TP. Cần Thơ: Triển vọng về đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL

TP. Cần Thơ đang phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, hiện đại trên các lĩnh vực tài nguyên môi trường, giao thông, du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… là hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Tầm nhìn TP Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL

 

Ngày 01/01/2004, TP Cần Thơ chính thức bắt đầu một “hành trình mới”, trong vị thế mới, với những khó khăn tất yếu ở giai đoạn đầu. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật; nguồn nhân lực; ngân sách… còn nhiều khó khăn. Trong khi yêu cầu đặt ra đối với một thành phố trực thuộc TW là rất lớn, phải giải quyết các vấn đề phát sinh trong tiến trình đô thị hóa. Bằng tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng của Đảng bộ - Chính quyền – Nhân dân, 20 năm qua, TP Cần Thơ đã đạt được những thành tựu nổi bật làm tiền đề trở thành đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL.

 TP. Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố phát triển của Châu Á năm 2050. Nguồn: Kinh tế Môi trường.

 

Phát triển hạ tầng đô thị - giao thông là 02 trong số những thành tựu nổi bật của thành phố này. Năm 2009, thành phố được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương (TW) đánh dấu bước hoàn thành mục tiêu đầu tiên trong chiến lược trở thành đô thị đáng sống của vùng ĐBSCL. Thành phố đã hoàn thành các công trình, dự án đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cầu Cần Thơ.

 

Ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ có 2.300km đường giao thông, trong đó Quốc lộ chiếm 125km, đường tỉnh khoảng 260km, còn lại là do địa phương quản lý. Hiệu quả kinh tế mang lại cho TP Cần Thơ thời gian qua là do sự đầu tư của TW và địa phương tập trung mạnh vào giao thông, làm thay đổi diện mạo. Giao thông của thành phố kết nối lan tỏa, thông suốt, nhanh chóng, chi phí vận chuyển hàng hóa và hành khách tiết giảm, an toàn hơn.

 

Trên lĩnh vực giáo dụ và y tế, hiện nay, thành phố có 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 05 trường đại học, 02 cơ sở đại học và được mở rộng đa ngành, đa lĩnh vực, giữ vai trò quan trọng trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố và vùng ĐBSCL. 02 bệnh viện đa khoa, 11 bệnh viện chuyên khoa, 05 đơn vị y tế cấp TW, 05 bệnh viện tư đảm nhận trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân của vùng. Hệ thống các bệnh viện chuyên sâu, đa khoa đã áp dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh để chia lửa với các BV tuyến cuối khu vực phía Nam và đang phấn đấu trở thành BV tuyến cuối của khu ĐBSCL.

 

Ông Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết: Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư nâng cấp các BV chuyên khoa như: Phụ Sản, Mắt – Răng Hàm Mặt, Nhi Đồng, Huyết học và Truyền máu. Cố gắng xây dựng BV Ung Bướu, Da Liễu, Trung tâm ghép tủy, BV Lão khoa, Nhiệt đới, Trung tâm cấp cứu 115.  

 

Du lịch cũng là một lĩnh vực gặt hái nhiều thành công sau 20 năm. Nếu năm 2004, du lịch Cần Thơ đón khoảng 407.300 lượt khách, tổng doanh thu đạt khoảng 189 tỷ đồng thì nay thành phố đã đón được 5,99 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 5.420 tỷ  đồng. Toàn thành phố có 636 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 11.000 phòng, gấp 7 lần so với năm 2004. Trong đó, khách sạn từ 1-5 sao có đến 133 khách sạn (hơn 5.000 phòng). Với khát vọng trở thành điểm đến lý tưởng, TP Cần Thơ đã thí điểm Đề án phát triển kinh tế đêm với nhiều dự tính mở rộng quy mô.

 

Trong Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt thì đến 2030 Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, là trung tâm đô thị, dịch vụ thương mại, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… của Vùng này.

 

Nội lực của Cần Thơ là tập trung nhiều lao động có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật, có dung lượng thị trường tiêu thụ lớn, có nhiều trường đại học đào tạo nhân lực cho vùng. Cần Thơ nằm ở địa phận trung tâm của nhiều tuyến giao thông trọng điểm quốc gia đi qua như: Quốc lộ 1A, cao tốc TP. HCM – Cà Mau, cao tốc Lộ Tẻ Rạch Sỏi, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ. Vậy thì một lẽ tất yếu, Cần Thơ phải là một đô thị hạt nhân, điều hành, chi phối và hỗ trợ hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội – an ninh quốc phòng của vùng ĐBSCL lẫn hợp tác quốc tế.

 

Nhận diện được vai trò, tầm quan trọng này, trong suốt những nhiệm kỳ qua, Chính quyền thành phố đã không ngừng đổi mới, kiện toàn bộ máy nhân sự và đề ra các chiến lược để hành động. Thành phố tập trung vào 3 khâu đột phá trọng tâm là phát triển nhanh nguồn nhân lực; huy động mọi nguồn lực đầu tư, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn; tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Nhưng bao nhiêu đây vẫn chưa đủ, với nhiệm vụ mới đòi hỏi thành phố phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Song hành với đường lối được triển khai là công tác kiểm tra giám sát. Có làm, có kiểm tra, có báo cáo kết quả. Công việc này càng phải làm thường xuyên để tăng sức phấn đấu ở địa phương.

Tầm nhìn và tư duy phát triển mới thành phố Cần Thơ

 

Trong giai đoạn phát triển mới, mục tiêu đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là phải xây dựng và phát triển Cần Thơ thành “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc”, chuyển mình phát triển trở thành trung tâm về sản xuất công nghiệp để đẩy mạnh công nghiệp hóa, từ đó tăng tốc đô thị hóa, tạo nền tảng vật chất để từng bước hiện đại hóa thành phố. Trong xu thế tăng cường liên kết vùng, phát triển chuỗi đô thị công nghiệp mới động lực của vùng ĐBSCL hiện đại, thông minh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các khu kinh tế gắn với các đô thị trọng điểm và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực, thành phố Cần Thơ đứng trước yêu cầu vươn lên trở thành “trung tâm phát triển vùng có dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến hiện đại”.

Mở rộng không gian phát triển mới cho TP. Cần Thơ. Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.

 

Những mục tiêu và yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới đòi hỏi có sự thống nhất cao trong nhận thức từ Trung ương đến địa phương, từ cộng đồng doanh nghiệp đến người dân về tầm nhìn mới, tư duy mới đối với sự vươn lên của thành phố, phấn đấu đến năm 2045 Cần Thơ thuộc nhóm thành phố phát triển khá ở châu Á. Với tầm nhìn và khát vọng đó, thời gian tới, thành phố sẽ khai thác, phát huy đồng bộ tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực phát triển, biến các nguồn lực đó thành động lực để đưa Cần Thơ vươn lên xứng với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL. Tư duy phát triển thành phố đến năm 2045 là chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Kông. Chủ động khai thác hiệu quả các nguồn lực tại chỗ, đặc biệt là yếu tố con người... Phát triển kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; bảo đảm sự gắn kết hữu cơ giữa Cần Thơ với các địa phương trong vùng ĐBSCL, với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phố trong cả nước; kịp thời bắt nhịp với các xu thế phát triển mới, tận dụng tối đa thành tựu về kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, xã hội và môi trường để phát triển nhanh và bền vững.

 

Với tầm nhìn đó, thời gian tới, Đảng bộ thành phố tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

 
  • Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về yêu cầu, nhiệm vụ phát triển thành phố Cần Thơ, vùng ĐBSCL từ nay đến năm 2045, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ, đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
 
  • Hai là, triển khai thực hiện tốt Quy hoạch thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị ở một số quận trong giai đoạn 2020 - 2025, nhân rộng ra toàn thành phố sau năm 2025. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ; phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, giá trị gia tăng cao; trong đó du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp và nông nghiệp của thành phố và vùng ĐBSCL.
 
  • Ba là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; tạo cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng. Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, phát triển hạ tầng kinh tế số, công nghệ thông tin, viễn thông, các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics hiện đại; phát triển cảng Cái Cui thành cảng biển quốc tế.
 
  • Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện hình thành doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông; phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao.
 
  • Năm là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và vùng ĐBSCL. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, gắn với phát triển du lịch; xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”.
 
  • Sáu là, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên nước; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước thải, rác thải, khí thải tại khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư; nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, chất thải độc hại. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL.
 
  • Bảy là, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Chủ động đề xuất các phương án, lĩnh vực hợp tác theo nguyên tắc “tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi” trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm vùng của thành phố và tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Xây dựng trung tâm thu thập và xử lý thông tin hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về vùng ĐBSCL, phục vụ mục tiêu phát triển và quản lý vùng.
  • Tám là, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Thành ủy về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm túc việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị gắn với các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đủ phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...