Sóc Trăng: Khai thác thế mạnh liên kết vùng

Quy hoạch của tỉnh Sóc Trăng gắn với chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về "phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đồng thời, gắn kết quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia.

Sóc Trăng trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL

 

Sóc Trăng là địa phương thứ 2 ở khu vực phía Nam (sau tỉnh Long An) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sóc trăng tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Nguồn: Tạp chí Công Thương.

 

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

 

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ…

 

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là kim chỉ nam, là công cụ quan trọng trong quản lý và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, Quy hoạch đã xác định nghiên cứu, đầu tư phát triển nhiều công trình, dự án chiến lược trên địa bàn tỉnh mang tính lan tỏa, tạo động lực phát triển không chỉ cho tỉnh Sóc Trăng mà cả vùng ĐBSCL. Trong đó, trọng tâm là hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển; các hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch…

 

Dự án tạo điểm nhấn đầu tiên phải kể đến là cảng biển Trần Đề, xác định đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển khu bến cảng biển Trần Đề phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành cảng biển đặc biệt theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị.

 

Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Sóc Trăng cụ thể hóa quy hoạch, kêu gọi đầu tư hình thành cảng biển Trần Đề đóng vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn Vùng.

 

Nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề khi được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định nghiên cứu thành lập Khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, quy mô dự kiến khoảng 40.000 ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng.

 

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ thành lập mới 3 khu công nghiệp (KCN) và mở rộng 1 khu công nghiệp gồm: KCN An Nghiệp (mở rộng), diện tích dự kiến 169 ha; KCN Sông Hậu- Phân khu 1 diện tích 121 ha; KCN Đại Ngãi, diện tích 196 ha; KCN Mỹ Thanh, diện tích 217 ha.

 

Nghiên cứu phát triển, thành lập mới 5 KCN và mở rộng 1 KCN  khi tỉnh được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về KCN và khu kinh tế.

 

Về thương mại, dịch vụ, sẽ phát triển trung tâm logistics tại huyện Trần Đề và TP. Sóc Trăng nhằm gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong và ngoài nước. Phát triển trung tâm đầu mối ở Trần Đề gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển.

 

Đồng thời, phát triển các trung tâm thương mại đa năng, phức hợp, tổng hợp nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí, gồm: các Trung tâm thương mại tổng hợp tại TP. Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, Ngã Năm và huyện Trần Đề, Trung tâm hội chợ triển lãm tại TP. Sóc Trăng, Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và các siêu thị (hạng I).

 

Về du lịch, nghiên cứu xây dựng các khu sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể dục thể thao, đô thị; trong đó, có những công trình, dự án có điểm nhấn như kết hợp sân gôn, đô thị biển, cáp treo: Khu du lịch cáp treo từ huyện Trần Đề sang huyện Cù Lao Dung; các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể thao (các huyện Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu); khu du lịch sinh thái Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu)…

 

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương theo định hướng Quy hoạch, tỉnh Sóc Trăng tập trung đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Sóc Trăng kết nối hệ thống giao thông liên vùng 

 

Song song với việc đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, tỉnh Sóc Trăng đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đầu tư các tuyến giao thông vận tải huyết mạch, có tính liên vùng, như: đầu tư hệ thống cầu giao thông trên Quốc lộ 61B, nạo vét tuyến đường thủy nội địa từ Đại Ngãi - Cà Mau; cải tạo nâng cấp mặt đường Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có chiều dài khoảng 20km (đoạn qua tỉnh Sóc Trăng khoảng 12 km), với tổng mức đầu tư trên 1.680 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã đề xuất, kiến nghị Trung ương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ Nam Sông Hậu; nâng cấp, kéo dài Quốc lộ 60, Quốc lộ 61B.

 

Ngoài những dự án nêu trên, trong thời gian tới, sẽ có hàng loạt công trình, dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông mang tính chiến lược, tạo động lực phát triển cho toàn vùng ĐBSCL được Trung ương triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, hoặc đi ngang qua tỉnh. Đó là Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (điểm cuối nối vào Quốc lộ Nam Sông Hậu tại Trần Đề), đây là 1 trong 3 tuyến cao tốc trục ngang trong khu vực ĐBSCL nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang dọc theo sông Hậu, kết nối các cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu Trần Đề, các trung tâm kinh tế, tạo động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp mới trong vùng. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào năm 2022 và hoàn thành vào năm 2025;

 

Dự án đầu tư cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 (bắc qua sông Hậu, nối liền Trà Vinh với Sóc Trăng), sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, đã được đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Dự án khi hoàn thành sẽ khai thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải, kết nối giao thương thuận lợi cho các tỉnh duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL, rút ngắn khoảng 80km so với tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đi TP. Hồ Chí Minh.

 

Bên cạnh đó, Dự án tuyến đường bộ ven biển Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 53,5 km, dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.

 

Đặc biệt, Cảng biển Sóc Trăng, trong đó bến cảng Trần Đề đã được Chính phủ đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển thành cảng biển đặc biệt, sẽ đảm nhận vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng và quốc tế khi được hình thành.

 

Có thể nói, trong điều kiện nguồn lực có hạn, nhưng với việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên hợp lý, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã từng bước đồng bộ, đảm bảo kết nối thông suốt giữa các tuyến đường địa phương với hệ thống quốc lộ và kết nối hiệu quả giữa giao thông đường bộ với đường thủy nội địa, từ đó tăng khả năng vận tải hàng hóa giữa các vùng trong khu vực, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển cho người dân và doanh nghiệp.

 

Đặc biệt, với hàng loạt công trình dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng trên địa bàn sẽ tạo tiền quan trọng để Sóc Trăng tăng tốc thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...