Hạ tầng quyết định sự thịnh vượng của vùng ĐBSCL

Về công tác quy hoạch, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và 5 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp nước, quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn; quy hoạch thoát nước; các định hướng chiến lược, chương trình phát triển đô thị. Các địa phương cũng đã ban hành 26 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở cho phát triển đô thị, đầu tư xây dựng, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Hai mảnh ghép khơi thông hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL

 

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 vừa được khánh thành là hai mảnh ghép hoàn thiện tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL, mở ra không gian phát triển mới và thu hút đầu tư vào khu vực này.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được lưu thông. Nguồn: Báo Thanh Niên.

 

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước nhưng lại chưa phát triển tương xứng lợi thế do nhiều nguyên nhân, mà trong đó điểm nghẽn hạ tầng đang phần nào kìm hãm sự phát triển của vùng đất “chín rồng” giàu tiềm năng này.

 

Ngày 24/12 vừa qua, việc khánh thành hai dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, đã góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục dọc của khu vực, mở ra không gian phát triển mới, thu hút đầu tư vào các dự án và giảm chi phí logistics, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây.

 

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài tuyến 23km.

 

Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, có điểm đầu tại km 107 + 363, thuộc phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối tại km 130+337, thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kết nối với quốc lộ 1 tại nút giao Chà Và, Vĩnh Long.

 

Giai đoạn 1 cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 04/01/2021 và vừa được thông xe ngày 24/12/2023.

 

Tuyến cao tốc này cùng với cầu Mỹ Thuận 2 khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn hơn 50 km quãng đường di chuyển từ Cần Thơ - TP HCM.

 

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt với tổng mức đầu tư là 5.003 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

 

Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP HCM đi TP Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, bắc qua sông Tiền, nối liền tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang.

 

Đây là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61 km, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu.

 

Cầu Mỹ Thuận 2 còn là cây cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thực hiện từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công, dự án được khởi công ngày 16/3/2020 và hoàn thành vào ngày 24/12/2023.

 

Với cây cầu này, Tết Nguyên đán năm nay, người dân di chuyển theo hướng từ TP HCM về Cần Thơ sẽ thuận lợi, thông thoáng hơn thay vì phải chen chúc trên cầu Mỹ Thuận cũ như mọi năm.

 

Cùng với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành có ý nghĩa quan trọng khi kết nối đồng bộ tuyến cao tốc từ TP HCM đến TP Cần Thơ dài hơn 120km, hoàn chỉnh tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP HCM - Cần Thơ xuống còn hơn 2 giờ thay vì hơn 3,5 giờ như hiện nay, công trình cũng góp phần giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1.

 

Hai dự án này còn góp phần hoàn chỉnh tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và TP Cần Thơ nói riêng.

 

Khẳng định tầm quan trọng của các dự án tại lễ khởi công, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, hai dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, thành trong vùng với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP HCM.

 

Đối với tỉnh Vĩnh Long, các dự án khi đưa vào khai thác sẽ giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh, giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ TP HCM về tỉnh Vĩnh Long. Hai dự án còn giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư.

Hướng tới tương lai thịnh vượng

 

Đầu tư cao tốc là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ trương ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng, tạo sức lan tỏa, dư địa phát triển đột phá cho ĐBSCL trong những năm tới.

Những mảnh ghép hạ tầng giao thông đang được hoàn thiện, tạo các trục dọc kết nối TP HCM với ĐBSCL và các trục ngang kết nối nội vùng. Nguồn: Báo đấu thầu.

 

Nhân dịp khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ông Nguyễn Duy Lân - Thứ trưởng Bộ GTVT phát biểu: Hệ thống đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL đã hoạch định đến năm 2050 có 1.188 km, phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 3 trục dọc và 3 trục ngang. Trong đó, đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km. Hiện nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 90 km, đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458 km. Dự kiến, đến năm 2025, ĐBSCL có khoảng 548 km đường bộ cao tốc.

 

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP.HCM - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh”. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

 

Trong bức tranh quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các địa phương tại ĐBSCL, phần không thể thiếu là nội dung hoạch định, tổ chức không gian kinh tế để phát huy tốt nhất lợi thế các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc, cầu, cảng biển mang lại. Trong nhiều dịp trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, lãnh đạo các tỉnh, thành như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng đều đánh giá cao những đổi thay của hệ thống hạ tầng giao thông ĐBSCL và khẳng định các công trình giao thông lớn sẽ mang lại sự phát triển đột phá, vươn tới thịnh vượng cho vùng trong giai đoạn tới.

 

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Trước mắt, Tỉnh quy hoạch không gian phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch... gắn với trục đường kết nối trực tiếp với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đến năm 2030, tầm nhìn 2050, An Giang sẽ hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đô thị bám sát trục cao tốc, khai thác tối đa lợi thế hạ tầng nhằm tạo đột phá mới về phát triển kinh tế. Kỳ vọng cao tốc sẽ gỡ thế chia cắt vì nằm sâu trong nội vùng, khai phóng các dư địa để phát triển đột phá, tăng nhanh quy mô kinh tế”.


Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá: Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm hình thành tạo nền tảng tái cơ cấu không gian phát triển kinh tế, kết nối liên thông giữa các đô thị, các cực tăng trưởng vùng ĐBSCL. Tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm đến khu vực đường dẫn cuối tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với cảng biển Trần Đề, cảng cửa ngõ vùng Tây Nam Bộ. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu bảo đảm liên kết vùng và kết nối với tuyến cao tốc tại khu vực cảng Trần Đề. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển là đô thị, công nghiệp, dịch vụ logistics, môi trường… Đặc biệt, Tỉnh sẽ sớm hoàn thành các thủ tục để kêu gọi đầu tư vào cảng biển nước sâu Trần Đề.

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...