Hạ tầng hoàn thiện: “Chìa khóa” giúp bất động sản ĐBSCL tăng giá
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sở hữu tiềm năng du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, logistics, công nghiệp,... nên cần hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế, gắn kết với liên kết vùng miền.
Cao tốc góp phần hoàn thiện bức tranh công nghiệp tại ĐBSCL
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.
Triển vọng đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế ĐBSCL. Nguồn: Tạp chí Công thương.
Trong nửa đầu năm 2023, tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 188 km, là một phần của đường cao tốc Bắc - Nam đã được khởi công. Chuyên gia cho rằng một khi mạng lưới này được đồng bộ và đi vào hoạt động, khu vực ĐBSCL sẽ có sự thay đổi lớn về diện mạo đô thị cũng như tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, một trong những điểm mạnh của khu vực là giao thông đường thủy. Nếu được tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy, các cụm cảng để kết nối với hệ thống cảng Quốc gia sẽ là điểm mạnh giúp tăng cường lợi thế về logistic, sản xuất và vận tải biển, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư.
Đồng thời năm 2023 vừa qua, lĩnh vực công nghiệp vùng ĐBSCL ghi nhận nhiều dự án tiêu biểu xuất hiện, trong đó có thể kể đến dự án trọng điểm Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) với quy mô 293,7 ha do Công ty VSIP làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.717,9 tỷ đồng.
Thành phố Cần Thơ đã triển khai 2 tuyến đường dẫn vào KCN gồm tuyến đường nối từ quốc lộ 80 vào KCN Vĩnh Thạnh, tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng, tuyến đường nối từ đường dẫn cầu Vàm Cống vào KCN Vĩnh Thạnh với tổng mức đầu tư 384,61 tỷ đồng.
Do đó, cơ sở hạ tầng logistics giúp kết nối cung cầu, kích cầu hàng hóa, phát triển thương mại. Phát triển hạ tầng logitiscs sẽ giúp các doanh nghiệp rút ngắn và tăng hiệu quả từ khâu đầu vào nguyên liệu đến sản xuất và phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng. Hạ tầng logistics giúp cung ứng sản phẩm nhanh, kịp thời, tạo ra các tiện ích về thời gian, địa điểm cung ứng hàng hóa. Hạ tầng logistics cũng giúp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp, từ đó doanh thu và lợi nhuận tăng lên, góp phần vào phát triển doanh nghiệp nói riêng cũng như phát triển kinh tế của đất nước nói chung.
Bức tranh giao thông ĐBSCL gần đây đã tạo ra được các điểm sáng với hệ thống đường bộ, cầu vượt sông lớn, cụm cảng và luồng, các sân bay trong vùng được đầu tư. Trong 5 - 10 năm nữa, khi hạ tầng giao thông có sự thay đổi lớn thì kinh tế - xã hội của các địa phương vùng ĐBSCL từ đó cũng được phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư từ lâu đã nghiên cứu vùng đất màu mỡ này.
Thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng trong thời gian tới, đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước, cần cụ thể hóa Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị.
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người; nhân dân có mức sống cao; bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo.
Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quan điểm phát triển ĐBSCL. Trong đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW có kết quả, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần xác định, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm phát triển địa phương nhanh và bền vững. Đặc biệt, xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics là giải pháp đột phá đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tích hợp, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ, dựa trên hệ sinh thái, phù hợp quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL.
Phát huy tốt vai trò thành viên trong vùng ĐBSCL, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động liên kết vùng nhằm góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương. Đưa liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.
Đón đầu cơ sở hạ tầng mới và cơ hội cho thị trường bất động sản miền Tây
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn bùng nổ và đa dạng các dòng sản phẩm. Các BĐS tăng giá đột biến và mang lại nhiều khoản đầu tư sinh lời cho nhiều nhà đầu tư, nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng thị trường BĐS miền Tây (khu vực ĐBSCL) lại là một mảnh ghép tương đối khác biệt so với các thị trường BĐS còn lại.
Giá BĐS miền Tây ăn theo hạ tầng. Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi Trường.
Trước đây, việc kết nối và giao thương của các địa phương tại miền Tây cũng gặp nhiều khó khăn vì các tuyến giao thông lớn chưa rút ngắn được thời gian di chuyển và sự thuận tiện trong giao thương. Từ đó, chưa thu hút được các nhà đầu tư ở các khu vực trọng điểm giao thương về đầu tư tại miền Tây, bởi thị trường chỉ tập trung được ở các BĐS ở vị trí lõi của từng vùng, từng địa phương (trung tâm thành phố, trung tâm thị trấn, huyện…).
Tuy nhiên, hiện nay, với việc đưa vào xây dựng và khai thác các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng thì sẽ có nhiều không gian mới phát triển, đặc biệt các BĐS ở các vị trí kết nối mới, nhằm phát triển kinh doanh buôn bán và dịch vụ. Đồng thời các BĐS khu công nghiệp, BĐS phục vụ logistics, kho bãi… sẽ được tăng cường mở rộng, không chỉ giải quyết thêm công việc của địa phương mà còn gia tăng giá trị sử dụng đất.
BĐS sẽ không tập trung ở một vài địa phương trọng điểm mà sẽ được mở rộng theo các không gian mới và cụm công nghiệp, cụm hạ tầng mới, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư tư đón đầu.
Thời gian tới với hàng loạt các cú hích về đầu tư cơ sở hạ tầng từ các tuyến cao tốc chính, lớn, cải tạo mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch, chắc chắn đây sẽ là điểm nhấn đáng giá, và là cơ hội lớn cho BĐS tại miền Tây.
Thay vì trước đây các nhà đầu tư địa phương sẽ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong việc đầu tư, nắm giữ các BĐS thì khi kết nối giao thông, hạ tầng mới sẽ tạo nhiều cơ hội mới, khu đô thị mới cho các nhà đầu tư ở TP. Cần Thơ hay các địa phương khác đầu tư vào khu vực miền Tây, các khu vực là nút giao mới cho các kết nối giao thông. Đặc biệt mạng lưới cao tốc mới là mạng lưới giúp kết nối đa trục, vươn tới các trọng điểm kinh tế của khu vực miền Tây.
Hiện nay các nhà đầu tư lớn, uy tín cũng đã đầu tư tại thị trường miền Tây như: VinGroup, T&T Group, Hưng Phát, DIC Group… đều có các khu đô thị tại miền Tây, tuy nhiên quy mô và sản phẩm còn nhỏ, thêm nữa mới chủ yếu tập trung các sản phẩm đất nền, hoặc nhà phố xây sẵn ở quy mô nhỏ do đó chưa tạo ra các khu đô thị mới có sức sống và khai thác hoạt động tốt. Do đó, khi các cơ sở hạ tầng thiết yếu được mở rộng và nâng cấp mạnh mẽ sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm trên chính khu vực miền Tây, giúp giữ chân người lao động và hạn chế được việc di dân tìm công việc ở các khu vực khác, từ đó tạo nên nhu cầu nhà ở mới cấp thiết hơn.