Hậu Giang tập trung phát triển hạ tầng giao thông
Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh Hậu Giang đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường liên tỉnh, nội tỉnh được đầu tư, mở rộng, hình thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, tạo nền tảng, động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực.
1. Hậu Giang Ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn
Ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn; đồng thời ưu tiên hạ tầng kỹ thuật đô thị tại bốn vùng kinh tế - xã hội động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cận cảnh công trường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.
Nội dung nêu trên được nhấn mạnh tại Quyết định số 556/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 22/6/2024.
Quyết định nêu rõ về việc triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh. Theo đó, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là: Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản của cấp có thẩm quyền liên quan về đầu tư công; hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics trên địa bàn huyện Châu Thành và Châu Thành A, các dự án theo hai hành lang kinh tế là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại bốn vùng kinh tế - xã hội động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ số; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; thương mại, các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực phúc lợi xã hội khác.
Tăng cường hợp tác công - tư (PPP) trên cơ sở cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); xây dựng chính sách đột phá để phát triển hạ tầng chiến lược, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp FDI; thúc đẩy liên kết ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích đất sử dụng, hướng tuyến, cơ cấu tổng mức đầu tư, nguồn vốn thực hiện và các thông tin chi tiết của dự án sẽ được cụ thể hóa trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, hoặc trong giai đoạn lập, thẩm định, chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các chương trình, dự án.
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, Quyết định nêu rõ, triển khai các giải pháp huy động vốn trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt các nguồn lực của xã hội.
UBND tỉnh Hậu Giang chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu trong hồ sơ trình phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức công bố, tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi tới nhân dân, các cơ quan, tổ chức liên quan, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch, tạo đồng thuận và điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Hậu Giang.
Trước đó, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 08/12/2023.
2. Hậu Giang khởi công gói thầu hơn 2.800 tỷ đồng của dự án cao tốc
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hậu Giang tổ chức lễ khởi công gói thầu xây lắp số 2 của Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Đại diện Sở GTVT Hậu Giang cho biết Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang (dự án thành phần 3) dài gần 37 km, tổng mức đầu tư 9.601 tỷ đồng.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vào cuối năm 2025. Nguồn: Cafe F
Điểm đầu dự án tại ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, điểm cuối dự án tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp. Quy mô 4 làn xe, rộng 17 m, toàn tuyến có 24 cầu được thiết kế với tải trọng cao nhất trong hệ thống tải trọng cầu hiện nay.
Dự án có 3 nút giao liên thông để kết nối với mạng lưới hạ tầng giao thông của tỉnh, gồm nút giao với Quốc lộ 61C tại xã Tân Hòa, nút giao với cao tốc Cần Thơ – Cà Mau tại xã Bình Thành và nút giao với đường tỉnh 927 tại thị trấn Cây Dương.
Dự án thành phần 3 chia thành 2 gói thầu xây lắp. Gói thầu xây lắp số 1 (Km94+400 - Km113+200) đã khởi công vào ngày 17/6, giá trị gói thầu 3.479 tỷ đồng, thời gian thi công hoàn thành gói thầu trong 46 tháng. Hiện nhà thầu đã triển khai các hạng mục như đào đất hữu cơ, thi công đường công vụ, tập kết máy móc thiết bị vào công trường, đang tập trung thi công các cầu…
Gói thầu xây lắp số 2 (Km 113+200 - Km 131+082) khởi công hôm nay cũng đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, giá trị gói thầu 2.812 tỷ đồng, thời gian thi công hoàn thành gói thầu trong 46 tháng.
Đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được 1.130/1.150 hộ bị ảnh hưởng, 1.018 hộ đã bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 250ha/260ha, đạt tỷ lệ hơn 96%.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết đây là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên giao tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản, nên trong tổ chức thực hiện cũng gặp những khó khăn thách thức nhất định. Nhưng với quyết tâm chính trị, với tinh thần quyết liệt, không ngại khó, không ngại khổ, tỉnh đã nỗ lực để thực hiện hoàn thành vượt tiến độ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các sở, ban ngành, địa phương và kêu gọi nhân dân có dự án đi qua tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà thầu thực hiện thi công dự án, sớm đưa dự án vào khai thác.