Hạ tầng nâng tầm vị thế đô thị Sóc Trăng

Trong quy hoạch phát triển tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhấn mạnh việc ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông có tính lan tỏa như các trục cao tốc, cảng biển nước sâu Trần Đề. Từ đó, tạo điều kiện nghiên cứu xây Khu kinh tế ven biển Trần Đề rộng 40.000 ha.

Quy hoạch tiềm năng cảng biển đặc biệt

 

Ngoài cảng còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha…

Cảng biển Trần Đề mở cánh cửa giúp ĐBSCL vươn ra thế giới. Nguồn: Kinh tế Môi trường.

 

Cảng biển Trần Đề được quy hoạch tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cảng được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 

Theo quy hoạch hệ thống cảng biển tại Quyết định 1579/QĐ-TTg, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 gồm 36 cảng biển với 5 nhóm, cảng biển Sóc Trăng thuộc nhóm cảng biển số 5 gồm các cảng biển khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

 

Theo phân loại thì cảng biển Sóc Trăng thuộc cảng biển loại III (có 4 loại: đặc biệt, loại I, II và III) đồng thời được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, cùng với các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Hai cảng biển đặc biệt hiện tại là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, 80% hàng hóa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vận chuyển bằng đường bộ qua cao tốc TP.HCM - Trung Lương (hiện nay đã kết nối với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thành liên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, và sắp tới là kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ).

 

Cũng chừng ấy tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải dồn hết lên cụm cảng TP. HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu bằng đường bộ; trong đó, hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo, 70% lượng trái cây xuất khẩu và 65% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Chi phí hàng hóa, vì vậy tăng cao từ 170 - 180 USD/container hoặc từ 7 - 10 USD/tấn chi phí vận chuyển và lưu kho.

 

Cũng theo quy hoạch, cảng biển Trần Đề có tổng diện tích 4.960 ha. Bao gồm diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi là 960 ha (giai đoạn 1 là 580 ha), diện tích khu dịch vụ, hậu cần, cảng logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ là 4.000 ha (giai đoạn 1 khoảng 1.000 ha). Một cầu cảng nối cảng trung chuyển đến bến cảng ngoài khơi dài khoảng 16 – 18 km, 15 cầu cảng, đê chắn sóng dài 8,3 km. Công suất thiết kế từ 80 - 100 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn đến năm 2030 có công suất khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm.

 

Cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…

 

Thời gian vận chuyển kéo dài không chỉ tăng chi phí vận chuyển, lưu kho, làm lạnh mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu gây ra những bất lợi đối với hàng nông sản và giảm lợi thế cạnh tranh của nông sản hàng hóa ĐBSCL.

Ưu tiên những dự án giao thông nào ở Sóc Trăng?

 

Quy hoạch đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Đồng thời, có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

 

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 27%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng.

 

Bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng.

 

Cụ thể, "về hàng không, nghiên cứu phát triển sân bay chuyên dùng có tiềm năng tại Trần Đề để phục vụ nhu cầu bay cá nhân, du lịch, cứu hộ cứu nạn", Quyết định 995 nêu rõ.

 

Về đường bộ, đối với đường bộ Quốc gia thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch vùng ĐBSCL tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; Quốc lộ 1; Quốc lộ 60; Quốc lộ 61B; Quốc lộ 91B (đường Nam sông Hậu); Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp; Đường bộ ven biển).

 

Đối với các tuyến đường tỉnh, phấn đấu tối thiểu đạt cấp III đồng bằng, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt.

 

Nâng cấp các tuyến đường huyện quan trọng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp VI, V theo tiêu chuẩn quy định hiện hành; ưu tiên nâng cấp các tuyến và đoạn tuyến chưa được cứng hóa, phấn đấu đạt tỷ lệ cứng hóa 100%.

 

Về đường thủy nội địa, đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng. Hình thành các tuyến vận tải thủy liên tỉnh, liên huyện (các tuyến giao thông vận tải đường thủy nội địa thuộc tỉnh quản lý, khai thác đảm bảo từ cấp III đến cấp VI), gồm: các tuyến đường thủy nội địa quốc gia (Tuyến cửa Định An - Campuchia, tuyến duyên hải TP.HCM - Cà Mau, tuyến Cần Thơ - Cà Mau...).

 

Cùng với đó là hình thành 3 tuyến đường thủy nội địa địa phương gồm tuyến Kế Sách - Châu Thành - Mỹ Tú, tuyến Long Phú - Trần Đề - Vĩnh Châu, tuyến thị xã Ngã Năm - Mỹ Tú - Thạnh Trị - Mỹ Xuyên. Phát triển cảng hành khách, hàng hóa, gồm cảng Sóc Trăng, cảng Long Hưng, cảng Ngã Năm, cảng Cái Côn, cảng Trần Đề. Ưu tiên theo hình thức xã hội hóa.

 

Về hàng hải, đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển khu bến cảng biển Trần Đề phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành cảng biển đặc biệt theo nghị quyết của Bộ Chính trị.

Xây mới khu kinh tế và khu công nghiệp ở Sóc Trăng

 

Cũng trong Quyết định 995 nêu rõ phương án phát triển các khu chức năng trên địa bàn tỉnh.

Đô thị Sóc Trăng hưởng lợi từ cảng nước sâu Trần Đề. Nguồn: Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng.

 

Theo đó, đối với khu kinh tế, nghiên cứu phát triển, thành lập Khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, quy mô dự kiến khoảng 40.000 ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề khi được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

 

Đối với khu công nghiệp, phát triển, thành lập mới 3 khu công nghiệp và mở rộng 1 khu công nghiệp tại những vị trí thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển và có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, với tổng quy mô phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030.

 

Định hướng phát triển các khu công nghiệp có tính chất đa ngành, trong đó chú trọng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ và thân thiện môi trường.

 

Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển, thành lập mới 5 khu công nghiệp và mở rộng 1 khu công nghiệp trong trường hợp tỉnh Sóc Trăng được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp và khu kinh tế. Rà soát lại, đảm bảo số lượng và diện tích khu công nghiệp trong giai đoạn này phù hợp với khả năng thu hút đầu tư.

 

Các khu công nghiệp có quy mô diện tích trên 500 ha phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không quá 500 ha theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP. Đối với cụm công nghiệp, phát triển cụm công nghiệp theo hướng mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất 1 cụm công nghiệp; trừ huyện Cù Lao Dung (không định hướng phát triển cụm công nghiệp); quy hoạch mới 8 cụm, đưa tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 18 cụm.

 

Đối với khu du lịch, phát triển các khu du lịch kết hợp dịch vụ tổng hợp, vui chơi giải trí, thể thao. Nghiên cứu xây dựng các khu sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể dục thể thao, đô thị trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố, nhất là huyện Long Phú, huyện Trần Đề, huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu; trong đó, có những công trình, dự án có điểm nhấn như kết hợp sân gôn, đô thị biển, cáp treo...


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...