Triển khai rà soát các bất cập của hệ thống Luật đất đai

 

Tại văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 6227/VPCP-NN ngày 20/9/2022, ông Lê Văn Thành - Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp với các Bộ, ban, ngành ở địa phương rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến hệ thống thông tin đất đai đã được ban hành kể từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.

Tồn tại nhiều bất cập trong quản lý đất đai

 

Trong nhiều năm trở lại đây, đất nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Chính bởi vì thế mà các nhu cầu, về việc sử dụng đất cũng ngày càng tăng cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ đòi hỏi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải xây dựng hệ thống thông tin đất đai để quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất. 

Nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Sưu tầm.

 

Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai có những vai trò quan trọng, đối với hoạt động quản lý đất đai của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể sử dụng đất, thông qua hệ thống thông tin đất đai các cá nhân, tổ chức cũng dễ dàng nắm bắt được các thông tin về đất, nhanh chóng phát hiện sai sót và sửa đổi.

 

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

 

Ông Lê Văn Thành - Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi Trường rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý Nhà nước.

 

Dựa trên cơ sở đó, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các bất cập này trước khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành, có hiệu lực thi hành.

 

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong những năm qua, ngành Quản lý đất đai đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.

 

Cơ sở dữ liệu đất đai là tài sản của Nhà nước phải được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ, nghiêm cấm mọi hành vi truy cập trái phép, phá hoại, làm sai lệch thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai.

 

Để đáp ứng yêu cầu của đầu tư phát triển, việc chuyển dịch đất đai từ việc sử dụng đất hiệu quả chưa cao sang việc sử dụng đất hiệu quả cao hơn là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch này còn gặp nhiều vướng mắc phát sinh cả từ phía thể chế chính sách đất đai cũng như triển khai trên thực tế.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu luật về đất đai

 

Một trong những biện pháp khắc phục hạn chế của Luật Đất đai năm 2013, đảm bảo quản lý đất đai một cách minh bạch, hiệu quả, cũng như phòng ngừa các vấn đề phát sinh trong quản lý đất đai là cần xây dựng một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đất đai hoàn chỉnh, thống nhất ở quy mô quốc gia.

Bàn luận một số bất cập trong quản lý đất đai. Ảnh: Sưu tầm.

 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.

 

Bổ sung quy định tại khoản 1, 2, 3 thuộc Điều 134 về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước, quy định cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại khoản 1, 3 thuộc Điều 135 tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

 

Tại Điều 136 của Dự thảo Luật về quản lý, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ban, ngành, địa phương và quy định về việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

 

Tại Điều 138 bổ sung, quy định về việc bảo đảm kinh phí để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai theo hướng được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo mục tiêu hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu vào năm 2025 mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra.

 

Tại Điều 134 quy định: Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước. Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

 

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là nền tảng cơ sở cho triển khai công tác quản lý, nghiệp vụ, hoạt động về đất đai, cung cấp dữ liệu thông tin cho quản trị nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo ra thông tin mới và các giá trị gia tăng; nguồn thu từ phí cung cấp dữ liệu, thông tin đất đai để phát triển, duy trì, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

 

Giới chuyên gia cho rằng, các bộ, ban, ngành, cơ quan có liên quan được kết nối liên thông cơ sở dữ liệu chuyên ngành để cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Việc kết nối liên thông phải đảm bảo hiệu quả, an toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...