Hậu Giang quy định tiêu chí mới cho nhà đầu tư khu đô thị

Phát triển đô thị của Hậu Giang thời gian qua giúp người dân thụ hưởng chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, dịch vụ xã hội đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn. Kinh tế đô thị phát triển, thu nhập tăng, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Tất cả đang hướng đến sự cân bằng giữa phát triển đô thị với bảo vệ môi trường bền vững.

1. Đô thị ở Hậu Giang ngày càng mở mang và phát triển

 

Với lợi thế vị trí giáp thành phố Cần Thơ - thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang tập trung quy hoạch các khu đô thị mới và mời gọi nhà đầu tư, bước đầu đã thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn (Vingroup, DIC, Cát Tường, Hồng Phát…) đầu tư các khu đô thị mới ở thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và các trung tâm huyện nhất là khu vực Châu Thành, Châu Thành A đã làm diện mạo các đô thị này nhiều thay đổi và khởi sắc, khang trang hơn.

Tiềm năng phát triển khu đô thị tại Hậu Giang. Nguồn: Báo VnExpress.

 

Quyết định UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến năm 2040. Khu vực lập quy hoạch chung đô thị Bảy Ngàn có diện tích 1.409,62 ha bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn Bảy Ngàn, được giới hạn: Phía Bắc giáp với xã Trường Long Tây; Phía Nam giáp với huyện Phụng Hiệp; Phía Đông giáp với xã Tân Hòa; Phía Tây giáp với huyện Vị Thủy.

 

Dự báo dân số đến năm 2030 là 16.000 người. Dự báo dân số đến năm 2040 là 18.000 người. Đến năm 2030 đất dân dụng khoảng 290-400 ha. Đến năm 2040 đất dân dụng khoảng 320-450 ha. Đất xây dựng đô thị 180-250m2/người. Đất dân dụng 100 m2/người.

 

Đồ án Quy hoạch phải xác định được ranh giới khu vực phát triển đô thị và khu vực hạn chế phát triển đô thị. Xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng đô thị: các khu hiện có hạn chế thay đổi; các khu cần chỉnh trang, cải tạo; các khu cần bảo tồn, tôn tạo, các khu chuyển đổi chức năng; khu phát triển mới; khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển; các khu dự kiến xây dựng công trình ngầm…

 

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, bố trí các khu chức năng trong đô thị phải đảm bảo tạo lập được môi trường sống thích hợp và tốt nhất cho người dân sống trong đô thị, phù hợp với đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A đã được phê duyệt và tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan.

 

Không gian đô thị phải khai thác được tối đa các lợi thế và hạn chế các bất lợi về điều kiện tự nhiên; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và đặc thù về đất đai, hạ tầng của thị trấn; tạo được môi trường sống tốt, an toàn cho dân cư, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng.

 

Định hướng phát triển không gian đô thị có sự lan tỏa từng bước, từng giai đoạn theo nhu cầu phát triển dân số đã được xác lập trong quy hoạch xây dựng vùng huyện. Đất khu vực phát triển đô thị phải được tính toán, dự báo theo khả năng phát triển theo từng giai đoạn quy hoạch. Xác định các chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, định hướng và nguyên tắc phát triển đối với từng khu chức năng; xác định các chỉ tiêu về diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao trong các khu chức năng.

Chỉ tiêu đất dân dụng phải được tính toán lựa chọn theo đặc thù đô thị đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên có giá trị; Quy mô các loại đất ngoài dân dụng phải được luận chứng, tính toán theo nhu cầu thực tế kết hợp với các quy hoạch chuyên ngành; Các cơ sở công nghiệp phải được tính toán đảm bảo điều kiện cách ly an toàn, không gây ô nhiễm môi trường cho các khu vực lân cận.

 

Phân khu chức năng trong đô thị phải dựa trên các giá trị đặc trưng trong từng khu vực về điều kiện tự nhiên, kiến trúc cảnh quan và chức năng đô thị; phải dự báo, xác định được quy mô dân số cho các lô đất quy hoạch làm cơ sở cho tính toán và phân bổ dân cư trong quy hoạch chi tiết và các dự án, dân số dự báo, xác định phải bao gồm cả dân số vãng lai tại các khu đất ở và các khu đất xây dựng các công trình hỗn hợp có yếu tố ở bao gồm cả dịch vụ lưu trú (nếu có); phải xác định được hệ thống công trình dịch vụ - công cộng, chỉ tiêu sử dụng đất và khung hạ tầng kỹ thuật cấp đơn vị ở; phải bố trí hỗn hợp nhiều chức năng khác nhau trong khu trung tâm đô thị đảm bảo khai thác sử dụng đất hiệu quả, linh hoạt và thuận tiện.

 

Không gian cây xanh trong đô thị, bao gồm không gian xanh tự nhiên và không gian xanh nhân tạo phải được quy hoạch gắn kết với nhau thành một hệ thống liên hoàn; Không gian xanh tự nhiên (bao gồm mặt nước tự nhiên) cần được bảo vệ tối đa, không gian xanh nhân tạo phải được phân bố hợp lý trên toàn diện tích đất xây dựng đô thị để đảm bảo thuận lợi trong sử dụng; Các chỉ tiêu đất cây xanh công cộng cho toàn đô thị và từng khu vực phải đáp ứng với mục tiêu của quy hoạch và phù hợp đặc thù đô thị. Cây xanh sử dụng công cộng phải quy hoạch để đảm bảo mọi người dân tiếp cận thuận lợi; Phải ưu tiên sử dụng các loại cây xanh bản địa, đặc trưng vùng miền và phù hợp với đô thị, bảo vệ được các cây quý hiếm, cây cổ thụ có giá trị. Chủng loại cây xanh trong đô thị không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông, phù hợp với các yêu cầu về phòng chống thiên tai, không gây hư hại công trình bao gồm cả phần ngầm và phần trên mặt đất, không tiết ra các chất độc hại hoặc hấp dẫn côn trùng gây ảnh hưởng đến dân cư.

 

Đối với khu vực dân cư hiện hữu: Rà soát và kiểm tra sự liên hệ gắn kết, đặc biệt là hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị và tính hợp lý của nhóm chức năng dịch vụ tiện ích đô thị. Trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh những điểm bất hợp lý và khó thực hiện. Đối với khu công nghiệp cần xác lập rõ ranh giới theo phân vùng quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đã được phân cấp trên địa bàn lãnh thổ của thị trấn Bảy Ngàn, bảo đảm quản lý chặt chẽ, không bị chồng lấn hoặc bỏ ngỏ trách nhiệm quản lý ở bất kỳ vị trí nào thuộc địa bàn thị trấn.

 

Yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, hấp dẫn, giàu bản sắc, dựa trên cấu trúc cảnh quan và sinh thái tự nhiên, đặc biệt là cảnh quan quanh khu vực kênh xáng Xà No, kênh Tám Ngàn… phải được khai thác triệt để. Tổ chức không gian quảng trường: Xác định quy mô, tính chất của quảng trường trong đô thị; Nghiên cứu không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh quảng trường.

 

Phát triển cấu trúc đô thị phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội, trong đó nâng cấp, cải tạo và khai thác các khu đô thị hiện hữu; tăng cường khả năng giao lưu và tạo sự hấp dẫn của đô thị du lịch thông qua hệ thống không gian công cộng, quảng trường, không gian cảnh quan tự nhiên. Xác định khu vực hiện hữu; khu vực dự kiến phát triển mới; khu vực cảnh quan thiên nhiên, nhân tạo; khu vực bảo tồn và khu vực đặc thù.

 

Định hướng về hình ảnh đô thị và không gian kiến trúc theo tính chất, mục tiêu phát triển của từng khu vực. Định hướng tổ chức không gian khu vực cửa ngõ đô thị về không gian kiến trúc cảnh quan, xác định vị trí và diễn họa ý tưởng hình khối các công trình điểm nhấn theo các hướng, tuyến giao thông chính hướng vào trong đô thị, cụ thể:

 

  • Tổ chức các trục không gian chính: Định hướng kiến trúc cho các trục đường chính, các khu vực đặc trưng trong đô thị theo nguyên tắc đảm bảo sự chuyển tiếp về hình ảnh kiến trúc đô thị đã phát triển qua các giai đoạn; Đề xuất các trục chính đặc trưng khu vực đô thị; Đề xuất bảo tồn, khai thác cảnh quan thiên nhiên hiện hữu về địa hình, cây xanh, sông hồ, mặt nước, bổ sung thiết kế cảnh quan nhân tạo.

 

  • Tổ chức không gian tại các điểm nhấn đô thị: Xác định vị trí điểm nhấn của toàn đô thị và từng khu vực đô thị; Trong trường hợp điểm nhấn là công trình kiến trúc hoặc cụm công trình kiến trúc, cần đề xuất định hướng về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh cho phù hợp; trường hợp tận dụng cảnh quan tự nhiên làm điểm nhấn cần có định hướng tôn tạo, khai thác.

 

  • Tổ chức không gian cây xanh: Xác định không gian xanh của đô thị, bao gồm cây xanh theo tuyến, cây xanh công viên hoặc đồi núi tự nhiên, nhân tạo trong đô thị; Giải pháp cây xanh trong các trục không gian chính, các khu đô thị. Tổ chức không gian mặt nước: Đề xuất quy định bảo tồn, khai thác, phát huy cảnh quan mặt nước tự nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái: Đề xuất vị trí quy mô các hồ nước nhân tạo bổ sung cho đô thị…

2. Đô thị là 1 trong 4 trụ cột then chốt

 

Tỉnh Hậu Giang đi lên từ gian khó, nỗ lực vượt bậc qua từng nhiệm kỳ và tiến nhanh trong quá trình đô thị hóa. Đến nay, tỉnh đã có 18 đô thị được xếp loại, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 30%. Trong đó có 1 đô thị loại II (TP.Vị Thanh), 2 đô thị loại III (TP.Ngã Bảy, TX.Long Mỹ), 15 đô thị loại V.

Hậu Giang huy động nguồn lực phát triển đô thị. Nguồn: Tạp chí Xây dựng.

 

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, đô thị được xác định là một trong 4 trụ cột then chốt trong phát triển kinh tế của Hậu Giang. Vì thế, toàn tỉnh tích cực đẩy mạnh mời gọi, xúc tiến đầu tư trong, ngoài nước để phát triển đô thị.

 

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết ngày 26.12.2023, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 2234 chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị mới Cái Côn (Khu vực III, P.Ngã Bảy, TP.Ngã Bảy) có tổng diện tích hơn 667.090 m², tổng mức đầu tư dự kiến 2.024 tỉ đồng. Dự án triển khai trong 60 tháng, kể từ ngày nhà đầu tư nhận được quyết định giao đất, cho thuê đất.

 

Ngày 24.5.2024 vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Đề án 01 thành lập TT.Tân Long (H.Phụng Hiệp), TT.Đông Phú (H.Châu Thành) trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số hiện có của 2 xã Tân Long, Đông Phú. Xã Tân Long được công nhận đô thị loại V vào năm 2020 và xã Đông Phú đạt chuẩn đô thị loại V vào năm 2023. Đến nay, 2 xã Tân Long, Đông Phú đảm bảo các điều kiện và đạt đủ những tiêu chuẩn thành lập thị trấn theo quy định.

 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hòa, ngày 17.7 vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 1021 phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đông bắc đô thị Vị Thanh và vùng phụ cận. Khu vực lập quy hoạch có tổng diện tích hơn 1.151 ha, thuộc P.III, P.V (TP.Vị Thanh) và một phần xã Vị Đông, xã Vị Trung, xã Vị Thủy (H.Vị Thủy). Khu vực lập quy hoạch được định hướng là khu đô thị hành chính phức hợp, thương mại dịch vụ tổng hợp, thương mại dịch vụ mới, đô thị sinh thái… gắn với các trục giao thông đường bộ, đường thủy chủ yếu như QL61, QL61C, đường tỉnh 931B, kênh xáng Xà No, kênh Mương Lộ.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...