Thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế - xã hội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Song thời gian qua, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng. Để phát huy tốt hơn nội lực của vùng, hiện thực hóa mục tiêu đưa ĐBSCL trở thành vùng phát triển hiện đại, nhanh và bền vững thì các địa phương trong vùng cần từng bước hoàn thiện, đồng bộ hệ thống chính sách hướng đến mục tiêu phát triển chung của vùng.

Phát huy hiệu quả các tiềm năng tự nhiên

 

ĐBSCL với diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn ha. Trong đó 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Phần lớn diện tích đồng bằng được bồi đắp phù sa hằng năm, rất màu mỡ, nhất là dải đất phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu. ĐBSCL cũng có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước cho sản xuất lúa.

Khơi dậy tiềm năng phát triển của ĐBSCL. Nguồn: Tạp chí Tài chính.

 

Với những lợi thế sẵn có về tự nhiên, ĐBSCL đã phát huy lợi thế trở thành vựa lúa số một cả nước khi đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới của Việt Nam; phát triển được giống gạo ngon được thế giới công nhận; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư nông thôn của vùng.

 

Bên cạnh việc phát triển lúa gạo, ĐBSCL cũng chiếm 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây của cả nước. Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, logistics và năng lượng tái tạo.

 

Để phát huy những tiềm năng sẵn có của địa phương, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã đưa nhiều kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy được những tiềm năng sẵn có nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu đang tác động xấu đến vùng ĐBSCL.

 

Xây dựng đề án nông thôn mới cho ĐBSCL cùng tiêu chí đặc thù với các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã, huyện. Nếu làm tốt sẽ là nền tảng để trong tương lai ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn trước thiên tai.

 

Tiếp đó, ngày 2/4/ vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

 

Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quan điểm phát triển ĐBSCL. Trong đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.

 

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW có kết quả, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần xác định, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm phát triển địa phương nhanh và bền vững. Đặc biệt, xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics là giải pháp đột phá đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

 

Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tích hợp, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ, dựa trên hệ sinh thái, phù hợp quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL.

 

Phát huy tốt vai trò thành viên trong vùng ĐBSCL, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động liên kết vùng nhằm góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương. Đưa liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.

5 nhiệm vụ phát triển bền vững ĐBSCL

 

Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao.

 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt 75 - 80%; tỷ lệ nghèo giảm 1,5 - 2%/năm. Cơ sở giáo dục đạt chuẩn: 75% mầm non, 70% tiểu học, 80% trung học cơ sở, 90% trung học phổ thông. Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 7,5%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 98 - 100%, ở nông thôn đạt 70%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại từ đô thị và công nghiệp đạt 100%.

 

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trước hết, cần quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 

Bên cạnh đó, tập trung, thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

 

Cụ thể, hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng giai đoạn 2020 - 2025, chủ động tham mưu, đề xuất với Thủ tướng về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng, có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào một số nhiệm vụ. Cụ thể:

 
  • Thứ nhất: Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  • Thứ hai: Danh mục các chương trình, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng
  • Thứ ba: Phương án huy động nguồn lực, phương án phân bổ vốn đầu tư đối với vùng ĐBSCL; kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm đối với các dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng ĐBSCL
  • Thứ tư: Huy động các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế khác cho hoạt động liên kết vùng
  • Thứ năm: Tham gia có hiệu quả các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác Mê Công, ASEAN, các định chế quốc tế khác và với các nước liên quan.
 

Phát triển đô thị theo hướng “3 thành” tại Hậu Giang

 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch này, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Đô thị Hậu Giang phát triển tập trung “3 thành” – Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ.

Hậu Giang đẩy mạnh phát triển đô thị lớn. Nguồn: Môi trường và đô thị.

 

Đến năm 2030, tỉnh có khoảng 19 đô thị, trong đó: 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV, 14 đô thị loại V. Thành lập 02 thị xã từ huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A; với 04 đô thị là trung tâm tổng hợp, chuyên ngành cấp tỉnh, cụ thể:

 
  • Thành phố Vị Thanh là đô thị loại II, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh. Tổ chức không gian đô thị dọc theo hai bên tuyến kênh Xáng Xà No; kết nối với thành phố Cần Thơ và các đô thị theo mạng lưới giao thông.
 
  • Thành phố Ngã Bảy là đô thị loại III, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; là cực phát triển phía Đông của tỉnh Hậu Giang.
 
  • Thị xã Long Mỹ là đô thị loại III, đầu mối trung chuyển, chế biến nông sản công nghệ cao; kết nối với tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau theo Quốc lộ 61B và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; phát triển du lịch sinh thái và văn hóa, lịch sử. Thị xã Châu Thành là đô thị loại IV, phát triển đô thị công nghiệp, trung tâm kinh tế và khoa học công nghệ của tỉnh.
 

Theo Quy hoạch, ba trung tâm đô thị (Ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Mở rộng, nâng cấp các đô thị, phát triển đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gắn với công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chuẩn đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ trở thành các đô thị trung tâm, hiện đại, hỗ trợ các hoạt động thương mại, dịch vụ và các đô thị vệ tinh phát triển.

 

Phương án tổ chức phát triển kinh tế - xã hội theo 04 vùng, cụ thể: 

 
  • Vùng Trung tâm gồm thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, trong đó thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: Đô thị, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
  • Vùng Đô thị - Công nghiệp gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: Công nghiệp, đô thị, logistics và du lịch.
  • Vùng Công nghiệp - Du lịch sinh thái gồm thành phố Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: Công nghiệp, đô thị, du lịch và nông nghiệp sinh thái.
  • Vùng Đô thị - Nông nghiệp sinh thái gồm thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. Tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội: Phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đô thị và du lịch.

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...