Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vùng kinh tế hấp dẫn trong thời gian tới

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW có kết quả, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần xác định, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm phát triển địa phương nhanh và bền vững. Đặc biệt, xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics là giải pháp đột phá đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

Thúc đẩy ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững

 

Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022 vừa qua, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục mở ra diện mạo vùng kinh tế - xã hội ĐBSCL trong tương lai, với phương châm phát triển hài hòa, thuận thiên, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành “vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người; nhân dân có mức sống cao; bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường”. 

ĐBSCL đang là điểm sáng về hút vốn FDI. Nguồn: Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ cũng như các tỉnh, thành phố của vùng cần hoàn thiện và đồng bộ trong tổ chức thực thi hiệu quả hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL với năm mục tiêu, cụ thể:

 
  • Một là, bên cạnh giữ đất, giữ nước và bảo vệ môi trường cho vùng, các cơ quan có thẩm quyền cần chú trọng các giải pháp, chính sách để “giữ người”. Trong hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL, ngoài việc quan tâm xác định tầm nhìn dài hạn, mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cần quan tâm đồng bộ ba nhóm chính sách: 
  • 1- Nhóm chính sách hướng đến mục tiêu giữ “người”; 
  • 2- Nhóm chính sách hướng tới mục tiêu giữ “đất”, giữ “nước”; 
  • 3- Nhóm chính sách nhằm bảo vệ môi trường. 
 

Trong đó, nhóm chính sách giữ “người” cần được xác định là nhóm chính sách trọng tâm, hướng tới xây dựng những lớp người sinh ra và lớn lên từ vùng đất này, được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ để chung sống ổn định, phát triển với quê hương. Họ chính là nhân tố quyết định hiệu quả trong thực thi hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, cần đồng bộ trong xây dựng và thực hiện hệ thống các giải pháp công trình, phi công trình để giữ đất, giữ nước và bảo vệ môi trường cho vùng.

 
  • Hai là, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học để dự báo và xây dựng các kịch bản khả thi cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu toàn diện, dự báo chính xác các vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong những thập niên tiếp theo. Trên cơ sở đó, xây dựng các kịch bản khả thi, hiệu quả cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong từng giai đoạn. Hoàn thiện các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học hướng đến hóa giải thách thức và giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội; trong bảo vệ các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất và nước của vùng; trong thích ứng với những tác động tiêu cực ngày càng đa dạng và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Hoàn thiện các chính sách thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng. Đặc biệt ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, lai tạo các vật nuôi, cây trồng thích ứng với điều kiện của vùng ĐBSCL trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
 
  • Ba là, quan tâm phát triển giáo dục. Trên cơ sở quan điểm của Đảng về giáo dục: “Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng...”. Phát triển nhanh và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung một số giải pháp cơ bản: 
 
  • 1- Nghiên cứu, quy hoạch nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển và định hướng phát triển vùng ĐBSCL. 
  • 2- Quy hoạch, tổ chức lại hệ thống giáo dục của vùng phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên phát triển giáo dục phổ thông (bảo đảm phổ cập giáo dục), tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học hướng đến xây dựng đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu phát triển vùng theo định hướng phát triển (tránh lãng phí nguồn lực trong đào tạo, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong nguồn nhân lực của vùng). 
  • 3- Gắn kết Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong dự báo, phát triển chương trình đào tạo và đào tạo nguồn nhân lực cho vùng. 
  • 4- Thí điểm thực hiện và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi giáo dục cho người học trong vùng.
  • 5- Xây dựng và thực hiện chính sách đột phá, ưu tiên trong xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, giáo viên nghề nghiệp, giảng viên đại học là người địa phương để làm động lực phát triển giáo dục của vùng. 
  • 6- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, các giải pháp thông minh trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
  • 7- Phát huy vai trò của nhà trường và đội ngũ nhà giáo trong phát triển giáo dục…
 
  • Bốn là, xác định mô hình phát triển bền vững kinh tế và phát huy hiệu quả các nguồn lực, thế mạnh để phát triển. Trước hết, các cơ quan hữu quan cần tổ chức hoạt động nghiên cứu, tham vấn rộng rãi để xác định mô hình phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế của vùng ĐBSCL trong những thập niên tiếp theo. Các hoạt động này cần được thực hiện nghiêm túc để nhận diện chính xác, toàn diện cơ hội, tiềm năng cũng như rủi ro, thách thức của vùng, đồng thời lan tỏa, tạo sự đồng thuận của các bên liên quan trong phát triển bền vững kinh tế vùng ĐBSCL. 
 

Nên chăng, mô hình phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL trong thời gian tới cần nhất quán hướng đến tạo lập một khối thống nhất toàn vùng phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững, gắn kết với thị trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Mô hình này đòi hỏi từng địa phương phải xác định lại vai trò của mình trong khối liên kết thống nhất toàn vùng, đồng thời điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển của địa phương cho phù hợp. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần quan tâm chuyển đổi số mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và quảng bá, kết nối, phát triển thị trường trong và ngoài nước.

 
  • Năm là, tạo lập cơ chế điều phối, liên kết vùng hiệu quả. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025. Liên kết vùng ĐBSCL cần hướng tới phát huy vai trò điều phối trong phạm vi toàn vùng ĐBSCL, qua đó xác định cụ thể vai trò, nhiệm vụ của từng địa phương trong mô hình phát triển kinh tế bền vững của vùng ĐBSCL; giảm thiểu tác động tiêu cực giữa các địa phương trong quá trình phát triển. Đồng thời, tăng liên kết vùng giữa vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và khu vực, quốc tế.

Thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh ở ĐBSCL

 

Các chuyên gia khẳng định, phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh ĐBSCL là định hướng đúng đắn. Các địa phương cần phải thay đổi tư duy, nhận thức trong xã hội, cần có cơ chế, chính sách đánh giá đúng tiềm năng thế mạnh về kinh tế ban đêm của từng địa phương.

 

Ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, ĐBSCL là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng... với những nét văn hóa đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo, đem lại nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước.

 

Kinh tế ban đêm được coi là hoạt động không thể tách rời trong đời sống xã hội, gắn kết với du lịch và văn hóa văn nghệ, ẩm thực, trải nghiệm, tham quan... được diễn ra trong khoảng thời gian từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau. Mặc dù vậy, kinh tế ban đêm của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng mới ở bước đầu phát triển. Các sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại hầu hết địa phương tại vùng ĐBSCL chưa có sự đa dạng, chủ yếu là ăn uống, các hoạt động văn hóa nghệ thuật còn chưa nhiều.

 

Các chợ đêm hay các khu phố đêm của một số địa phương chưa thực sự ấn tượng; nhiều dịch vụ văn hóa nghệ thuật, giải trí chưa tạo được nhiều cơ hội để khách trải nghiệm; các hoạt động, các dịch vụ ban đêm hầu hết có quy mô trung bình và nhỏ…

 

Các địa phương vùng ĐBSCL chưa có cơ quan hay bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trong khi đây là một mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường…

 

Đối với chế chính sách, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển du lịch cho rằng, Việt Nam đã có cơ chế chính sách chung về kinh tế đêm, các chính sách này mang tính dài hạn nhằm phát triển kinh tế ban đêm trong nước được lồng ghép trong các luật, nghị quyết, chiến lược phát triển…

 

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 18/6/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó một trong những giải pháp được đưa ra là phát triển kinh tế ban đêm dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL.

 

Đây có thể coi là văn bản rõ ràng nhất đối với định hướng về phát triển kinh tế ban đêm hay dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, quyết định được phê duyệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, nên một phần triển khai trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

 

Như vậy, các cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển kinh tế đêm phần nào đã được thể hiện trong khung pháp lý chung. Tuy nhiên, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, muốn phát triển kinh tế ban đêm đều phải triển khai các chính sách khuyến khích. Còn Việt Nam, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích riêng nào, chưa tạo được ưu thế khác biệt trong giai đoạn đầu cần đẩy mạnh phát triển.

 

Hiện nay, cơ chế chính sách tài chính cho phát triển kinh tế ban đêm là bài toán cần tháo gỡ. Chính sách về thuế, phí chưa có sự phân biệt cho phát triển kinh tế ban ngày và ban đêm, vì chi phí cho phát triển kinh tế ban đêm thường cao hơn ban ngày.

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã chỉ ra những thách thức và rào cản trong phát triển kinh tế ban đêm ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Đồng thời cũng nêu một số đề xuất, đó là: Cần phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp về tài chính, đất đai, về năng lượng, công nghệ thông tin; Cần lựa chọn những điểm nhấn riêng biệt, những loại hình văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc của từng địa phương để phát triển kinh tế ban đêm; Cần xây dựng các cơ chế giám sát, đảm bảo tốt an ninh trật tự cho các điểm kinh tế ban đêm, nhất là những phát sinh vấn đề nhạy cảm, văn hóa đồi trụy, mại dâm, ma túy, tội phạm...

Đồng thời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, so sánh phát triển kinh tế ban đêm của một số quốc gia trên thế giới, các đại biểu đã thảo luận, chỉ rõ thực trạng những vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp, kiến nghị về thay đổi bổ sung cơ chế, chính sách dành cho sự phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh vùng ĐBSCL thời gian tới...


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...