Khởi sắc đô thị Hậu Giang

Theo định hướng phát triển đô thị trong thời gian tới, Hậu Giang xác định xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị đồng bộ, theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị thông minh, đảm bảo tính bền vững, tạo ra dòng tiền dương để tái đầu tư phát triển, với tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 32%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 35%.

1. Hậu Giang phát triển đô thị theo hướng “3 thành”

 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch này, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Đô thị Hậu Giang phát triển tập trung “3 thành” – Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ.

Hậu Giang quy định tiêu chí mới cho nhà đầu tư khu đô thị. Nguồn: Nhịp sống Kinh tế Việt Nam & Thế giới.

 

Đến năm 2030, tỉnh có khoảng 19 đô thị, trong đó: 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV, 14 đô thị loại V. Thành lập 02 thị xã từ huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A; với 04 đô thị là trung tâm tổng hợp, chuyên ngành cấp tỉnh gồm:

 

Thành phố Vị Thanh là đô thị loại II, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh. Tổ chức không gian đô thị dọc theo hai bên tuyến kênh Xáng Xà No; kết nối với thành phố Cần Thơ và các đô thị theo mạng lưới giao thông.

 

Thành phố Ngã Bảy là đô thị loại III, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; là cực phát triển phía Đông của tỉnh Hậu Giang.

 

Thị xã Long Mỹ là đô thị loại III, đầu mối trung chuyển, chế biến nông sản công nghệ cao; kết nối với tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau theo Quốc lộ 61B và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; phát triển du lịch sinh thái và văn hóa, lịch sử. Thị xã Châu Thành là đô thị loại IV, phát triển đô thị công nghiệp, trung tâm kinh tế và khoa học công nghệ của tỉnh.

 

Theo Quy hoạch, ba trung tâm đô thị (Ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Mở rộng, nâng cấp các đô thị, phát triển đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gắn với công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chuẩn đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ trở thành các đô thị trung tâm, hiện đại, hỗ trợ các hoạt động thương mại, dịch vụ và các đô thị vệ tinh phát triển.

 

Phương án tổ chức phát triển kinh tế - xã hội theo 04 vùng, cụ thể: 

 

Vùng Trung tâm gồm thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, trong đó thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: Đô thị, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Vùng Đô thị - Công nghiệp gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: Công nghiệp, đô thị, logistics và du lịch.

Vùng Công nghiệp - Du lịch sinh thái gồm thành phố Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: Công nghiệp, đô thị, du lịch và nông nghiệp sinh thái.

 

Vùng Đô thị - Nông nghiệp sinh thái gồm thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. Tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội: Phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đô thị và du lịch.

2. Long Mỹ (Hậu Giang) đô thị trung tâm tiểu vùng của vùng phát triển đô thị phía Tây Nam

 

Ngày 20/02 vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 241/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đến năm 2045. Theo Quyết định này, thị xã Long Mỹ là một trong những đô thị phát triển của tỉnh và vùng phụ cận (Bạc Liêu và Sóc Trăng) với chức năng của đô thị là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật phía Tây Nam của tỉnh Hậu Giang, là đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp với hệ thống giao thông thông suốt, kiến trúc hiện đại mang đậm nét văn hóa vùng sông nước ĐBSCL, là trung tâm đô thị của vùng du lịch sinh thái tự nhiên sông nước, du lịch văn hóa lịch sử và công nghiệp chế biến nông sản.

Hậu Giang tiếp tục nâng cấp các đô thị. Nguồn: Tạp chí Tài Chính.

 

UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đến năm 2045. Theo đó, Đồ án quy hoạch chung thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đến năm 2045 bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Long Mỹ, với tổng diện tích tự nhiên 14.926,5ha; bao gồm 09 đơn vị hành chính trực thuộc: 04 phường (Vĩnh Tường, Bình Thạnh, Thuận An, Trà Lồng) và 05 xã (Long Bình, Long Trị, Long Trị A, Long Phú, Tân Phú). Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp huyện Vị Thủy và huyện Phụng Hiệp; Phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng; Phía Đông giáp huyện Phụng Hiệp; Phía Tây giáp huyện Long Mỹ. Dự báo đến năm 2030: Khoảng 67.000 - 70.000 người. Dự báo đến năm 2045: Khoảng 77.000 - 80.000 người.

 

Đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 1.700-1.800ha, đất dân dụng khoảng 670-700ha. Đến năm 2045: Đất xây dựng đô thị khoảng 1.900-2.000ha, đất dân dụng khoảng 770-800ha.

 

UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu thu thập tài liệu, số liệu, điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội; dân số, lao động, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, môi trường và các yếu tố khác có liên quan. Phân tích, đánh giá hiện trạng đất đai, dân số, lao động, cơ sở kinh tế kỹ thuật, hình thái không gian, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường và các yếu tố xã hội có liên quan.

 

Phân tích các yếu tố biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến khu vực quy hoạch làm cơ sở đề xuất các giải pháp quy hoạch phát triển nhằm ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đánh giá tổng thể công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch chung đô thị Long Mỹ đã được phê duyệt. Nghiên cứu các định hướng từ các quy hoạch cấp trên và các biến động mới về phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, xác định các yếu tố mới, những vấn đề tồn tại, bất cập cần điều chỉnh, những nội dung kế thừa để đạt mục tiêu phát triển đề ra.

 

Nhận xét chung về các dự án và chương trình đang triển khai; tính hiệu quả và sự phù hợp của các dự án, chương trình với mục tiêu, tầm nhìn phát triển của thị xã; đánh giá, phân tích về ưu, nhược điểm, các thành công và thất bại của dự án từ đó tìm ra các bài học kinh nghiệm. Đánh giá tổng hợp thực trạng về nguồn lực, các tiềm năng về điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, nguồn nước, tài nguyên…); tiềm năng phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, nguồn nhân lực và các ưu thế phát triển. Xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, làm cơ sở cho việc tạo lập ý tưởng, chiến lược phát triển, đảm bảo tính khả thi, phát triển bền vững cho thị xã Long Mỹ trong tương lai.

 

Đồng thời, yêu cầu dự báo phát triển: Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển, mô hình phát triển đô thị nhằm xây dựng thị xã Long Mỹ phát triển ổn định, bền vững, phát huy vị thế, vai trò của một hạt nhân tăng trưởng quan trọng của vùng phía Tây Nam tỉnh Hậu Giang, đồng thời gìn giữ được những giá trị đặc trưng. Làm cơ sở để phát triển thị xã Long Mỹ hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III, hướng đến thực hiện mục tiêu nâng chất đô thị Long Mỹ đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, tạo tiền đề phát triển thị xã trong những năm tiếp theo, làm cơ sở để lập các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, đồng thời làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, thu hút đầu tư xây dựng và phát triển cho thị xã.

 

Phân tích vai trò, vị thế của thị xã Long Mỹ trong mối quan hệ vùng ĐBSCL, làm rõ vai trò, vị thế của thị xã Long Mỹ trên trục hành lang kinh tế đường bộ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; vai trò của thị xã Long Mỹ là đô thị trung tâm tiểu vùng của vùng phát triển đô thị phía Tây Nam tỉnh Hậu Giang, là vùng sinh thái miệt vườn, nông nghiệp sinh thái công nghệ cao; là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật phía Tây Nam của tỉnh. Dự báo tăng trưởng về kinh tế, xã hội, dân số, lao động, đất đai và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; dự báo khả năng và quá trình đô thị hóa. Tiềm năng khai thác quỹ đất xây dựng đô thị, cụ thể hóa các hình thái phát triển theo khả năng đô thị hóa của thị xã. Các cơ sở kinh tế kỹ thuật đô thị phải phù hợp với quy chuẩn, quy phạm và các quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt.

 

Theo đó, định hướng phát triển không gian đô thị: Xác định tầm nhìn của thị xã Long Mỹ trong giai đoạn dài hạn, xác định các mục tiêu phát triển trong giai đoạn quy hoạch đến năm 2045. Đề xuất định hướng phát triển thị xã Long Mỹ dựa vào 4 trụ cột chính là: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.

 

Phát triển đô thị Long Mỹ có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, kết nối thông suốt giữa đô thị với các vùng phụ cận, phát triển các khu công nghiệp chế biến, khu liên hợp công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu tổ chức các trung tâm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cụm đổi mới thông minh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển 3 yếu tố “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại” và “nông dân thông minh”.

 

Thiết lập được các mô hình kinh tế tuần hoàn, hình thành được các khu du lịch sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển mở rộng không gian đô thị theo mối tương quan của mạng lưới giao thông. Xác định cấu trúc đô thị từ các tiềm năng, thế mạnh đặc trưng; khu vực đô thị hiện hữu cần bảo tồn, tôn tạo; khu vực đô thị sẽ chuyển đổi chức năng; khu vực đô thị sẽ phát triển mới; khu vực có mật độ dân cư hiện hữu cao; khu vực đô thị hóa nhanh nhằm tạo dựng một đô thị xanh, sạch, đẹp, có sự gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người - văn hoá trên một không gian phát triển đô thị bền vững; Phát triển dịch vụ logistic, trung tâm đầu mối phân phối sản phẩm gắn với đầu mối cao tốc, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng…

 

Đề xuất quy mô và các giải pháp phân bố hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cấp vùng, cấp đô thị đảm bảo phát triển bền vững, gồm: Mạng lưới khu, cụm công nghiệp, khu vực làng nghề, dịch vụ vận tải, trung tâm dịch vụ - thương mại; hệ thống khu, cụm, điểm sản xuất, du lịch; các khu trung tâm hành chính tập trung; mạng lưới trung tâm y tế; giáo dục - đào tạo; văn hóa, thể dục thể thao; nhà ở và phân bố dân cư; không gian xanh, quảng trường đô thị và các trung tâm chuyên ngành khác…

 

UBND tỉnh Hậu Giang giao UBND thị xã Long Mỹ là cơ quan tổ chức lập quy hoạch; Sở Xây dựng Hậu Giang là cơ quan thẩm định quy hoạch; UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan phê duyệt quy hoạch. Giao Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức lập đồ án quy hoạch theo nội dung Nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...