Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Sóc Trăng
Sóc Trăng có vị trí kinh tế quan trọng trong vùng duyên hải phía Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics, công nghiệp, năng lượng và du lịch… Phát huy những lợi thế sẵn có, cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Sóc Trăng đang tập trung các nguồn lực thu hút đầu tư, trong đó có dự án Cảng biển Trần Đề.
Sóc Trăng khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế vị trí chiến lược của vùng ĐBSCL
Sóc Trăng thuộc vùng hạ lưu sông Mekong, nằm trong vành đai kinh tế ven biển với hơn 72 km, có các cửa sông chính ra biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng có vị trí địa kinh tế quan trọng trong vùng duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL.
Đến năm 2030 Sóc Trăng sẽ là một tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL. Nguồn: Báo Sóc Trăng.
Sóc Trăng tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế gồm công nghiệp chế biến, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ - du lịch và khai thác các ngành kinh tế tiềm năng khác như năng lượng, cảng biển, logistics, đô thị, chuyển đổi số,...
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm phát triển của tỉnh là khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của Vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển cảng Trần Đề trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của ĐBSCL
Vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chưa phát triển đồng đều và thiếu mối liên kết giữa các phương thức vận tải; quy mô và năng lực vận tải đường thủy còn thấp; chưa có cảng đầu mối và các trung tâm logistics lớn.
Hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP.HCM, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa; đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.
Thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, quyết sách tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng, kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm nghẽn” bấy lâu nay của Vùng.
Trong đó, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ Vùng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng.
Với những định hướng và chủ trương nêu trên, đã khẳng định các cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để hình thành Cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL, là “mảnh ghép” hoàn hảo, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Phát triển kinh tế biển theo hướng đa dạng
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển như: khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đê biển, cảng biển… trên địa bàn tỉnh.
Sóc Trăng định hướng đầu tư cảng biển Trần Đề. Nguồn: Báo Tuổi trẻ.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Theo đó, trong giai đoạn 2020- 2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ ưu tiên hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý như: xác định ranh giới quản lý trên biển với các tỉnh lân cận đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về biển, đảo trên địa bàn tỉnh hiệu lực, hiệu quả, tránh các hành vi chồng lấn, tranh chấp trên biển; đồng thời, rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ chuyển đổi các mô hình nuôi thuỷ sản nhỏ lẻ công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp sang nuôi thuỷ sản công nghiệp có quy mô lớn; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ sang đánh bắt xa bờ; rà soát, điều chỉnh và phát triển các khu - cụm công nghiệp ven biển đảm bảo thuận lợi giao thông thủy bộ. Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch biển thông qua các tuyến du lịch Sóc Trăng - Côn Đảo; Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo.
Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, nâng cao năng lực cán bộ quản lý biển, hải đảo đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo tại địa phương.