Cần Thơ nỗ lực phát triển mở rộng không gian đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
TP. Cần Thơ đã nỗ lực phát triển mở rộng không gian đô thị, với nhiều dự án, công trình được đầu tư xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo, xứng tầm đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Xây dựng Cần Thơ thành đô thị hạt nhân vùng
Thời gian qua, công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị TP Cần Thơ được triển khai đồng bộ, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của thành phố, dần hoàn thiện các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại I trực thuộc Trung ương; chất lượng hạ tầng đô thị tăng, hệ thống đô thị phát triển, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 74% vào cuối năm 2023.
Tp. Cần Thơ động lực phát triển của ĐBSCL. Nguồn: Báo Xây dựng.
Thành phố Cần Thơ có những bước phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh phát triển chung của đất nước những năm qua. Thành phố đang xây dựng để hình thành diện mạo mới với đặc trưng là đô thị sinh thái sông nước. Sự phát triển diễn ra ở mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Trong đó, công tác quy hoạch và phát triển đô thị cũng đã góp phần không nhỏ trong xây dựng và phát triển TP Cần Thơ thời gian qua.
Từ khi thành phố được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương năm 2009, Cần Thơ đã quan tâm rất nhiều đến công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Ngành Xây dựng thành phố cũng luôn nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của Bộ Xây dựng và sự hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước.
Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28/8/2013. Đến nay, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố cơ bản hoàn thiện: tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, đã lập và phê duyệt 07 đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp nước, thoát nước, cao độ nền, chiếu sáng, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang, cây xanh); quy hoạch phân khu đô thị các quận đã được phê duyệt, quy hoạch chung xây dựng xã đạt 100%, là cơ sở phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các dự án, công trình đảm bảo đồng bộ, hài hòa cho bộ mặt đô thị của thành phố và từng quận, huyện.
Từ định hướng quy hoạch xây dựng được duyệt, ngành Xây dựng đã chung tay cùng các đơn vị và địa phương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng, khai thác được nhiều dự án, công trình. Qua đó bổ sung không gian công cộng, một số trở thành điểm nhấn mới của đô thị (Cầu đi bộ bến Ninh Kiều, Đền tưởng niệm vua Hùng và hệ thống công viên sông Cần Thơ, sông Hậu ...); và trong thời gian ngắn tới, dự kiến hình thành Khu hành chính tập trung tại Trung tâm Văn hoá Tây Đô, là điểm nhấn trong hệ thống thiết chế văn hoá và hành chính của TP Cần Thơ, cũng như từng bước xác lập những nét mới trong bản sắc kiến trúc thành phố.
Hiện nay, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu xây dựng và phát triển TP Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân Vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc”.
Ngành Xây dựng TP Cần Thơ xác định cần tập trung tham gia, phối hợp chặt chẽ trong công tác lập quy hoạch tỉnh theo pháp luật về quy hoạch trên cơ sở xác lập tầm nhìn về thành phố đáng sống với đặc trưng đô thị sinh thái sông nước. Thành phố định hướng những vùng công năng chủ đạo (vùng đô thị sinh thái Phong Điền – đóng vai trò là vùng dự trữ sinh thái của lưu vực sông Cần Thơ; vùng đô thị ven sông Hậu - đóng vai trò khai thác cảnh quan ven sông đặc trưng) khai thác yếu tố nước cũng như là những vùng đệm giữ năng lực thẩm thấu tự nhiên… Với cách làm cẩn trọng, tôn trọng giá trị tự nhiên, TP Cần Thơ có thể tận dụng cơ hội mới ngay trong những thách thức đang gặp phải.
Mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô
Ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Ðịnh hướng phát triển đô thị của TP Cần Thơ đã được xác định tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðó là xây dựng và phát triển TP Cần Thơ gắn liền với bản sắc sông nước sinh thái trong bối cảnh quản trị đô thị thông minh, phát triển bền vững.
Tạo động lực mới để TP. Cần Thơ phát triển. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ.
Theo ông Mai Như Toàn, đô thị Cần Thơ phát triển dựa trên nền tảng phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ. Bản sắc sông nước được phát huy giá trị một cách tối đa trong đời sống và đưa giá trị mới song song với khai thác hợp lý tài sản vô giá này. Nhìn rộng ra, việc phát triển đô thị TP Cần Thơ gắn bó hữu cơ với sự vận hành của hệ thống đô thị vùng ÐBSCL, liên kết với TP Hồ Chí Minh và cả nước.
Theo Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12-2023), định hướng phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 là cực tăng trưởng của vùng ÐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Ðô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ÐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế... Tầm nhìn đến năm 2050: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để thành phố tăng tốc và bứt phá, hướng tới đô thị hạt nhân của vùng ÐBSCL, phát triển thích ứng trong tình hình mới xứng tầm với vị thế tiềm năng của Tây Ðô. Quy hoạch với tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hằng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của vùng và của cả nước, sẽ là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.
TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí của đô thị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. TP Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL tập trung vào 3 chiến lược chính: các kết nối và nút hạ tầng liên vùng về đường sắt, hàng không, đường thủy và đường bộ cao tốc; bố cục các vùng chức năng tập trung, cung cấp các dịch vụ cho toàn vùng; phát triển đô thị theo hướng tiên phong cho những mô hình phát triển đô thị đặc thù của vùng ĐBSCL.
Đô thị sinh thái sông nước cao cấp nhất dọc sông Hậu, lấy sông Hậu là mặt tiền chính cho toàn thành phố, phát triển bản sắc của từng quận, huyện thành đô thị bên các sông nhánh.
Đô thị hiện đại: xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Phát triển trục hạ tầng đa phương thức dọc theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây, đường sắt trên cao phục vụ cảnh quan, du lịch dọc sông Hậu; phát triển đô thị gắn với nhà ga đường sắt, sân bay.
Đô thị thông minh: đô thị số gắn với phát triển kinh tế số, tích hợp kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng cứng, nhất là hạ tầng giao thông.