Quy hoạch Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp và logistics

Mục tiêu đến năm 2050, xây dựng Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang Giai đoạn 2021-2030

 

Hiện nay tỉnh Hậu Giang được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đang phát triển 02 khu công nghiệp (KCN) diện tích khoảng 492 ha với tỷ lệ lấp đầy 93,32%. Giữ nguyên diện tích các KCN hiện hữu, tiếp tục kêu gọi lắp đầy diện tích còn lại.    

Hậu Giang phê duyệt 8 đồ án quy hoạch KCN trên địa bàn tỉnh. Nguồn: Sở Xây dựng Hậu Giang.

 

Định hướng quy hoạch mới 7 KCN giai đoạn 2021-2030 với tổng diện tích khoảng 1.741 ha, tên gọi, vị trí, quy mô diện tích, hiện trạng và điều kiện phát triển cụ thể của KCN dự kiến bổ sung như sau:

 

Giai đoạn 2021 - 2025: 3 KCN với diện tích khoảng 784 ha. Cụ thể:

 

KCN  Đông Phú: diện tích khoảng 120 ha.

 

Địa điểm: thuộc xã Đông Phú, huyện Châu Thành có vị trí thuận lợi giao thông thuỷ tiếp giáp sông Cái Dầu kết nối sông Hậu khoảng 1.000 m, giao thông bộ tiếp giáp Quốc lộ 91B đi Cần Thơ và Sóc Trăng.

 

Có vị trí tứ cận như sau:

 
  • Phía Đông Bắc: giáp với quy hoạch Khu trung tâm điều hành KCN Sông Hậu và đường Nam Sông Hậu;
  • Phía Đông Nam: giáp sông Cái Dầu;
  • Phía Tây Bắc: giáp đất dân;
  • Phía Tây Nam: giáp rạch Cái Cui Bé.
 

Hiện trạng khu đất: trong khu vực quy hoạch hiện trạng kiểm tra theo bản đồ hiện trạng năm 2020: Đất cây lâu năm (CLN) 38,2 ha; đất ở 3,4 ha; đất dùng để xây dựng các khu công nghiệp và các khu chế xuất (SKN) 62,7 ha; đất giao thông 5,9 ha; đất mặt nước 6 ha.

 

Dự kiến quy hoạch các ngành nghề: Các ngành, lĩnh vực công nghệ, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường; Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất thiết bị điện; Sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; Sản xuất máy công cụ, máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy phục vụ cho sản xuất Nông - Lâm - Ngư nghiệp, diêm nghiệp, máy chế biến  thực phẩm, thiết bị tưới tiêu; Sản xuất, chế biến sản phẩm từ lương thực, thực phẩm; Sản xuất đồ uống; May mặc; Công nghệ chế biến, chế tạo khác, …

 

KCN Sông Hậu 2: diện tích khoảng 430 ha.

 

Địa điểm: thuộc thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, nằm trên đường Quốc lộ 91B đi qua.

 

Có vị trí tứ cận như sau:

 
  • Phía Đông Bắc: giáp Sông Hậu, một phần giáp Quốc lộ Nam Sông Hậu;
  • Phía Đông Nam: giáp rạch Ngã Bát, một phần giáp nhà máy và bãi xỉ nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 và đường tỉnh 925;
  • Phía Tây Bắc: giáp rạch Cái Dầu;
  • Phía Tây Nam giáp đất dân.
 

Hiện trạng khu đất: trong khu vực quy hoạch hiện trạng kiểm tra theo bản đồ hiện trạng năm 2020: đất CLN 352,8 ha; đất ở 13,2 ha; đất SKN 9,1 ha; đất sản xuất kinh doanh 9,3 ha; đất giao thông 7,8 ha; đất thủy lợi 16,1 ha; đất mặt nước 10,9 ha; đất thương mại dịch vụ 3,4 ha; đất xây dựng công trình năng lượng 7,5 ha;

 

Dự kiến quy hoạch các ngành nghề: các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, sản xuất, lắp ráp xe máy, ô tô và các ngành cơ khí khác, kho bãi, dịch vụ hậu cần logistics.

 

KCN Đông Phú 2: diện tích khoảng 234 ha.

 

Địa điểm: thuộc xã Đông Phú, huyện Châu Thành, cách Quốc lộ 91B khoảng 1.300 m, có vị trí thuận lợi giao thông đường thủy tiếp giáp sông Cái Dầu, giao thông bộ tiếp giáp đường 3B từ thị trấn Ngã Sáu đến Quốc lộ 91B đã được tỉnh Hậu Giang đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư.

 

Có vị trí tứ cận như sau:

 
  • Phía Đông Bắc: giáp với rạch Cái Cui Bé;
  • Phía Đông Nam: giáp kênh Cái Dầu;
  • Phía Tây Bắc: giáp đất dân (dự kiến quy hoạch khu đô thị mới và tái định cư phục vụ KCN);
  • Phía Tây Nam: giáp đất dân, ranh quy hoạch Khu đô thị công nghiệp Sông Hậu 3.200 ha.
 

Hiện trạng khu đất: trong khu vực quy hoạch hiện trạng kiểm tra theo bản đồ hiện trạng năm 2020: CLN 206,6 ha; đất ở 10,6 ha; đất sản xuất kinh doanh 0,6 ha; đất giao thông 3,5 ha; đất sông ngòi kênh rạch 12,7 ha.

 

Dự kiến quy hoạch các ngành nghề: ngành công nghiệp chế biến, cơ khí, điện tử, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ.

Hậu Giang chuẩn bị quỹ đất 2.200ha để phát triển KCN

 

Tỉnh Hậu Giang thông qua đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Sông Hậu 2 và Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Đông Phú 2, huyện Châu Thành.

 

KCN Sông Hậu 2 thuộc thị trấn Mái Dầm và xã Phú Hữu, có quy mô diện tích 380 ha; số lượng công nhân dự kiến khoảng 20.000 người.

 

Còn KCN Đông Phú 2 ở xã Đông Phú, có quy mô diện tích 234 ha; số lượng công nhân dự kiến trong KCN khoảng 13.000 người. 

 

Trước đó, ngày 28/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có công văn thống nhất bổ sung hai KCN nói trên vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam; phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn.

 

Tỉnh Hậu Giang hiện có 2 KCN, tổng diện tích 492 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 93%, thu hút được 63 dự án, có 45 dự án đã đi vào hoạt động, vốn đầu tư gần 27.000 tỷ đồng và 227 triệu USD, giải quyết việc làm cho gần 26.600 lao động.

 

Định hướng giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Hậu Giang xúc tiến thành lập mới thêm 7 KCN với tổng diện tích 1.741 ha nâng tổng diện tích KCN đến năm 2030 khoảng 2.233 ha, tập trung tại các huyện: Châu Thành, Châu Thành A và Phụng Hiệp.

 

Đồng thời, địa phương này cũng đang thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tân Hòa; dự kiến sẽ phê duyệt quy hoạch KCN này ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến phê duyệt trong tháng 8 năm 2023).

 

UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-UBND, về quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN phải đáp ứng 4 tiêu chí: Vốn sở hữu thực hiện dự án tối thiểu từ 15% so với tổng mức đầu tư dự án; nhà đầu tư triển khai ít nhất 1 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KCN một trong các địa phương: Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, TP. Hà Nội và TP. HCM với tỷ lệ lấp đầy 60% trở lên.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng

 

Nhìn lại tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của Hậu Giang đạt 3,28%, cao hơn 0,72% so với mức bình quân cả nước, thì năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư toàn quốc.

10 tỉnh, thành phố tốc độ tăng  GRDP cao nhất (so với cùng kỳ năm trước). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

 

Đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh Hậu Giang đã vươn lên đứng đầu cả nước khi đạt 14,21%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, thu nội địa tăng bình quân 1.000 tỷ đồng/năm (tăng 20,45%).

 

Theo ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, để đạt được kết quả đó, địa phương đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng khu vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ.

 

Trong đó, Hậu Giang luôn xác định phát triển công nghiệp là động lực tăng trưởng, là hướng đi chính yếu của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

 

Đến nay, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 6,39% so đầu nhiệm kỳ, đạt 22,94% trong cơ cấu (trong đó công nghiệp tăng lên 6,44%); khu vực I (nông, lâm, thủy sản) đã giảm được 2,91% so đầu nhiệm kỳ, đạt 24,06% trong cơ cấu.

 

Công tác quy hoạch, mở rộng, phát triển các khu, cụm công nghiệp được đặc biệt quan tâm. Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Trong đó, hầu hết các huyện, thị, thành phố đều có cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế cho địa phương.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ đồng ý bổ sung 2 KCN trên địa bàn Hậu Giang vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, mở rộng không gian phát triển chiến lược của tỉnh trong giai đoạn mới, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp của tỉnh.

 

Từ một tỉnh thuần nông, Hậu Giang đã vươn lên là địa phương có ngành công nghiệp rất phát triển; giá trị sản xuất công nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, tính đến cuối năm 2022, GRDP lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã tăng 43,86%, khẳng định vị trí hàng đầu trong phát triển kinh tế của tỉnh.

 

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 13%/năm, trong đó, ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 88,8% trong toàn ngành, tăng 10%/năm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 286%/năm.

 

Thực hiện chỉ tiêu kêu gọi thành lập mới 1.000 doanh nghiệp, Hậu Giang tăng cường kêu gọi, xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư, với cam kết mạnh mẽ “2 nhanh, 3 tốt”. Đặc biệt, việc tổ chức rất thành công Năm doanh nghiệp 2022, với điểm nhấn là hội nghị xúc tiến đầu tư đã tạo tiếng vang lớn, lan tỏa rộng rãi thông điệp “doanh nghiệp đến Hậu Giang vui” đến đông đảo bạn bè, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 

Tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng; ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với 8 nhà đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220.000 tỷ đồng.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...