Các nhiệm vụ đột phá để phát triển hạ tầng Sóc Trăng

Ngày 25/8/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 995/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là căn cứ pháp lý, định hướng tầm nhìn chiến lược, kiến tạo không gian phát triển mới cho Tỉnh. Dựa vào quy hoạch tỉnh, Sóc Trăng từng bước hiện thực hóa các khát vọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, hệ thống kết cấu hạ tầng,… đưa Tỉnh trở thành điểm sáng, đột phá mới trong phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm tới.

1. Phát triển cảng biển Trần Đề thành cửa ngõ của vùng ĐBSCL

 

Quy hoạch tỉnh đưa ra tầm nhìn chiến lược cho Sóc Trăng đến năm 2050 trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ; Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

 

Cảng biển Trần Đề là “ứng viên” sáng giá cho hệ thống logistic khu vực ĐBSCL. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.

 

Để hiện thực hóa tầm nhìn, trong thời kỳ tới, tỉnh Sóc Trăng đề ra 5 quan điểm, 4 đột phá phát triển, trong đó nhấn mạnh:

 

Khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của Vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, tài nguyên thiên nhiên, trọng tâm là tài nguyên biển, ven biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, đảm bảo kết nối giữa các đô thị động lực với các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ, trung tâm đầu mối; hình thành các hành lang kinh tế kết nối các không gian phát triển mới, các hành lang kinh tế quan trọng của vùng, quốc gia.

 

Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có tính chiến lược, lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, tuyến Đông - Tây, Bắc - Nam), cảng biển; các hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên địa bàn Tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành tiềm năng tạo bước đột phá phát triển, như: năng lượng, du lịch, cảng biển, logistics, đô thị, dịch vụ, chuyển đổi số và ngành nông nghiệp, thủy sản, chế biến thủy sản.

2. Hai hành lang, bốn vùng kinh tế - xã hội tạo nguồn động lực mới cho Sóc Trăng

 

Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh Sóc Trăng được xác định gồm 2 hành lang kinh tế và 4 vùng kinh tế - xã hội.

 

Cụ thể, 2 hành lang kinh tế đó là:

 
  • Hành lang kinh tế Bắc - Nam gồm các tuyến TP.HCM - Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau (Quốc lộ 1) đảm nhận phần lớn khối lượng hàng hóa liên tỉnh;
 

Tuyến Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau (Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp) và Cần Thơ - Sóc Trăng (Quốc lộ 91B) đảm nhận thu gom nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, mở rộng cửa ngõ vùng cho cảng biển Trần Đề;

 

Tuyến Sóc Trăng - Bạc Liêu kết nối tỉnh Sóc Trăng với Bạc Liêu thông qua tuyến đường bộ ven biển;

 

Tuyến Quốc lộ 60 kết nối thị xã Ngã Năm - Thạnh Trị - Mỹ Tú - Châu Thành - TP.Sóc Trăng - Long Phú và tỉnh Trà Vinh.

 
  • Hành lang kinh tế Đông - Tây gồm các tuyến Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối cảng biển nước sâu Trần Đề với các tỉnh phía Tây vùng ĐBSCL và Vương quốc Campuchia;
 

Đường tỉnh 937B kết nối thị xã Ngã Năm - huyện Thạnh Trị - huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu;

 

Đường tỉnh 934B là một trong những trục động lực phát triển của tỉnh, kết nối TP. Sóc Trăng với huyện Trần Đề.

 

Các vùng kinh tế - xã hội được tổ chức thành 4 vùng gồm:

 
  • Vùng ven biển là vùng gồm toàn bộ diện tích đất liền của TP. Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Đây là vùng động lực, trung tâm phát triển, lan tỏa; phát triển kinh tế vùng ven biển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ hậu cần logistics - du lịch - nông nghiệp, thủy sản gắn với kinh tế biển, cảng biển.
 
  • Vùng ven sông Hậu là vùng gồm toàn bộ diện tích của huyện Châu Thành, huyện Kế Sách và huyện Long Phú. Phát triển kinh tế vùng ven sông Hậu theo hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
 
  • Vùng nội địa là vùng gồm toàn bộ diện tích của thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú và huyện Mỹ Xuyên. Phát triển kinh tế vùng nội địa theo hướng khai thác các điều kiện thuận lợi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, đô thị và dịch vụ (nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến).
 
  • Vùng Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung) định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
 

3. Đẩy mạnh đô thị hóa và tập trung phát triển các khu chức năng

 

Phấn đấu đến năm 2030, toàn Tỉnh có 25 đô thị: 1 đô thị loại I (TP. Sóc Trăng), 2 đô thị loại III (thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm), 9 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V. Trong đó, định hướng một số đô thị trọng tâm như sau:

Đẩy nhanh các dự án trọng điểm, nâng tầm đô thị TP. Sóc Trăng. Nguồn: Báo Sóc Trăng.

 
  • TP. Sóc Trăng là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven Biển Đông; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch, trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng của Tỉnh.
 
  • Thị xã Vĩnh Châu là đô thị thương mại, công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan, nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành kinh tế biển, như: điện gió ngoài khơi, nuôi trồng thủy sản mặn/lợ, dịch vụ hậu cần biển.
 
  • Thị xã Ngã Năm là trung tâm của vùng nội địa về phía Tây Nam tỉnh Sóc Trăng; là đô thị thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sông nước, chợ nổi truyền thống.
 

Nghiên cứu phát triển, thành lập Khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, quy mô dự kiến khoảng 40.000 ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề.

 

Định hướng phát triển 10 khu công nghiệp và 18 cụm công nghiệp có tính chất đa ngành; trong đó chú trọng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ và thân thiện môi trường.

 

Phát triển các khu du lịch kết hợp dịch vụ tổng hợp, vui chơi giải trí, thể thao. Nghiên cứu xây dựng các khu sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể dục thể thao, đô thị trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố, nhất là huyện Long Phú, huyện Trần Đề, huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu; trong đó, có những công trình, dự án có điểm nhấn, như: kết hợp sân gôn, đô thị biển, cáp treo.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...