Xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển

Ông Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định 1289/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Kiên Giang bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Kiên Giang và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

1. Đầu tư, phát triển các ngành kinh tế trọng điểm theo hướng hiện đại hóa

 

Mục tiêu đề ra đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm kinh tế biển của Quốc gia. Các thành phố Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển, trong đó: TP. Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; TP. Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là đô thị di sản. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống văn minh, hạnh phúc.

Chỉ số sản xuất Công nghiệp qua các năm 2020 - 2023. Nguồn: Cục Thống kế tỉnh Kiên Giang.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang trong quý 1/2023 đạt 6,25%, xếp thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và 26/63 cả nước, hầu hết các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi tốt trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

 

Với thế mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, giá trị sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong tháng 5/2023 ước tính đạt 3.209,99 tỷ đồng, tăng 20,50% so với tháng trước, giảm 9,39% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, ước tính đạt 11.816,64 tỷ đồng, bằng 33,15% kế hoạch năm, tăng 1,54% so cùng kỳ năm trước.

 

Theo Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh tăng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ 2 nhóm thủy sản là tôm các loại và thủy sản khác, các sản phẩm thu hoạch chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và một số loài nhuyễn thể khác như sò huyết, sò lông, vẹm xanh,...

 

Trong tháng 5/2023 vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 1,52% so tháng trước, tăng 6,11% so cùng tháng năm trước. Cụ thể: ngành chế biến, chế tạo tăng 6,09%; ngành khai khoáng tăng 9,76%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,34%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,87%.

 

Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 8,77%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,08%.

 

Bên cạnh đó, tình hình thị trường cung - cầu hàng hóa luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giá cả không có nhiều biến động, nguồn cung dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh cũng như du khách đến với Kiên Giang.

 

Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp các giá trị văn hoá, xã hội và môi trường vào sản phẩm.

 

Chú trọng Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ theo hướng tăng giá trị kinh tế sản phẩm. Gắn kết sản xuất, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng; kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái nông nghiệp, công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

 

Đẩy mạnh hoạt động nuôi biển theo hướng hiện đại, bền vững và gắn với các ngành kinh tế biển khác, bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh. Chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và hoạt động của đội tàu khai thác; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nghề cá tại các ngư trường, hải đảo.

 

Phát triển công nghiệp bền vững với công nghệ tiên tiến hợp lý, thân thiện môi trường. Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ, tiết kiệm tài nguyên và tạo giá trị gia tăng cao. Phát triển nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn, đầu tư theo chiều sâu, trọng tâm là các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, đóng mới và sửa chữa tàu. Hình thành các cụm nhà máy chế biến nông thủy sản gắn với vùng nguyên liệu hàng hoá nông sản trên địa bàn tỉnh.

 

Thiết lập môi trường kinh doanh thương mại văn minh, hiện đại đảm bảo đáp ứng với cung cầu thị trường của từng khu vực, từng thời kỳ và nhu cầu cung ứng sản xuất, tiêu dùng của người dân. Đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng đồng bộ các loại hình, cơ sở hạ tầng thương mại theo quy định. Phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới, thương mại quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản có thế mạnh.

 

Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên tự nhiên, tính độc đáo về văn hoá, con người Kiên Giang; hình thành các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch của tỉnh.Tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế.

2. Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 tiểu vùng thúc đẩy phát triển kinh tế biển

 

Theo Quy hoạch 4 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng Tứ giác Long Xuyên, Vùng Tây sông Hậu, Vùng U Minh Thượng và Vùng Hải đảo, cụ thể:

Quy mô kinh tế Kiên Giang đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ.

 
  • Vùng Tứ giác Long Xuyên, bao gồm thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Giang Thành, huyện Hòn Đất và một phần các huyện Tân Hiệp, Châu Thành: Là vùng tập trung phát triển đô thị, kinh tế cửa khẩu và các hoạt động thương mại, dịch vụ giá trị gia tăng, chất lượng cao của tỉnh; tập trung các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí phục vụ ngành nông và ngư nghiệp, công nghiệp năng lượng; đầu mối giao thương, giao thông đối ngoại của tỉnh; vùng sản xuất nông nghiệp, vùng nuôi biển và bảo vệ môi trường sinh thái biển. Đây là vùng có sự đa dạng trong tổ chức, liên kết các hoạt động kinh tế - xã hội nội tỉnh, liên tỉnh và giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
 
  • Vùng Tây sông Hậu, bao gồm một phần huyện Tân Hiệp, Châu Thành và toàn bộ huyện Giồng Riềng, Gò Quao: Là vùng tập trung phát triển đa dạng các ngành công nghiệp chế biến nông - thủy sản, các ngành công nghiệp chế tác sử dụng nhiều lao động; là vùng phát triển mạnh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
 
  • Vùng U Minh Thượng, bao gồm huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận: Là vùng tập trung phát triển các mô hình nông - lâm - thủy sản kết hợp, cung cấp nguyên liệu cho phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, hậu cần nghề cá, kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, du lịch văn hóa đặc trưng; vùng bảo tồn cảnh quan, đa dạng sinh học Vườn quốc gia U Minh Thượng.
 
  • Vùng Hải đảo, bao gồm thành phố Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải: Là vùng tập trung phát triển mạnh về kinh tế biển, với nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch biển đảo, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; phát triển vùng hải đảo theo hướng sinh thái kết hợp bảo vệ vườn Quốc gia và hệ sinh thái biển; có vị trí đặc biệt về quốc phòng - an ninh.
 

Đồng thời kết nối các hành lang kinh tế ven biển Tây, cụ thể: 

 
  • Hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá (thuộc hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu): Dựa trên trục cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, quốc lộ 80 và đường bộ ven biển; tập trung phát triển các ngành kinh tế biển mũi nhọn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của các địa phương ven biển Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất và Rạch Giá; Hành lang kinh tế ven biển khu vực An Minh - An Biên - Châu Thành - Rạch Giá (thuộc hành lang kinh tế ven biển qua các tỉnh ven biển từ Cà Mau đến Kiên Giang): Dựa trên trục đường bộ ven biển và đường hành lang ven biển phía Nam; tập trung phát triển các ngành kinh tế biển như: năng lượng tái tạo, cụm liên kết về thủy sản, nghề biển, du lịch và đô thị biển đảo.
 
  • Hành lang kinh tế Bắc - Nam: Dựa trên trục cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và quốc lộ 80; hành lang này đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương giữa tỉnh với các địa phương trong Vùng.
 
  • Hành lang biên giới Giang Thành - Hà Tiên (thuộc hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang): Dựa trên trục quốc lộ N1; tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu gắn với hình thành các đô thị biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 
 

Đây là điều kiện để xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của Quốc gia; là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng; Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của tỉnh được bảo tồn và thể hiện rõ nét.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...