Phát triển hài hòa giữa công nghiệp và đô thị tại ĐBSCL

Trong thời kỳ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ thúc đẩy phát triển khu vực đô thị, nơi có vai trò đóng góp phần lớn kinh tế cho tỉnh cũng như phát triển về mọi lĩnh vực, mọi ngành, trong đó có ngành công nghiệp.

Phát triển đô thị bền vững ở vùng ĐBSCL

 

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành xây dựng đã góp phần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển vùng đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm tự nhiên.

Cần Thơ nới lỏng giãn cách toàn thành phố - VnExpress

TP Cần Thơ đô thị lớn nhất vùng ĐBSCL. Nguồn: Tạp chí Xây dựng.

 

Đồng thời, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

 

Theo đó, hệ thống đô thị trong vùng sẽ từng bước được xây dựng theo cấu trúc mạng lưới phù hợp với điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đô thị trung tâm vùng được tổ chức phân bố để trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng tỉnh, trên toàn vùng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh tại biên giới Tây Nam tổ quốc.

 

Hiện nay, vùng ĐBSCL có 174 đô thị gồm: 1 đô thị trực thuộc Trung ương, 2 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 09 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. Khu vực đô thị có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại và có bản sắc.

 

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng quy hoạch ĐBSCL cần thống nhất quan điểm từ “Sống chung với lũ” đến “Sống chung với biến đổi khí hậu”. Do vậy cần đổi mới phương pháp tiếp cận.

 

Nhằm tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cấp vùng. Cụ thể là Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 và Quy hoạch thoát nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.

 

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, với những nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến nay, tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng ĐBSCL đạt khoảng 1,32 triệu m3/ ngày đêm.

 

Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình vùng đạt khoảng 89,6% (tăng 1,5% so với năm 2017); tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình vùng đạt 22,5% (cao hơn 4% so với mức trung bình cả nước). Đến nay, trong vùng ĐBSCL, các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang và TP. Cần Thơ đã lập và phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng tỉnh làm cơ sở quản lý và triển khai các dự án đầu tư.

 

Trước yêu cầu cấp bách về nguồn nước và chất lượng nguồn nước phục vụ cấp nước sạch, căn cứ đề nghị của các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre, Bộ Xây dựng cũng đã chủ trì nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 2/3/2021.

 

Trong giai đoạn năm 2016-2020, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện Chương trình Thoát nước và Chống ngập úng đô thị ứng phó với Biến đổi khí hậu (FPP) chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh và các bộ ngành liên quan, hỗ trợ lập quy hoạch thoát nước, thực hiện và xây dựng hệ thống kỹ thuật liên quan đến quản lý ngập úng tại 3 đô thị ĐBSCL là TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang).

 

Đến nay, vùng ĐBSCL có 5 đồ án quy hoạch chuyên ngành thoát nước đô thị đã được phê duyệt. Các đồ án cơ bản đã tính đến yếu tố BĐKH, xác định được các lưu vực thoát nước mưa cũng như các giải pháp quy hoạch hệ thống công trình thoát nước nhằm tiêu thoát nước mưa và giảm thiểu ngập úng đô thị.

Phát triển khu công nghiệp phải gắn với quy hoạch đô thị

 

Để phát triển nhanh, bền vững và hiện đại hóa đất nước, việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung cũng như các đô thị phải luôn đặt trong mối quan hệ gắn kết mật thiết, cân xứng đi đôi với nhau.

Bức tranh khu công nghiệp tại ĐBSCL ngày một hoàn thiện. Nguồn: VnEconomy.

 

Xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch ở phạm vi cả nước, vùng và địa phương, đặc biệt là các chiến lược, quy hoạch về phát triển công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế và phát triển đô thị đóng vai trò to lớn trong thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Thực tế cho thấy, để phát triển nhanh, bền vững và hiện đại hóa đất nước, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và phát triển các đô thị phải luôn đặt trong mối quan hệ gắn kết mật thiết, cân xứng đi đôi với nhau, mặt này là cơ sở, điều kiện để phát triển mặt kia và ngược lại.

 

Thông qua việc lập và thực hiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch ở cấp tỉnh, đến đầu năm 2021, trên phạm vi cả nước đã có 369 khu công nghiệp (284 khu công nghiệp đang hoạt động) được thành lập ở 61 địa phương cấp tỉnh, với tổng diện tích khoảng 114 nghìn héc-ta (diện tích đất công nghiệp đã cho thuê khoảng 42,2 nghìn héc-ta); 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích 857,6 nghìn héc-ta (diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn héc-ta); và nhiều cụm công nghiệp ở tất cả các địa phương trong cả nước.

 

Các khu công nghiệp, khu kinh tế là những trung tâm, hạt nhân thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động với khoảng gần 4 triệu lao động trực tiếp đang làm việc; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực địa bàn, địa phương trong cả nước. Tại các khu kinh tế và một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhà máy tập trung, các địa phương đã quy hoạch, xây dựng khu nhà ở đô thị, khu dịch vụ đô thị cung ứng nhà ở, dịch vụ tiện ích đời sống cho người lao động, chuyên gia làm việc. Hình thành, tạo lập nên những đô thị mới, khu đô thị mới cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, hiện đại có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình đô thị hóa, mở rộng phát triển đô thị, hệ thống đô thị trên địa bàn. 

 

Tuy nhiên ở nhiều nơi, việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhà máy tập trung còn thiếu đồng bộ, chưa gắn kết phù hợp với phát triển đô thị; chưa thiết lập, tạo dựng đầy đủ được các khu nhà ở đô thị, khu dịch vụ đô thị để ổn định đời sống công nhân và gia đình công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nhiều nơi, quy hoạch bố trí xây dựng khu nhà ở cho người lao động gắn, kề với khu công nghiệp, khu nhà máy cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện về môi trường, cảnh quan, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đời sống cơ bản cho công nhân và gia đình công nhân.

 

Thực trạng này có một số nguyên nhân từ công tác quy hoạch, trong đó có nguyên nhân về cách tiếp cận lập quy hoạch. Trong quy hoạch cấp tỉnh, tiếp cận lập quy hoạch về bố trí phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp và bố trí phát triển đô thị còn thiếu đầy đủ, hợp lý với mối quan hệ khách quan giữa phát triển khu công nghiệp và phát triển đô thị hóa. Quan hệ giữa quy hoạch khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp (nói chung là khu công nghiệp) và quy hoạch đô thị trong quy hoạch tỉnh cần được xem xét và tiếp cận lập quy hoạch đầy đủ, phù hợp trên các mặt quan hệ cả về chiều ngang và chiều dọc.

 

Một số giải pháp nâng cao tính gắn kết thống nhất, phù hợp và bền vững giữa quy hoạch khu công nghiệp và quy hoạch đô thị trong quy hoạch tỉnh, cụ thể:      

  • Thứ nhất, đổi mới cách tiếp cận lập quy hoạch tỉnh, trong đó xây dựng phương án quy hoạch bố trí khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao và quy hoạch đô thị đặt trong mối quan hệ cả theo chiều ngang và chiều dọc.
 
  • Thứ hai, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quy hoạch bao gồm cả quy hoạch đô thị. Trong đó, phương án quy hoạch đô thị cần có nội dung quy hoạch bố trí khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao (nếu có); bố trí quy hoạch các khu nhà ở đô thị, khu dịch vụ đô thị cho khu công nghiệp, khu đô thị công nghiệp, quận công nghiệp, đô thị công nghiệp và đô thị chức năng chuyên ngành nghề khác (đô thị/khu đô thị cảng biển, đô thị cảng biển - công nghiệp…).
  • Thứ ba, phối kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các chuyên gia quy hoạch về phát triển công nghiệp, đô thị và trong những lĩnh vực quan trọng liên quan khác trong xây dựng phương án quy hoạch khu công nghiệp và quy hoạch đô thị. Phát huy tham gia của các hiệp hội ngành nghề trong góp ý, đánh giá thẩm định quy hoạch tỉnh và phương án quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch đô thị. Nâng cao chất lượng thẩm định quy hoạch, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí đánh giá thẩm định quy hoạch cụ thể, rõ ràng đối với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trong đó đưa vào tiêu chí đánh giá tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch phát triển khu công nghiệp.

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...