Khai thác thế mạnh liên kết vùng Sóc Trăng

Sóc Trăng là mảnh đất giàu tiềm năng, lợi thế, một số mặt hàng nông sản, thực phẩm nổi tiếng, tạo nên thương hiệu cho địa phương như: hành tím Vĩnh Châu, gạo đặc sản Sóc Trăng, gạo tài nguyên Thạnh Trị, bánh Pía, lạp xưởng, tôm nước lợ… có giá trị kinh tế cao. Lợi thế đó là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, phát triển kinh tế và phát huy thế mạnh trong liên kết vùng, miền.

1. Sóc Trăng vùng đất giàu tiềm năng

 

Tỉnh Sóc Trăng có vị trí quan trọng trong khu vực duyên hải phía đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) với diện tích tự nhiên hơn 3.311km2, đứng thứ 6 trong vùng; dân số gần 1,2 triệu người, đứng thứ 9 trong vùng; với bờ biển dài hơn 72 km, nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu với 2 con sông chính là sông Hậu và sông Mỹ Thanh. Tỉnh có 3 cửa sông chính ra Biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, có vị trí cách thành phố Cần Thơ khoảng 60km. Tỉnh có vị trí nằm trên đường giao nhau giữa trục giao thông dọc và giao thông ngang của vùng ĐBSCL. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế lớn để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistic, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch…

Đô thị Sóc Trăng hưởng lợi cảng nước sâu Trần Đề. Nguồn: Nhịp sống kinh tế.

 

Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều tiềm năng lợi thế và là nơi sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản lớn của cả nước. Hằng năm, Sóc Trăng sản xuất hơn 2 triệu tấn lúa, với nhiều giống lúa đặc sản đạt giải quốc tế như ST24, ST25 và là nơi nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản lớn. Sóc Trăng hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế-xã hội, nhất là về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và ven biển như: Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, nông, lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, cảng cá, cảng biển, dịch vụ cảng biển, vận tải biển; có tiềm năng phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng là một đầu mối giao thông quan trọng trong vùng ĐBSCL.

 

Phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên các hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, có tác động mạnh mẽ đến hỗ trợ sản xuất lưu thông. Tập trung phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics, ưu tiên đầu tư tại cảng biển Trần Đề.

 

Tỉnh còn có tiềm năng để phát triển ngành năng lượng tái tạo, với 72 km bờ biển, tốc độ gió trung bình hơn 6m/giây, là địa phương ít bị ảnh hưởng của các cơn bão, nên rất có lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi.

Đặc biệt, cảng biển Trần Đề cùng với các tuyến cao tốc đường bộ, cầu Đại Ngãi… khi hình thành sẽ tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông, thủy sản; tạo sức hút đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực khác như: công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ - du lịch, logistics...

 

Theo đó, Quy hoạch của tỉnh Sóc Trăng gắn với chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về "phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đồng thời, gắn kết quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia.

 

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

 

Đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề. Đây là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế-xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

 

Sóc Trăng có ba dân tộc đang sinh sống là Kinh, Hoa và Khmer, tạo nên sự giao thoa văn hóa đặc sắc với đa dạng văn hóa lễ hội, tâm linh. Người dân địa phương luôn chịu khó, lao động cần cù, hào sảng và hiếu khách.

 

Về kinh tế, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 124 triệu đồng/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27%; công nghiệp-xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khoảng 14.000 tỷ đồng. Kinh tế chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt khoảng 45%.

 

Về xã hội, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40-45%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3-4%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; trong đó, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 90%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%, số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 33 giường bệnh, tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân là 11 người.

 

Về môi trường, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt 98-99%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt 75%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98-100%. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 75%. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 3%.

2. Sóc Trăng hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

 

Thành phố Sóc Trăng đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3 vào năm 2005. Từ đó đến nay, chặng đường phát triển chưa dài nhưng đô thị Sóc Trăng đã có những bước tiến đáng kể, có vai trò thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn vùng ĐBSCL. Đến nay, thành phố Sóc Trăng có 10 phường, tổng diện tích khoảng gần 7.600ha.

 

Trong giai đoạn 2018-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thành phố đạt 15,81%, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp theo mục tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 89,8%. Thu nhập bình quân của người dân thành phố đạt 88,9 triệu đồng/người/ năm, cao hơn 1,4 lần so với thu nhập bình quân cả nước.

 

Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một đô thị loại 2, dự kiến vào cuối tháng Tư năm nay, thành phố Sóc Trăng sẽ tổ chức lễ công bố quyết định công nhận đô thị loại 2, một trong những sự kiện chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992-2022).

 

với mục tiêu phát triển toàn diện, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội thành phố Sóc Trăng đã tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ với kiến trúc, cảnh quan hiện đại.

 

Hiện nay, thành phố là đô thị tỉnh lỵ, trọng điểm của hệ thống đô thị trong tỉnh; có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, là cửa ngõ tỉnh Sóc Trăng và là một cực phát triển của vùng ĐBSCL. Đồng thời, thành phố đóng vai trò là đầu mối giao thông của tỉnh, kết nối thuận lợi với hầu hết các đô thị trong vùng, thông qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, Quốc lộ 61, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp…

 

Đánh giá về đô thị Sóc Trăng, theo ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thành phố Sóc Trăng đã đạt tiêu chí đô thị loại 2, trực thuộc tỉnh. Trong thời gian tới, thành phố chú trọng thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hiện tượng xâm nhập mặn trên địa bàn, nghiên cứu các giải pháp tăng cường sử dụng nước mặt, hạn chế và tiến tới dừng khai thác, sử dụng nước ngầm.

 

Đồng thời thành phố phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn đã đạt tiêu chí đô thị loại 2.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...