Định hướng phát triển cảng biển tạo sức bật cho Sóc Trăng
Quan điểm phát triển của tỉnh Sóc Trăng được xác định là khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.
Phát triển cảng biển Trần Đề thành cửa ngõ ĐBSCL
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển như: khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đê biển, cảng biển… trên địa bàn tỉnh.
Cảng biển Trần Đề là “ứng viên” sáng giá cho hệ thống logistics khu vực ĐBSCL. Nguồn: Báo Xây dựng.
Cảng biển Sóc Trăng được Chính phủ đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển cảng biển đặc biệt.
Theo định hướng, bến cảng Trần Đề - một trong 04 bến cảng của Cảng biển Sóc Trăng với chức năng là đầu mối để phục các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo, sẽ đảm nhận vai trò là cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng và quốc tế.
Khu bến Trần Đề gồm các bến trong sông Hậu phía hạ lưu cầu Đại Ngãi, dự kiến đến năm 2025 sẽ có tổng chiều dài cầu cảng đạt 340 m với năng lực thông qua từ 2 – 2,1 triệu tấn và tiếp nhận từ 488.000 – 506.000 lượt khách. Đến năm 2030, khu này sẽ giữ nguyên quy mô khai thác và số lượng hành khách tăng lên, từ 564.000 – 570.700 lượt khách.
Đối với cảng nước sâu Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng được dự báo có thể đón tổng lượng hàng hóa lên đến khoảng 30,7 - 41 triệu tấn mỗi năm, đồng thời giúp kéo giảm chi phí hàng hóa xuất, nhập khẩu, phát triển công nghiệp, tạo đột phá cho kinh tế vùng ĐBSCL.
Hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP. Hồ Chí Minh làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa; đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.
Theo đó, cảng biển nước sâu Trần Đề được quy hoạch tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL. Đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn 50.000 tỷ đồng. Tổng diện tích quy hoạch bến cảng là 5.400ha. Trong đó, bến cảng ngoài khơi là 1.400ha với cầu vượt biển dài 18km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT.
Với những định hướng trên, cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng, tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề.
Đồng thời tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Lợi thế phát triển kinh tế biển
Sóc Trăng có hơn 72 km bờ biển, thông ra biển với 3 cửa sông chính Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh; khu vực ven biển của tỉnh gồm huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề và TX. Vĩnh Châu. Tổng diện tích tự nhiên của khu vực là 118.700ha với hơn 43.717ha diện tích đất bãi bồi, hơn 7.000ha diện tích rừng phòng hộ ven sông, ven biển và hơn 600ha diện tích cồn cát mới nổi cách bờ khoảng 7km.
Xây dựng cảng biển bước đệm chiến lược cho ĐBSCL phát triển. Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng.
Các cửa sông, rừng ngập mặn ven sông, ven biển Sóc Trăng được đánh giá có tính đa dạng sinh học, đây là nơi tập trung nhiều giống loài thủy, hải sản nước lợ, nước mặn có giá trị kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.
Các cửa sông, rừng ngập mặn ven sông, ven biển Sóc Trăng được đánh giá có tính đa dạng sinh học, đây là nơi tập trung nhiều giống loài thủy, hải sản nước lợ, nước mặn có giá trị kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.
Tận dụng lợi thế này, Sóc Trăng đã đẩy mạnh nuôi thuỷ sản, hải sản ven biển theo hướng công nghiệp, đa dạng đối tượng nuôi, áp dụng công nghệ cao gắn với chế biến và xuất khẩu. Tính đến cuối năm 2020, diện tích nuôi thủy sản, hải sản vùng ven biển đạt khoảng 55.000ha, trong đó nuôi tôm nước lợ 50.000ha, bãi nghêu giống 300ha và nghêu thương phẩm gần 5.000ha.
Với diện tích bãi bồi rộng và dài chạy dọc theo chiều dài bờ biển, nơi đây còn có tiềm năng phát triển năng lượng sạch tái tạo (năng lượng điện gió) và đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển.
Được biết, tính đến cuối năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch hơn 20 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 1.435 MW. Trong đó, đã khởi công xây dựng 4 dự án. Đồng thời, Sóc Trăng cũng đang trình bổ sung quy hoạch thêm 9 dự án điện gió, với tổng công suất 458 MW.
Tỉnh Sóc Trăng cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ gắn với lợi thế của vùng biển và du lịch biển, phát triển tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, kêu gọi đầu tư nhiều khu du lịch sinh thái như Khu du lịch sinh thái Hồ Bể - Vĩnh Châu, Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó - Trần Đề.
Với lợi thế về biển, Sóc Trăng đã đưa ra nhiều biện pháp để thúc đẩy khai thác nguồn tiềm năng này. Các mục tiêu, định hướng cụ thể được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.