Vai trò của đô thị trong phát triển kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Hệ thống đô thị Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ được xây dựng theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng biến đổi khí hậu, đây là một trong số những nội dung được đề cập tại Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được cố Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký. Ngoài ra, đây cũng là Quy hoạch vùng đầu tiên được duyệt theo Luật Quy hoạch.
1. Bối cảnh phát triển hệ thống đô thị vùng ĐBSCL
1.1. Đô thị hóa, theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Báo cáo chính trị của Đại hội cũng xác định các nhiệm vụ sau: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn; Kết nối khu vực nông thôn với khu vực thành thị; Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển của từng vùng, địa phương; Tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đa dạng, có bản sắc kiến trúc, văn hóa riêng của từng địa phương.
Thúc đẩy ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững. Nguồn: Kinh tế Môi trường.
1.2. Phát triển hệ thống đô thị theo Nghị quyết 06-NQ/TW
Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết xác định rõ vai trò, vị thế của đô thị, đô thị hóa và kinh tế đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Xây dựng được ít nhất năm đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.
1.3. Phát triển hệ thống đô thị Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021
Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
a) Hệ thống đô thị phân bố hợp lý tại các vùng đô thị dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng.
b) Phát triển hệ thống đô thị loại I, loại II theo mô hình đô thị sinh thái, nén, tập trung phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
c) Các đô thị là trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng bao gồm:
- Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc trung ương, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng; cung ứng các dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
- Thành phố Mỹ Tho - Tiền Giang có vai trò là một trong những trung tâm dịch vụ thương mại, logistic, du lịch tại khu vực phía Bắc sông Tiền; đô thị cửa ngõ giữa vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái và trung tâm dịch vụ du lịch miệt vườn.
- Thành phố Tân An - Long An có vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ phía Đông Bắc của vùng ĐBSCL, đô thị cửa ngõ giữa vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.
- Thành phố Long Xuyên - An Giang có vai trò là một trong những trung tâm thương mại dịch vụ phía Tây Bắc của vùng ĐBSCL; là trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản nước ngọt.
- Thành phố Rạch Giá - Kiên Giang có vai trò là trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng ĐBSCL; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản.
- Thành phố Cà Mau có vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau; là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng.
- Thành phố Sóc Trăng có vai trò là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử.
d) Xây dựng và phát triển đô thị đảo bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học biển, hải đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh; từng bước xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hướng tới hình thành các trung tâm dịch vụ, du lịch biển mang tầm quốc tế tại Phú Quốc.
1.4. Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Khu vực vùng ĐBSCL và vùng thành phố Hồ Chí Minh được dự báo sẽ chịu tác động ngày càng nặng nề của BĐKH. Khu vực nông nghiệp và chế biến lương thực cũng chịu tác động lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu này do diện tích canh tác bị thu hẹp, sản lượng và năng suất cây trồng (nhất là cây lúa) giảm, làm giảm trữ lượng của các loài thủy sản; Làm sụt giảm nguồn cung nguyên liệu do nước biển dâng gây ngập lụt cho các khu công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm; Dẫn đến chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang các ngành khác, khiến một bộ phận lớn lao động di cư từ nông thôn ra các đô thị, làm gia tăng áp lực cho khu vực thành thị.
Kịch bản nước biển dâng: Mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với khu vực ĐBSCL. Theo kịch bản RCP 4.5, vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển dâng 22cm (13cm÷32cm); đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng 55cm (33cm÷78cm). Theo kịch bản RCP8.5, vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng 25cm (16cm÷35cm), đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng 75cm (52cm÷106cm). ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập rất cao. Nguy cơ ngập đối với khu vực ĐBSCL ứng với các mực nước biển dâng 50-100 cm.
Các yếu tố BĐKH: Nhiệt độ tăng, ngập úng do nước biển dâng, lũ từ thượng nguồn, mưa lớn bão và áp thấp nhiệt đới. Lũ lụt, các hiện tượng cực đoan khác.
Tác động tiềm tàng về hệ thống đô thị và xây dựng: Mất đất đô thị và thiệt hại về tài sản vật chất của đô thị/nông thôn do thiên tai đặc biệt ở những khu vực có nền thấp.
Những vấn đề hiện tại sẽ trở nên trầm trọng hơn: Gia tăng ngập úng, nhiễm bẩn hệ thống nước cấp, gia tăng ô nhiễm môi trường do hệ thống thu gom bị gián đoạn…Thiệt hại về công trình nhà ở, công cộng (hư hỏng hoặc bị phá hủy), làm mất chỗ ở, gián đoạn công tác giáo dục, y tế và sinh hoạt cộng đồng. Thiệt hại về đầu tư xây dựng, giảm giá trị sản phẩm, tăng giá thành nguyên vật liệu ảnh hưởng đến ổn định của thị trường.
Sụt lún đất: Tốc độ sụt lún trung bình khoảng 3 cm/năm trong giai đoạn 2014 -2019 và lên đến 5 cm/năm tại một số địa điểm. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục và có khả năng tăng tốc. Với độ cao trung bình khoảng 1 m trên mực nước biển trung bình và địa hình bằng phẳng, phần lớn ĐBSCL sẽ chìm xuống dưới mực nước biển trung bình trong những năm tới.
2. Phát triển chuỗi đô thị làm động lực phát triển kinh tế vùng ĐBSCL
Định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050” được Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 12/2020, nhiều đại biểu đã quan tâm đến việc hình thành chuỗi đô thị để phát triển vùng ĐBSCL. Theo các đại biểu thì tốc độ thị hóa vùng ĐBSCL được tăng tốc, cải thiện hơn nhưng so với nhu cầu vẫn còn chậm.
Đô thị vùng ĐBSCL tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Các tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất và có xu hướng tiếp tục gia tăng chủ yếu nằm trong vùng Nam sông Hậu: thành phố Cần Thơ (67%), các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng có tỷ lệ đô thị hóa năm 2014 tương đương hoặc gần với tỷ lệ chung của cả nước (tỷ lệ đô thị hóa của An Giang khoảng 30%, Kiên Giang 27%, Bạc Liêu 26%, Sóc Trăng 32%, Cà Mau 23%). Các tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp thuộc khu vực Bắc sông Hậu, thấp nhất là Bến Tre (10%), Đồng Tháp, Long An (18%), Vĩnh Long (17%), Trà Vinh 17%, Tiền Giang 15%.
Các chuyên gia cho rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế, từng đô thị nhỏ rất có ít cơ hội mà phải là những vùng đại đô thị có quy mô dân số hàng chục triệu dân. Xét về góc độ phát triển đô thị, toàn bộ vùng ĐBSCL cũng không đủ lực để tạo thành một vùng như vậy; do đó, cần nhìn nhận đúng thực tế về việc không thể tách rời vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Quan điểm mới về định hướng phát triển đô thị của vùng ĐBSCL đó là phát triển chuỗi đô thị hiện hữu dọc theo sông Tiền, sông Hậu thành vùng đô thị hóa - công nghiệp hóa tập trung, trong đó thành phố Cần Thơ vẫn giữ vị trí và vai trò trung tâm vùng. Vùng đô thị này liên kết phát triển chặt chẽ Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ ở phía Đông và kết nối quốc tế với Campuchia về phía Tây.
Theo Ths.KTS Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam: Phát triển vùng công nghiệp gắn với phát triển đô thị. Phát triển vùng ĐBSCL trở thành một hệ thống kinh tế xuất khẩu mạnh mẽ (chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp địa phương). Kiến tạo các trung tâm phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tập trung khai thác các tiềm năng đất đai màu mỡ của vùng ĐBSCL, một nền nông nghiệp và thủy sản phát triển cao vận hành nhịp nhàng với các trung tâm đô thị và chế biến cho mỗi tiểu vùng sinh thái đô thị (gồm Hồng Ngự, Hà Tiên, Rạch Giá, Cần Thơ, Bạc Liêu và Cà Mau), kết hợp các đô thị trung tâm tỉnh lỵ khác của vùng (gồm Tân An, Cao Lãnh, Long Xuyên, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh và Sóc Trăng).
Phát triển hệ thống đô thị từ tập trung đa cực sang mô hình phân tán theo các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gắn với quá trình công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, dân số nội thành 1,3 triệu người và dân số chung khoảng 1,6 triệu người, có vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, nghiên cứu, đào tạo, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng và tiểu vùng dọc sông Tiền, sông Hậu.
Các đô thị loại I có vai trò cấp vùng bao gồm 6 thành phố tỉnh lỵ: Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Long Xuyên (tỉnh An Giang), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và Tân An (tỉnh Long An), có dân số nội thảnh 180 - 300 ngàn người.
Các đô thị được đề xuất đóng vai trò trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gồm: thành phố Cần Thơ (tiểu vùng dọc sông Tiền sông Hậu), thành phố Rạch Giá (tiểu vùng Tây sông Hậu), thành phố Cà Mau (tiểu vùng bán đảo Cà Mau), thành phố Bạc Liêu (tiểu vùng ven biển Đông), thành phố Hà Tiên (tiểu vùng tứ giác Long Xuyên, Hồng Ngự (tiểu vùng Đồng Tháp Mười). Tại các đô thị này, vai trò vùng tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp được thúc đẩy bằng các trung tâm chuyên ngành về nghiên cứu ứng dụng, giúp kiến tạo và đổi mới sản phẩm nông nghiệp và bảo tồn hệ thống sinh thái đặc trưng của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Bên cạnh đó, các đô thị này cũng là trung tâm du lịch tiểu vùng.
Tương lai, vùng ĐBSCL có chuỗi đô thị tập trung theo dọc sông Hậu từ Châu Đốc tới Cần Thơ, dọc theo sông Tiến từ cửa khẩu An Giang tới Bến Tre rồi rẽ ngang về phía Thành phố Hồ Chí Minh, tạo thành một chuỗi đô thị hình trăng lưỡi liềm, là một vành đai đô thị vùng ĐBSCL. Trong vành đai này là nơi tập trung hiện hữu sức người, sức của và cũng là những vùng đất tương đối thuận lợi cho phát triển và định cư lâu đời. Vì thế, việc đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, hạ tầng lớn như cao tốc cần ưu tiên đầu tư trong vành đai này mới đạt được hiệu quả. Nếu dàn trải ra những vùng mật độ thấp một cách khiên cưỡng thì hiệu quả lại không cao.