Xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển
Với chủ đề “Đánh thức tiềm năng, lợi thế, mở ra tầm nhìn mới”, quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; xây dựng Bạc Liêu phát triển toàn diện kinh tế biển, trung tâm công nghiệp tôm, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
1. Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế biển
Ngày 22/12 vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các yếu tố giúp nâng tầm đô thị Bạc Liêu. Nguồn: Bộ Xây dựng.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, với chủ đề “Đánh thức tiềm năng, lợi thế, mở ra tầm nhìn mới”, quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; xây dựng Bạc Liêu phát triển toàn diện kinh tế biển, trung tâm công nghiệp tôm, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Quy hoạch cũng hướng đến việc phát triển hài hòa, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc con người Bạc Liêu gắn với bảo tồn giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động hội nhập quốc tế…
Phấn đấu năm 2030, Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch; có hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bạc Liêu phấn đấu là tỉnh có kinh tế phát triển; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh, người dân có cuộc sống khá giả, hạnh phúc; môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, bảo tồn; hệ thống đô thị thông minh, sạch, xanh; nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái…
Phát biểu tại hội nghị, ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để Bạc Liêu tiếp tục triển khai các định hướng, chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tỉnh, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch. Tập trung đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.
Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành nghề có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Quy hoạch 05 vùng huyện tại Bạc Liêu
Về phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch 05 vùng huyện bảo đảm phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của tỉnh, cụ thể:
- Vùng huyện Đông Hải: Là khu vực phát triển trọng điểm về tôm, thủy sản nước lợ, năng lượng tái tạo. Tập trung đầu tư phát triển thủy sản nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống; sắp xếp lại nghề đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giải quyết việc làm; củng cố các cơ sở hậu cần nghề cá, trọng điểm là cảng cá Gành Hào; xây dựng các khu vực điện gió, hạ tầng truyền tải điện; phát triển du lịch sinh thái, tham quan ven biển; nâng cấp đê biển, đê sông, trồng rừng phòng hộ, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
- Vùng huyện Hòa Bình: Là khu vực phát triển trọng điểm về tôm, thủy sản, năng lượng tái tạo. Tập trung đầu tư phát triển thủy sản nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống; sắp xếp lại nghề đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, củng cố các cơ sở hậu cần nghề cá; xây dựng Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW, các khu vực điện gió, hạ tầng truyền tải điện, cảng khí phục vụ Nhà máy điện khí LNG; phát triển du lịch sinh thái, tham quan ven biển; nâng cấp đê biển, đê sông, trồng rừng phòng hộ, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
- Vùng huyện Vĩnh Lợi: Là khu vực phát triển lúa gạo, chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến nông sản. Phát triển các cánh đồng lớn, các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các cụm công nghiệp chế biến nông sản, logistics trung chuyển hàng hóa tới cảng biển Trần Đề.
- Vùng huyện Hồng Dân: Là khu vực phát triển lúa gạo, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ logistics trung chuyển hàng hóa tới các điểm kết nối với các tuyến cao tốc đi qua tỉnh. Xây dựng khu công nghiệp Ninh Quới, Trung tâm phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Vùng huyện Phước Long: Là trung tâm của Tiểu vùng kinh tế Bắc quốc lộ 1, tập trung sản xuất lúa gạo kết hợp với nuôi tôm, thủy sản nước lợ, nước ngọt, phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, dệt may, du lịch.
3. Quy hoạch Bạc Liêu phát triển trên 3 trụ cột chính
Phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bạc Liêu và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.
Đáng chú ý, bản quy hoạch nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển dựa trên 3 trụ cột: Công nghiệp năng lượng tái tạo; Nuôi trồng, chế biến thủy sản; Du lịch. Là một địa phương có biển nền kinh tế biển sẽ đóng vai trò trụ cột của địa phương với những mục tiêu rất tham vọng như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 9,5 - 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 - 4 lần so với năm 2020.
Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp khoảng 29,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 36,4%; khu vực dịch vụ khoảng 32,0%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Như vậy có thể thấy, Bạc Liêu phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; Các đô thị cũng hình thành ven bờ; các ngành kinh tế cũng xoay trục quanh yếu tố biển.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trên Bạc Liêu còn rất nhiều việc phải làm khi kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, viễn thông - công nghệ thông tin sẽ phải gấp rút được đầu tư xây dựng; các trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản phục vụ nghề nuôi biển cũng phải được đầu tư nếu muốn trở thành trung tâm thức ăn chăn nuôi của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, các chỉ số như: Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả; môi trường đầu tư kinh doanh… sẽ phải cải thiện mới có thể thu hút được FDI cũng như nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh của tỉnh.