Thị trường bất động sản 2024: Kỳ vọng các khung pháp lý quan trọng

Tuy chưa thể khẳng định rằng thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ nhưng chắc chắn năm 2024 chính là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam nói chung và thị trường BĐS Tây Nam Bộ nói riêng.

Triển vọng thị trường BĐS khi khung pháp lý hoàn thiện

 

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường BĐS rơi vào tình trạng khó khăn. Trong đó, có những vướng mắc, chồng chéo về thủ tục pháp lý khiến nhiều doanh nghiệp không thể phát triển dự án theo kế hoạch.

Quốc hội thảo luận về Luật kinh doanh BĐS sửa đổi. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

 

Khi Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực, cùng với hàng loạt chính sách hỗ trợ thị trường đang được triển khai, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới.

 

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phương Đông cho rằng, Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua đang mở ra nhiều hy vọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Trong đó, việc chưa quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, việc huy động thêm các nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội sẽ góp phần thúc đẩy thị trường phát triển cân bằng hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ như: Chủ trương chấp thuận nhà đầu tư đối với các dự án đang bị thắt chặt, giá cả đầu vào tăng lên và khó khăn về tiếp cận nguồn vốn.

 

Nhìn lại thị trường BĐS trong nửa cuối năm 2023, có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với 6 tháng đầu năm, nguồn cung đã từng bước cải thiện, một số dự án BĐS sau thời gian tạm dừng đã khởi động trở lại. Theo đó, lượng giao dịch của các loại hình BĐS ở cuối năm tăng so với hồi đầu năm chứng tỏ thị trường BĐS đang từng bước được hồi phục.

 

Để đảm bảo thị trường BĐS tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, trong thời gian tới Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các Luật, tránh khoảng trống pháp lý.

 

Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa; tiếp tục chủ trì đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

 

Năm 2024, khi các chính sách tài khóa được triển khai và khi các Luật sửa đổi có hiệu lực thì cần nhanh chóng đưa được quỹ đất của doanh nghiệp mà Nhà nước phê duyệt để thực hiện dự án ra thị trường nhanh nhất. Khi thị trường có tín hiệu ấm lên thì các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh công tác bán hàng và dịch vụ thì thị trường mới có thể ổn định được.

 

Những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương tháo gỡ được rất nhiều cho thị trường bất động sản. Chúng ta có quyền kỳ vọng vào năm 2024, Quốc hội sẽ tiếp tục thông qua các Luật như Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hay Luật các tổ chức tín dụng để tạo sự đồng bộ, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản phát triển bền vững.

 

Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù đến tháng 7/2024, Luật Nhà ở sửa đổi mới có hiệu lực, nhưng những chính sách về phát triển nhà ở xã hội sẽ được xem xét áp dụng sớm hơn. Chính phủ cũng đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ do lãnh đạo Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng đang tích cực đôn đốc các địa phương tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS.

 

Ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết: “Đối với những vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật, thuộc thẩm quyền của các bộ ngành thì các bộ ngành có tập hợp và đề xuất sửa đổi ngay. Có những vướng mắc thuộc về thẩm quyền của địa phương trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện thì Tổ công tác có văn bản yêu cầu các địa phương nghiên cứu tháo gỡ và giải quyết ngay và có thời hạn xử lý”.

 

Với những quy định đã thay đổi và sắp tới sẽ được điều chỉnh thì độ ngấm của chính sách sẽ đi vào cuộc sống, giúp giải tỏa, sẽ nới dần những nút thắt mà hiện nay đang vướng. Cùng với những chính sách hỗ trợ tín dụng mà chúng ta đang làm thì thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn, nhất là từ giữa năm 2024.

Những tuyến cao tốc được hình thành đã tạo “cú hích” cho thị trường BĐS các tỉnh miền Tây phát triển

 

Sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu, Tây Nam Bộ không chỉ phát huy tiềm năng tăng trưởng nông nghiệp; xuất khẩu thủy, hải sản, mà còn thu hút mạnh dòng vốn FDI vào các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sạch, logistics… Bên cạnh đó, đây còn là vùng đang được quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thế nên thị trường BĐS khu vực này liên tục tạo sóng trong thời gian qua, trở thành điểm đến hấp dẫn dành cho nhà đầu tư cả nước.

Bản đồ quy hoạch cao tốc Phía Nam năm 2030. Nguồn: VnExpress.

 

Theo kế hoạch, đến năm 2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 760 km đường cao tốc, đến năm 2050 là 1.180 km đường cao tốc. Trong vòng 4 năm tới, khu vực này sẽ có thêm cầu Rạch Miễu 2, cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên và cầu Đại Ngãi nối đôi bờ sông Hậu với tổng mức đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng.

 

Đến thời điểm hiện tại, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành và đưa vào khai thác các đoạn tuyến cao tốc như: Bến Lức - Trung Lương (40 km), Trung Lương – Mỹ Thuận (51 km), Cao Lãnh – Lộ Tẻ (29 km) và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (51 km), sắp tới là Cần Thơ - Cà Mau (109km). Những tuyến cao tốc này, ngoài tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, còn góp phần thúc đẩy, tạo “cú hích” cho thị trường BĐS các tỉnh miền Tây phát triển.

 

Thời gian qua, khu vực này liên tục thu hút dòng vốn từ nhiều “ông lớn” trong và ngoài nước, tổng nguồn vốn đầu tư công dự kiến giai đoạn 2021 – 2025 tăng 23,3%. Dự báo, trong giai đoạn từ 2023 -2030, thị trường này vẫn sẽ tiếp tục hút sóng đầu tư với dư địa phát triển BĐS dồi dào nhờ lợi thế về giá và quỹ đất đa dạng.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...