Đánh thức tiềm năng cho thị trường bất động sản vùng ĐBSCL
Với lịch sử hình thành hơn 130 năm, TP. Cần Thơ được xác định là thành phố trẻ, nhiệt huyết. Cần Thơ được kỳ vọng trở thành vùng đất 'đá hóa vàng' nếu triển khai thành công những chính sách, cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội.
1.TP. Cần Thơ trở thành trung tâm logistics của vùng ĐBSCL
Thông qua những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội, TP. Cần Thơ đã và đang phát huy những tiềm năng, lợi thế theo từng lĩnh vực của mình để tăng tốc và bứt phá, hướng tới đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo lộ trình đã đề ra. Song trước tiên Cần Thơ đang tập trung “gỡ nghẽn” để phát triển thành trung tâm logistics của vùng ĐBSCL.
TP. Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm ĐBSCL. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.
Năm 2023, dù bị tác động bởi nhiều khó khăn trong và ngoài nước nhưng tình hình kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ vẫn ổn định và phát triển, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của lãnh đạo địa phương cùng các sở, ban ngành đã từng bước phát huy hiệu quả.
Các ngành dịch vụ mang lợi thế của thành phố như ngành thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, logistics đã có những bước phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ nói riêng và vùng kinh tế ĐBSCL nói chung.
Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên thành phố đạt từ 10-15%/năm, khối lượng hàng hóa trung chuyển qua thành phố tăng. Từ đó, doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đều tăng so cùng kỳ năm trước, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp và xây dựng từng bước đồng bộ, phù hợp xu hướng phát triển vận tải trên địa bàn cả nước.
Hiện nay, hoạt động logistics tại TP. Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL nói chung mới trong giai đoạn đầu phát triển. Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ, hiện đại. Một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng vẫn chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Điển hình, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vận quốc tế.
Ngoài ra, TP. Cần Thơ đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết các khó khăn về hoạt động logistics. Đặc biệt, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng ĐBSCL, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Về quy hoạch, xác định TP. Cần Thơ có ít nhất 3 khu vực phát triển logistics phục vụ chung cho vùng ĐBSCL gồm: Trung tâm logistics hạng II gắn với Cảng Cái Cui; Cụm cảng và logistics hậu cảng, khu công nghiệp Thốt Nốt; Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Hiện thành phố đang đề ra 5 mục tiêu để phát triển logistics, cụ thể:
- Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong tất cả các ngành lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực logistics, hải quan.
- Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tích hợp kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, gắn với quy hoạch phát triển đô thị trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế không chỉ của thành phố mà của cả vùng ĐBSCL.
- Ba là, quy hoạch xây dựng các khu logistics tập trung có quy mô lớn gắn với khu công nghiệp, cảng biển, sân bay quốc tế Cần Thơ có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, trọng tâm là dự án Trung tâm Logistics hạng II gắn với cảng Cái Cui, Trung tâm Logistics hàng không gắn với sân bay Quốc tế Cần Thơ và Cụm cảng, logistics hậu cần cảng Thốt Nốt nhằm hỗ trợ cho các cụm công nghiệp Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Ô Môn sẽ được đầu tư phát triển trong thời gian tới. Triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ và dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An để tàu trọng tải 10.000 - 20.000 tấn vào cảng Cần Thơ theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội.
- Bốn là, tập trung phối hợp thực hiện hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Bắc Nam từ Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ, đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ. Phối hợp nâng cấp hạ tầng cảng hàng không, sân bay và xây dựng các công trình thiết yếu cảng hàng không theo quy hoạch, khuyến khích các hãng tàu bay mở thêm nhiều đường bay mới, nội địa và quốc tế. Phối hợp nghiên cứu, đề xuất Trung ương đầu tư sớm tuyến đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đến năm 2030.
- Năm là, đẩy mạnh đào tạo nhân lực về logistics và hậu cần logistics.
2."Ba trụ cột" để Cần Thơ thành trung tâm liên kết của ĐBSCL
TP. Cần Thơ đã xác định “Ba trụ cột” gồm bám sát chỉ đạo của Trung ương; phát huy nội lực; tăng cường liên kết vùng là nền tảng để phát triển, bứt phá thực sự trở thành trung tâm vùng ĐBSCL, cụ thể:
TP. Cần Thơ phấn đấu xây dựng và phát triển xứng tầm trung tâm đô thị hạt nhân. Nguồn: Báo Xây dựng.
2.1. Tập trung cho hạ tầng
Sáng 21.6, tại TP. Cần Thơ, ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030.
Để từng bước thể hiện được vai trò này, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, thành phố đã xác định “Ba trụ cột” quan trọng đó là bám sát chỉ đạo của Trung ương; phát huy nội lực; tăng cường liên kết phát triển.
Trước hết, TP. Cần Thơ sẽ bám sát chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Bộ, ban, ngành, Trung ương thực hiện đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, đường thủy, đường hàng không, đường bộ. Từ đó kết nối thuận lợi giữa Cần Thơ và các tỉnh trong vùng cũng như với TP. HCM, liên vùng. Trong đó, ưu tiên cho tuyến cao tốc theo trục dọc là Trung Lương - TP. Cần Thơ - Cà Mau); trục ngang là Châu Đốc - TP.Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đặc biệt, thành phố cũng đã quy hoạch để trở thành một "thành phố sân bay" với 10.000 ha; trong đó sẽ dành một quỹ đất rộng khoảng 3.300 ha để xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL; ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông, trung tâm logistics cấp vùng tại Cần Thơ. Cùng với đó, đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố (Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc).
TP. Cần Thơ có một vị trí trung tâm ÐBSCL, với giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của khu vực, đầu mối giao thông cả đường thủy, đường bộ, đường hàng không.
2.2. Về phát huy nội lực
Theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, sẽ tập trung phát huy nội lực dựa trên vị trí trung tâm ÐBSCL, với giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của khu vực. Đó là trục hành lang TP. HCM – TP. Cần Thơ và trục sông Hậu... Thành phố đã và đang phát huy tốt vai trò trung tâm y tế, giáo dục, thương mại của vùng ÐBSCL.
Hiện nay, Cần Thơ cũng là trung tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL với các trung tâm đào tạo chất lượng như trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Y dược Cần Thơ. Cùng với đó là hệ thống y tế mạnh với Bệnh viện đa Khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa Cần Thơ, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi Đồng…
2.3. Tăng cường liên kết khu vực
Theo lãnh đạo TP. Cần Thơ, để phát huy tốt vai trò trung tâm, việc tăng cường liên kết, phối hợp các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh liên vùng, nhất là TP. HCM là vô cùng quan trọng. Từ đây có thể khẳng định Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, của cả nước và đóng vai trò kết nối nước ta với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Việc tập trung liên kết chặt chẽ và hiệu quả cũng sẽ giúp Tây Đô thu hút nhiều tập đoàn bán buôn, bán lẻ lớn, có uy tín để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng hóa và hệ thống phân phối. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt kêu gọi đầu tư vào các trung tâm, siêu thị, chợ đầu mối, chợ chuyên ngành,…
Cần Thơ cũng sẽ chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất Trung ương các cơ chế chính sách phát triển liên kết nội vùng ĐBSCL và liên vùng. Liên kết đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động mọi nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo nghề, tạo việc làm; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia liên kết vùng, hội nhập quốc tế.
3.Tiềm năng kéo bất động sản ĐBSCL tăng giá
ĐBSCL có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đây là một trong những đồng bằng lớn và màu mỡ nhất Đông Nam Á và được đánh giá là một vùng đất hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi từ thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển không chỉ nông nghiệp, thủy hải sản, mà còn giữ vai trò then chốt về phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các tỉnh thành lớn trong khu vực cũng đang trở thành điểm đến lý tưởng và được ưa chuộng của các nhà đầu tư BĐS.
Đặc biệt, khu vực ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển về hạ tầng, khi Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất triển khai 7 dự án tuyến đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025, như: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc 2 Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu… Như vậy ngoài trục cao tốc Bắc - Nam, các dự án hạ tầng giao thông trong khu vực cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa tại các tỉnh thành miền Tây và tạo cơ hội thu hút đầu tư BĐS vào khu vực này.
Các chuyên gia nhìn nhận, tuy vẫn còn tồn đọng nhiều thách thức và điểm cần phải cải thiện để khu vực ĐBSCL phát triển và đón nhận dòng vốn đầu tư như kỳ vọng, song song với những chính sách đã và đang được đề ra để phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư nhằm tăng trưởng kinh tế, thì lĩnh vực BĐS sẽ được hưởng lợi.