Quy hoạch Sóc Trăng xác định kinh tế biển là động lực phát triển

Sau Long An, Sóc Trăng là tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nội dung quan trọng trong quy hoạch là vùng kinh tế - xã hội ven biển sẽ gồm toàn bộ diện tích đất liền của thành phố Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Nơi đây được xác định là cửa ngõ chính ra Biển Đông, được quy hoạch phát triển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực để trở thành vùng động lực, thành trung tâm phát triển và lan tỏa kinh tế - xã hội của tỉnh.

1. Sóc Trăng tạo động lực phát triển kinh tế biển

 

Với hơn 72 km bờ biển, có các cửa sông chính ra Biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, Sóc Trăng có vị trí địa kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL, là nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế biển.

Sóc Trăng quyết liệt thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU

Thế mạnh kinh tế ven biển Sóc Trăng không chỉ có tài nguyên. Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng.

 

Theo quy hoạch được phê duyệt, vùng kinh tế - xã hội ven biển của tỉnh Sóc Trăng gồm toàn bộ diện tích đất liền của thành phố Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề, sẽ được tập trung phát triển các ngành kinh tế biển chiến lược, quan trọng như: kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác thủy hải sản; năng lượng tái tạo; công nghiệp và dịch vụ gắn kinh tế biển; tài nguyên khoáng sản biển.

 

Việc phát triển kinh tế của vùng bảo đảm nguyên tắc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; bảo đảm an ninh, trật tự trên biển và triển khai tốt các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

 

Mới đây, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng thông tin, tỉnh tập trung thực hiện các phương án phát triển, gắn với 3 trụ cột kinh tế gồm công nghiệp chế biến, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ - du lịch và khai thác các ngành kinh tế tiềm năng khác như: năng lượng, cảng biển, logistics, đô thị, chuyển đổi số... Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án quan trọng như: hạ tầng giao thông cảng biển, các khu - cụm công nghiệp, các hạ tầng phục vụ sản xuất - chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, du lịch…

 

Theo đó, Sóc Trăng sẽ ưu tiên hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý như: xác định ranh giới quản lý trên biển với các tỉnh lân cận đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về biển, đảo trên địa bàn tỉnh hiệu lực, hiệu quả, tránh các hành vi chồng lấn, tranh chấp trên biển; đồng thời rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển.

 

Sóc Trăng chuyển đổi các mô hình nuôi thủy sản nhỏ lẻ công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản công nghiệp có quy mô lớn; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ sang đánh bắt xa bờ; rà soát, điều chỉnh và phát triển các khu - cụm công nghiệp ven biển đảm bảo thuận lợi giao thông thủy bộ. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch biển thông qua các tuyến du lịch Sóc Trăng - Côn Đảo; Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo.

 

Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, nâng cao năng lực cán bộ quản lý biển, hải đảo đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo tại địa phương.

2. Sóc Trăng sẵn sàng trở thành tỉnh khá trong khu vực

 

Theo báo cáo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đưa ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, Sóc Trăng là tỉnh có nền kinh tế phát triển khá, trở thành vùng đất trung lưu về mức sống, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội, trách nhiệm đối với môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

 

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành vùng đất trung lưu về mức sống của vùng ĐBSCL và cả nước; điểm đến du lịch nông nghiệp và văn hóa xanh, chất lượng cao hàng đầu vùng ĐBSCL; cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông - Tây; là một trung tâm công nghiệp xanh - cơ cấu kinh tế hiện đại - xã hội phát triển hài hòa; phát triển bền vững là đích hướng tới trong các hoạt động kinh tế của tỉnh.

 

Một trong những đô thị được nghiên cứu phát triển mở rộng theo hướng tạo lập các khu chức năng, các khu đô thị lấn biển với tính chất, quy mô phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình, địa chất, thủy văn và đảm bảo điều kiện kết nối với hạ tầng là thị xã Vĩnh Châu. Theo quy hoạch, thị xã Vĩnh Châu sẽ là một đô thị thương mại, công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan, nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành kinh tế biển như điện gió, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần biển.

 

Với tinh thần quy hoạch tốt nhất để thu hút các chương trình, đề án, dự án phù hợp, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, quy hoạch tỉnh đã và đang được định hình một cách cụ thể, rõ ràng hơn để trong tương lai không xa, Sóc Trăng trở thành một tỉnh có nền kinh tế khá và là nơi đáng sống trong khu vực ĐBSCL.

3. Đẩy mạnh thu hút đầu tư tại Sóc Trăng

 

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của ĐBSCL; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững. Đặc biệt, hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại…

Sẽ có khu kinh tế ven biển Trần Đề. Nguồn:Tạp chí Công Thương.

 

Để hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra của địa phương, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả ĐBSCL, Sóc Trăng tập trung vào các lĩnh vực, gồm: Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh ĐBSCL, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng được khởi công giữa tháng 6. Trong đó, có 26 km đường cao tốc và điểm cuối giáp với Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc huyện Trần Đề. Cảng biển nước sâu Trần Đề vừa được Chính phủ quy hoạch, tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL.

 

Theo quy hoạch, diện tích khu cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài 16km. Cảng có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT. Dự kiến sẽ thu hút hàng xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng thuộc vùng sông Hậu và bán đảo Cà Mau, với khoảng 10 triệu – 11,2 triệu tấn/năm, hàng container từ Campuchia thông qua khoảng 529.000 TEUs/năm…

 

Ông Trần Văn Lâu cho biết, Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...