Sóc Trăng tạo đột phá để thu hút đầu tư

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến việc xây dựng địa phương trở thành cửa ngõ chính hướng ra biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là trung tâm đầu mối về nông – công nghiệp, dịch vụ và logistics. Trong nỗ lực phát huy thế mạnh, Sóc Trăng sẽ ưu tiên thu hút đầu tư và tập trung cho nguồn lực nào để tạo sự trong thời gian sắp tới.

Cơ hội để Sóc Trăng hiện thực hóa khát vọng phát triển

 

Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được phê duyệt, thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) được xác định có vai trò là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông, trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy, hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến nông-hải sản, công nghiệp năng lượng sạch và trung tâm du lịch văn hóa lịch sử.

Sóc Trăng tập trung phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Nguồn: Tạp chí Công Thương.

 

Cùng nhịp bước phát triển của toàn tỉnh, thành phố Sóc Trăng đã có những bước tiến nhanh, toàn diện và vững chắc, đạt tiêu chuẩn của một đô thị loại 2, đồng thời định hướng nhiều mục tiêu phấn đấu để bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc lập quy hoạch, Sóc Trăng bắt tay ngay vào lập quy hoạch và định hình về một Sóc Trăng vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình lập quy hoạch được thực hiện công phu nghiêm túc tuân thủ Luật Quy hoạch và các Quy định có liên quan. Quy trình được triển khai chặt chẽ, lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan đơn vị, cộng đồng dân cư cho đến người dân và doanh nghiệp, được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng và phát huy tối đa tiềm năng phát triển của Sóc Trăng. 

 

Ngày 25/8/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Quy hoạch hướng đến mục tiêu, năm 2030 Sóc Trăng sẽ là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL, có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành Cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề, là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước.

 

Kiến tạo lộ trình này, Sóc Trăng định hướng không gian phát triển của tỉnh theo 4 vùng. Cụ thể: 

 
  • Vùng ven biển bao gồm thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Trong đó, thành phố Sóc Trăng là trung tâm đóng vai trò động lực phát triển của tỉnh, khai thác hiệu quả các điều kiện về kinh tế biển, tạo sự dẫn dắt và bổ trợ cho sự phát triển đối với các vùng còn lại với động lực phát triển mới là Cảng biển Trần Đề.
 
  • Vùng ven sông Hậu gồm huyện Châu Thành, Kế Sách và Long Phú. Vùng này khai thác tối đa các lợi thế về điều kiện phát triển công nghiệp, nông nghiệp hiệu quả cao, là khu vực dự trữ nước ngọt của tỉnh; đóng vai trò bổ trợ chặt chẽ đối với vùng ven biển và vùng Cù Lao Dung.
 
  • Vùng nội địa gồm thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú và Mỹ Xuyên. Vùng này phát huy các lợi thế về phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với trục quốc lộ 1 và Quản lộ Phụng Hiệp.
 
  • Vùng Cù Lao Dung là khu vực dự trữ cho phát triển. Đây là vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành điểm đến, điểm dừng chân, điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng của vùng.
 

Để kết nối không gian phát triển theo hướng liên kết 4 vùng, Sóc Trăng xác định 2 hành lang kinh tế quan trọng. Cụ thể:

 
  • Hành lang kinh tế Bắc - Nam gồm các tuyến: Quốc lộ 1 kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau. Quản lộ Phụng Hiệp kết nối Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau. Quốc lộ 91B kết nối Cần Thơ - Sóc Trăng thu gom nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, mở rộng cửa ngõ vùng cho bến Cảng Trần Đề. Tuyến đường bộ ven biển kết nối Sóc Trăng - Bạc Liêu. Quốc lộ 60 kết nối Ngã Năm - Thạnh Trị - Mỹ Tú - Châu Thành - thành phố Sóc Trăng - Long Phú và tỉnh Trà Vinh.
 
  • Hành lang kinh tế Đông - Tây gồm các tuyến: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối Cảng biển nước sâu Trần Đề với các tỉnh phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vương quốc Campuchia. Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2 km. Tổng mức đầu tư dự án lên đến khoảng 44.691 tỷ đồng, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng có tổng chiều dài 56,9km với tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỷ đồng và đây cũng là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất kể từ ngày Sóc Trăng tái lập năm 1992 cho đến nay. Cao tốc này sẽ tạo nên hành lang kinh tế quan trọng tạo động lực đưa tỉnh phát triển. Song song với tuyến cao tốc này, Sóc Trăng cũng đã khởi công đường trục phát triển kinh tế Đông Tây kết nối thị xã Ngã Năm - huyện Thạnh Trị - huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu với tổng mức đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra đường tỉnh 934B là một trong những trục động lực phát triển của tỉnh, kết nối thành phố Sóc Trăng với huyện Trần Đề.   

      

Sự phát triển của Sóc Trăng gắn với các yếu tố bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Với đích đến của Sóc Trăng là làm sao để người dân của tỉnh có được cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

 

Với các lộ trình kiến tạo tương lai phát triển thông qua Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo ra một khí thế mới và khẳng định khát vọng tầm nhìn của Sóc Trăng sẽ trở thành hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng; trở thành một tỉnh phát triển khá ở ĐBSCL, đời sống nhân dân được nâng cao, các giá trị văn hóa được bảo tồn, là điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước. Với tiềm năng, khát vọng và Quy hoạch tỉnh, Sóc Trăng sẵn sàng vươn khơi.

Khai thác lợi thế cho phát triển công nghiệp

 

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm phát triển của tỉnh là khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của Vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.

Sóc Trăng quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp mới

Tạo sức bật cho Sóc Trăng vươn ra biển lớn. Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

 

Tỉnh còn phát huy cao nhất lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực kinh tế - xã hội của từng vùng sinh thái để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cụ thể như: dự án khu nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất tôm giống chất lượng cao; sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái…

 

Từ năm 2016 đến nay, qua việc thu hút được nhiều dự án đầu tư vào Khu công nghiệp An Nghiệp (Khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh), làm tăng kết quả giá trị sản xuất công nghiệp, đạt khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng/năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 24%/năm.

 

Hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp phát triển không chỉ góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu nông, thủy sản trong tỉnh mà còn trực tiếp tạo việc làm ổn định cho trên 27.000 lao động và hàng nghìn lao động gián tiếp của địa phương với mức thu nhập bình quân của lao động hiện nay vào khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Phát huy những lợi thế sẵn có, cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Sóc Trăng đang tập trung các nguồn lực thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, phát triển khu cụm công nghiệp, phát triển kinh tế biển và năng lượng tái tạo… nhằm thực hiện 1 trong 3 nhiệm vụ đột phát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV của tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư năng lượng, cảng biển, khu logistics, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số”.

 

Cụ thể, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cường kêu gọi để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 3 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, gồm khu công nghiệp Đại Ngãi (200 ha), Sông Hậu (286 ha) và Mỹ Thanh (217 ha). Mặt khác, tỉnh đang tích hợp đưa vào quy hoạch đầu tư phát triển 3 khu công nghiệp mới: Khu công nghiệp Trần Đề 2 (400 ha), Đại Ngãi 2 (250 ha), Khánh Hòa (350 ha) và lập đề án nghiên cứu, thành lập khu kinh tế ven biển với quy mô dự kiến 30.000 ha trong giai đoạn 2021 - 2030.

 

Riêng năm 2023, Sóc Trăng phấn đấu hoàn thành 3 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2) và sớm thu hút, triển khai các dự án thứ cấp; kêu gọi đầu tư đối với các cụm công nghiệp Ngã Năm, Long Đức 1, Long Đức 2, Xây Đá B mới. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Chương trình khuyến công tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, phân kỳ năm 2023; trong đó, tích cực, chủ động thực hiện tư vấn hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; tăng cường hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tăng hiệu quả trong sản xuất, góp phần thực hiện định hướng phát triển nền sản xuất bền vững.

 

Ngoài ra, tỉnh đẩy nhanh việc triển khai các dự án sản xuất điện (nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối) và các dự án phát triển lưới điện trên địa bàn, trọng tâm tranh thủ để dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú thi công trở lại, đi vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

 

Cùng đó, tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại (cuối năm 2023, lũy kế có 9 dự án điện gió vận hành thương mại 100% công suất và 4 dự án khởi công, thi công); sớm hoàn chỉnh thủ tục để kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời, dự án điện sinh khối; thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019 - 2030; tranh thủ nguồn vốn của ngành điện để thực hiện các dự án lưới điện và kế hoạch xóa hộ câu phụ, hộ chưa có điện.

 

Đặc biệt, Sóc Trăng còn đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp; chú trọng công tác quản lý, kiểm tra tình hình thực hiện an toàn thực phẩm trong sản xuất công nghiệp, song song với đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường công nghiệp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện những giải pháp đồng bộ về vốn, đất đai, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách. Với những hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nhằm tạo lòng tin cho các nhà đầu tư yên tâm đến với địa phương đầu tư.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...