Điểm mới để phát triển bất động sản khu công nghiệp vùng ĐBSCL

Trong những năm gần đây, nhiều nhà phát triển bất động sản(BĐS) khu công nghiệp đã tìm đến Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) như một điểm đến đầu tư mới và nhiều tiềm năng để đầu tư những dự án quy mô lớn như SLP, VSIP,...

Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng ĐBSCL

 

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra.

Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ.

 

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch gồm: Vùng đất bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; vùng biển ven bờ của các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

 

Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh hỗ trợ việc chuyển đổi và phát triển của các ngành, các tiểu vùng, các địa phương trong vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

 

Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; làm cơ sở để xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

 
  • Nhóm 1, phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các tiểu vùng sinh thái: Giai đoạn đến 2030, cơ bản duy trì mô hình sản xuất hiện nay tại các địa phương; sau năm 2030, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo phân vùng sinh thái đã được xác định trong quy hoạch vùng, trong đó việc chuyển đổi chủ yếu diễn ra ở vùng sinh thái mặn-lợ và vùng chuyển tiếp ngọt-lợ.
 

Phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực. Giai đoạn đến 2025: Tập trung phát triển 08 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại khu vực có điều kiện thuận lợi về hạ tầng và nguồn nước bao gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistic ở Hậu Giang để bổ trợ cho thành phố Cần Thơ về thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng. Xây dựng 07 trung tâm đầu mối có chức năng chính về thu gom, phân loại, chế biến nông sản; giai đoạn đến 2030: Hoàn thiện xây dựng hệ thống các trung tâm đầu mối đã được xác định trong quy hoạch vùng gắn với tiến trình đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

 
  • Nhóm 2, phát triển khu vực đô thị - công nghiệp động lực. Phát triển hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại 04 hành lang phát triển và các khu vực động lực phát triển, trong đó chú trọng nâng cao tính tập trung và tăng mật độ; phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin; công nghiệp điện chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, hệ thống logistic, hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các đô thị có vai trò là trung tâm của vùng, tiểu vùng.
 

Chú trọng thu hút đầu tư phát triển sản phẩm chế biến xuất khẩu có tính cạnh tranh cao kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu nông lâm thủy sản vùng ĐBSCL.

 

Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo: Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất công nghiệp của các địa phương theo từng thời kỳ; Chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong vùng.

 
  • Nhóm 3, xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn. Từng bước xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế tại thành phố Cần Thơ và trung tâm chuyên ngành tại các đô thị: Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng.
 

Trong giai đoạn đến 2025, tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hạ tầng tại các khu vực tập trung dân cư các hành lang phát triển, khu vực phát triển động lực của vùng đảm bảo khả năng tiếp cận tốt đối với các dịch vụ thiết yếu; ưu tiên đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống cấp nước sạch hoặc nước thô tại các khu vực khó khăn về nguồn nước; xây dựng và triển khai Chương trình dự trữ nước ngọt chiến lược không chi cho vùng ĐBSCL mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ; xây dựng hệ thống hạ tầng phòng, chống thiên tai, bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030; bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển gắn với bảo vệ bờ biển.

 

Xây dựng và triển khai Chương trình phát triển thương hiệu du lịch ĐBSCL tầm cỡ quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển; phát triển du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử của vùng.

 

Xây dựng và triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển các hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh vùng ĐBSCL, trong đó chú trọng bảo vệ và phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng hay khu vực đa dạng sinh học cao.

 

Xây dựng và ban hành Chiến lược quản lý rủi ro lũ, ngập lụt vùng ĐBSCL đến năm 2100 để xác định các định hướng, giải pháp căn cơ, dài hạn cho vấn đề sụt lún, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó xác định mức độ phòng, chống ngập và cấp độ bảo vệ cho các khu vực khác nhau trên phạm vi toàn vùng.

Hiện thực hóa Quy hoạch vùng ĐBSCL

 

"Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới", những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới đã được thể hiện trong Quy hoạch, được tổ chức công bố rộng rãi, kêu gọi nguồn lực đầu tư xã hội cùng với ưu tiên bố trí vốn đầu tư công và yêu cầu liên kết vùng là quan trọng; nhưng quan trọng hơn vẫn là việc triển khai trong thực tế. Theo đó, 4 nhóm giải pháp cần thống nhất, triển khai đồng bộ, cụ thể:

Quan điểm phát triển vùng ĐBSCL. Nguồn: VnExpress. 

 
  • Một là, cơ chế, chính sách bảo đảm liên kết vùng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế điều phối vùng, tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng. Các cơ chế, chính sách tạo sự liên kết giữa các địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp, định vị lợi thế cạnh tranh. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của vùng.
 
  • Hai là, tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là vốn trong khối tư nhân; những việc, lĩnh vực mà tư nhân có thể thực hiện cần được tạo điều kiện cho tư nhân. Thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế. Với nguồn lực có hạn, việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm, lựa chọn khâu đột phá, khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Cần nghiên cứu, huy động nguồn lực triển khai chương trình hỗ trợ cấp vùng cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nông thôn.
 
  • Ba là, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch; đầu tư và phát triển hạ tầng theo Quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ, giải quyết các "điểm nghẽn" phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải, thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với Quy hoạch vùng được phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng phải bảo đảm thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý.
 
  • Bốn là, nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và khoa học, công nghệ cần được xem là chìa khóa thành công trong phát triển vùng. Theo đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng và tăng cường đào tạo, thu hút số lao động trẻ có trình độ chuyên môn, tay nghề, trên cơ sở gắn kết hoạt động của các trung tâm đầu mối với hệ thống các viện nghiên cứu và trường đại học trong vùng cũng như ngoài vùng, cả các tổ chức quốc tế và các quỹ có quan tâm và ưu tiên đầu tư cho vùng.
 

Tầm nhìn dài hạn, mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng đất an toàn, trù phú, thịnh vượng trong tương lai đến nhanh hay chậm đang đòi hỏi những nỗ lực vượt qua các thách thức, tận dụng thời cơ, hành động đột phá và không hối tiếc. Diện mạo tương lai đồng bằng đã được định hình rõ, cần những gam màu sáng bằng tư duy, cách tiếp cận và hành động thực tế.

Khơi dậy tiềm năng thị trường BĐS Tây Nam Bộ

 

ĐBSCL có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đây là một trong những đồng bằng lớn và màu mỡ nhất Đông Nam Á và được đánh giá là một vùng đất hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi từ thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển không chỉ nông nghiệp, thủy hải sản, mà còn giữ vai trò then chốt về phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các tỉnh thành lớn trong khu vực cũng đang trở thành điểm đến lý tưởng và được ưa chuộng của các nhà đầu tư BĐS.

 

Đặc biệt, khu vực ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển về hạ tầng, khi Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất triển khai 7 dự án tuyến đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025, như: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc 2 Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu… Như vậy ngoài trục cao tốc Bắc - Nam, các dự án hạ tầng giao thông trong khu vực cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa tại các tỉnh thành miền Tây và tạo cơ hội thu hút đầu tư BĐS vào khu vực này.

 

Thị trường BĐS ĐBSCL có thu hút được nhà đầu tư và khởi sắc hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc khu vực này có cung cấp được đầy đủ các nhu cầu và đảm bảo được công việc cho người dân sinh sống.

 

Dự báo các thị trường BĐS nông nghiệp, du lịch và nhà ở sẽ là những điểm sáng trước mắt tại ĐBSCL khi mà nền kinh tế của khu vực tiếp tục tăng trưởng tốt và mạng lưới giao thông ngày càng cải thiện. Còn với BĐS thương mại và văn phòng thì sẽ cần thêm một thời gian nữa để đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...