay ở Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, quy hoạch đô thị vốn chủ yếu tập trung vào khía cạnh sử dụng đất nhiều hơn là quan tâm đến không gian của kiến trúc đô thị. Một không gian đẹp không chỉ dừng ở mức độ thụ cảm thị giác mà còn ở những cảm nhận tinh tế khác.
1. Không gian đô thị ĐBSCL với đặc thù sông nước
Vùng ĐBSCL có diện tích khoảng 39.800 km2, gồm 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Đô thị thường có quy mô vừa và nhỏ, phân bố không đồng đều, nơi cư trú của 2,7 triệu người, chiếm 16,2% tổng dân số.
Quy hoạch và mô hình phát triển đô thị vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi tự nhiên. Nguồn: Cục phát triển đô thị.
Địa hình bằng phẳng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, phương thức di chuyển bằng thuyền là tối ưu tạo nên kiểu quần cư gắn với nước. Đây là điểm chung của các điểm quần cư vùng ĐBSCL gắn với nông nghiệp và trao đổi hàng hoá. Và chính hệ thống kênh rạch – sông ngòi đã tạo nên hình thái kiến trúc đô thị mang tính tự nhiên, phi hình học, cụ thể như:
- Hình thành tại các khúc sông có luồng lạch ổn định là đầu mối chuyển tiếp hàng hoá với mô hình cấu trúc đô thị kiểu tán xạ, trong đó chợ, bến thuyền là trung tâm.
- Hình thành tại giao điểm của sông với hệ thống giao thông bộ với mô hình cấu trúc đô thị dạng đồng tâm.
- Hình thành tại giao điểm của các con sông, kênh rạch theo kiểu phố thị gắn liền với ở sông nước.
Ngày nay, do nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, giao thông bộ cùng các phương tiện phát triển mạnh, giao thông thuỷ mất dần vai trò then chốt chi phối sự phát triển kinh tế và đời sống dân cư. Hình thái đô thị phát triển với nhiều biến đổi theo hướng đồng dạng như các đô thị khác trong cả nước, bộc lộ nguy cơ mất bản sắc của một vùng sông nước.
2. Đặc điểm hình thái cấu trúc không gian đô thị ĐBSCL hiện nay
Quá trình hình thành đô thị ĐBSCL thể hiện những đặc điểm chính như sau:
- Thứ nhất, tính chất và cấu trúc của đô thị theo dạng “đô thị nông nghiệp” Agrocity, là dạng chuyển tiếp từ nông thôn lên thành thị; xu hướng nông thôn hoá luôn muốn lấn át xu hướng đô thị hoá làm cho đô thị mang tính nông thôn rất đậm nét. Đó là sự dung hợp giữa thành thị và nông thôn trong cấu trúc đô thị, tạo nên một diện mạo “thành thị nông thôn”.
Đô thị nông nghiệp - một con đường đi tới đô thị xanh. Nguồn: Tạp chí Xây dựng.
- Thứ hai, tính bản địa của đô thị biểu hiện qua cấu trúc cảnh quan: sông nước – vườn cây – kiến trúc – các đường cong và khoảng trống lớn, trong đó mặt nước là yếu tố tạo nên đặc trưng của hình thái không gian đô thị. Đô thị phát triển dàn trải theo chiều ngang hơn là chiều cao, kiến trúc ít dị biệt, hướng tới sự giao hoà hơn là đối nghịch.
- Thứ ba, hình thức không gian gắn với tuyến sông đô thị, là yếu tố quan trọng để dễ dàng nhận diện đặc trưng không gian đô thị vùng sông nước.
Như vậy, có thể nhận ra ở ĐBSCL ba hình thái không gian đặc trưng: không gian tuyến sông đô thị, không gian tuyến phố, không gian khu ở cùng kiến trúc nhà ở. Ngoài ra, phải kể đến các hình thái không gian trung tâm đô thị và các không gian khu phố cổ, khu làng nghề truyền thống.
2.1 Không gian khu trung tâm đô thị
Đây là khu vực được hình thành cùng với sự chuyển đổi về cơ cấu kinh tế và có sự đầu tư của chính quyền. Hệ thống đường phố thường được tổ hợp quanh một không gian lớn như quảng trường, tuyến giao thông chính. Tại khu vực này có sự hiện diện của nhiều công trình quan trọng và có quy mô lớn, tạo ra những điểm nhấn về thị giác, có ảnh hưởng lớn đến diện mạo không gian khu vực.
Ảnh phối cảnh quy hoạch không gian ngầm đô thị. Nguồn: Tạp chí kiến trúc.
Hơn nữa, do đặc điểm định hướng quy hoạch, những không gian này thường thoáng, mang nhiều tính chặt chẽ và đôi khi rất hoành tráng, vô hình chung trở thành những khoảng không rộng lớn tách khỏi khu dân cư, nhất là về ban đêm hay những ngày nghỉ.
2.2 Không gian tuyến phố
Hình thái không gian của tuyến phố là mạng lưới đường chạy song song hoặc hướng tới bờ sông. Những không gian này hình thành chủ yếu với sự triển của nhiều dạng nhà chia lô bám theo các trục đường lộ. Thường là những phố buôn bán và dịch vụ, thiếu vắng yếu tố thiên nhiên và mặt nước. Về hình thức, nhà phố hoá thường tạo nên hình ảnh kiến trúc đô thị tuỳ tiện, hỗn tạp, kể cả khu vực mới được quy hoạch.
Ảnh phối cảnh không gian tuyến phố trong trung tâm thương mại. Nguồn: Tạp chí kiến trúc.
Loại kiến trúc này phủ nhận vai trò quan trọng của tuyến giao thông thuỷ, quay lưng lại với sông nước, đưa những gì thiếu thẩm mỹ, và dễ gây ô nhiễm nhất ra phía bờ sông, chưa đóng góp vào việc tạo lập đặc trưng không gian đô thị ĐBSCL .
2.3 Không gian khu ở và kiến trúc nhà ở
Các khu ở đô thị dọc theo ven sông, thuận tiện cho việc sinh hoạt, sản xuất và vận chuyển theo mô hình phổ biến là: “sông rạch – sân trước – nhà ở – vườn cây - đồng ruộng”. Về sau khi có đường bộ thì theo mô hình “sông rạch - đường bộ – sân trước – nhà ở – vườn cây - đồng ruộng” hoặc “sông rạch – vườn cây – nhà ở – sân trước - đường bộ”.
Mở rộng không gian, giải pháp, kiến trúc, đời sống. Nguồn: Tạp chí kiến trúc.
Qua đó, thẩm mỹ kiến trúc đô thị phải được cảm nhận cả hai mức trên và dưới so với tầm nhìn ngang mặt nước. Khu đô thị được xây dựng trên mặt nước như sông, hồ…ngoài bộ mặt kiến trúc hai bên bờ vật thật, chúng ta còn cảm nhận được một hình ảnh khác của đô thị phản chiếu trên mặt nước ảnh. Sự kết hợp giữa chúng sẽ tạo nên hình ảnh độc đáo riêng của đô thị sông nước mà không phải đô thị nào cũng có được.
3. ĐBSCL chủ động kiến trúc, quy hoạch đô thị "thuận thiên"
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến khu vực đô thị, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định Trung ương và địa phương vùng ĐBSCL phải chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị; rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong điều hành, quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hình thành chuỗi đô thị động lực vùng ĐBSCL. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu để tạo thêm sức mạnh tài chính, tính khoa học, tính bền vững trong quy hoạch và xây dựng đô thị.
Các khu vực trung tâm có các công viên với hệ thống cây xanh đan xen, góp phần tạo địa điểm sinh hoạt ngoài trời, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao lý tưởng của người dân, đồng thời tạo không gian rộng thoáng phục vụ cho các hoạt động văn hóa cộng đồng. Ngoài các công viên hiện hữu, trên địa bàn thành phố cần có các khu trồng cây xanh gắn với công trình di sản văn hóa, lịch sử và các địa điểm vui chơi, giải trí…
Các tuyến đường cây xanh cần liên tục được trồng thêm để bổ sung, thay thế. Dọc các tuyến đường lớn hay công viên cần bố trí cây xanh có bóng mát kết hợp với một số điểm trồng cây cảnh. Các công trình công cộng như công viên, cây xanh cần được đầu tư hoàn thiện tạo môi trường thoáng mát.
Thay thế, trồng mới các loại cây đã bị thoái hóa ở các tuyến đường. Song song đó, ở hầu hết các khu dân cư cần được thiết kế kết hợp giữa hệ thống công viên cây xanh, tạo điều kiện đáp ứng mục tiêu tăng diện tích cây xanh, góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường đô thị và tạo bản sắc riêng.
Tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về quỹ đất cây xanh đô thị theo quy định trong quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng hiện hành; trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh; việc chặt hạ và dịch chuyển cây xanh đô thị phải đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định và dành quỹ đất phát triển vườn ươm cây xanh.
Đánh giá, phân loại các khu vực cây xanh trên toàn bộ vùng ĐBSCL, nhận diện những khu vực quan trọng hoặc có vấn đề với BĐKH ví dụ như: khu vực bảo vệ dự trữ nguồn nước, khu vực đa dạng sinh thái, khu vực canh tác nông nghiệp, khu vực ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn….
Đề xuất các giải pháp quy hoạch và quản lý cây xanh trên toàn bộ vùng ĐBSCL một cách hệ thống và đồng bộ, cụ thể cho từng khu vực cây xanh, cả đô thị và nông thôn, cây xanh cảnh quan cũng như cây nông, lâm nghiệp. Trong đó chú trọng các quy định về diện tích, chức năng và chủng loại cây.
Chú trọng nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp với BĐKH, chuyển đổi cây nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở những vùng bị lũ lụt, xâm nhập mặn. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất các khu vực bị hạn hán sang loại hình dịch vụ, du lịch, công nghiệp.
Khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị; phát động chương trình hộ gia đình tự trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh khu vực nhà mình, trên các tuyến phố đã quy hoạch… và theo quy định về chủng loại cây trồng.
Tăng cường diện tích cây xanh đô thị bằng việc trồng cây trên mái và các tầng nhà, sử dụng vườn “treo” trên mặt tiền công trình, cây xanh nội thất… để tăng cường cách nhiệt, chống tác động bức xạ nhiệt đến công trình, tạo không gian xanh, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và những nguyên nhân làm suy thoái môi trường.
Tăng cường công tác chăm sóc, cải tạo hệ thống cây xanh, đảm bảo yêu cầu mỹ quan và sự an toàn đối với người dân đô thị. Thay thế dần các loại cây không thích hợp, cây ngoại lai, cây độc hại với môi trường;
Nâng cao ý thức của sự tham gia cộng đồng trong công tác bảo vệ phát triển hệ thống công viên, cây xanh đô thị thông qua các hoạt động giáo dục, tuyên truyền. Mặt khác, cần phải có biện pháp chế tài xử phạt mọi hành vi xâm hại đến hệ thống cây xanh công viên hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất cây xanh đô thị.
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, vai trò của cây xanh vùng ĐBSCL ngày nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì nó góp phần giảm thiểu, thích ứng và chống chịu với BĐKH một cách hiệu quả và tiết kiệm. Cần có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn đối với việc bảo vệ hệ thống cây xanh vùng ĐBSCL, coi nơi đây vừa là vùng sản xuất nông nghiệp vừa là vùng sinh thái đặc biệt.