Phát triển đô thị ĐBSCL phù hợp tình hình mới

Quy hoạch xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gắn liền với ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó, ngập lụt là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến chiến lược thích ứng. Quy hoạch xây dựng cần lựa chọn chiến lược sống chung với lũ, đảm bảo xây dựng các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả, lâu dài và “không hối tiếc” trong điều kiện BĐKH.

1. Tác động của thượng nguồn và BĐKH đến quy hoạch và phát triển đô thị vùng ĐBSCL

 

ĐBSCL thuộc 1 trong 6 vùng đô thị hóa cơ bản của cả nước. Đô thị hóa vùng ĐBSCL kế thừa lịch sử phát triển, đón nhận các cơ hội mới từ hội nhập kinh tế quốc tế và vượt qua những thách thức, nhất là các tác động rất lớn từ BĐKH toàn cầu.

Phát triển đô thị thích ứng BĐKH. Nguồn: Báo Tài Nguyên và Môi Trường.

 

Đây cũng là một trong những đồng bằng châu thổ rộng lớn, phì nhiêu với sản lượng lương thực, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản và cây ăn trái nhiệt đới lớn của cả nước và ở Đông Nam Á. Vùng có TP Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; là nơi sinh sống của trên 17 triệu cư dân trong 167 điểm định cư đô thị (2019) và hàng ngàn điểm định cư nông thôn.

 

Cho đến nay, hạ tầng cơ bản phục vụ cư dân tới cấp xã. Có hạ tầng kinh tế - xã hội, toàn vùng ĐBSCL đã khởi sắc về mọi mặt, kinh tế tăng xuất khẩu, lực lượng lao động qua đào tạo tăng cao. Hệ thống đô thị vùng ĐBSCL đã phát triển vượt bậc về số lượng.

 

Quá trình đô thị hóa ĐBSCL đã bằng chính nội lực, hệ thống đô thị theo tầng bậc được hình thành, bước đầu trở thành các trung tâm kinh tế và cung cấp hạ tầng thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp và cư dân. ĐBSCL đã dần dần trở thành điểm đến mới nổi tại Việt Nam [GIZ] thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: nông sản và chế biến nông sản, các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ hỗn hợp, du lịch, xây dựng. Các khu vực tiềm năng là: Cần Thơ, khu vực phía Nam TP.HCM, khu vực ven biển. Trong đó Cần Thơ có cơ sở hạ tầng cảng, sân bay, kết nối với TP.HCM, tích tụ lao động và kinh tế, thực sự trở thành thủ phủ vùng ĐBSCL, Trung tâm công nghệ mới. Các tỉnh phía Nam TP.HCM hưởng lợi từ ảnh hưởng vùng TP.HCM, hấp thu công nghiệp nhân công giá rẻ, hạ tầng không tắc nghẽn, chi phí sản xuất thấp. Khu vực ven biển lợi thế phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản và du lịch, sản xuất điện năng lượng tự nhiên.

 

Thực tế đó đang đem đến cho vùng ĐBSCL hàng loạt cơ hội. Nền kinh tế tăng trưởng, quá trình hội nhập quốc tế đưa ĐBSCL từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tự do hóa thương mại. Đô thị hóa tạo cho tất cả các tỉnh trong vùng có môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút nguồn vốn FDI, không chỉ ở các tỉnh có lợi thế vị trí chiến lược như hiện nay. Vai trò của Cần Thơ và các đô thị tỉnh lỵ nâng cao, tăng kết nối vùng ĐBSCL với TP. HCM dễ dàng hơn, khi vùng có thêm các trọng điểm đô thị và hành lang kinh tế kết nối đến vùng TP. HCM, giúp ĐBSCL xây dựng thương hiệu và tăng hiệu quả đầu tư.

 

Đô thị hóa thúc đẩy kinh tế tri thức, sẽ hấp thụ lực lượng lao động dồi dào, tạo nên thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, từ đó thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp đang bắt nhịp với xu hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, kinh tế dịch vụ, du lịch có thêm cơ hội phát triển. BĐKH tạo nên cơ hội khai phá tiềm năng mới trong quá trình đô thị hóa ở ĐBSCL đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và phát triển công nghiệp.

 

Tuy nhiên, những thách thức cũng đặt ra yêu cầu để quá trình đô thị hóa ĐBSCL cần thích ứng trong bối cảnh mới để phát triển. Đó là việc giá trị sản xuất nông nghiệp truyền thống, độc canh lúa đã đi đến ngưỡng không thể tiếp tục tăng. Phát triển công nghiệp nặng còn hạn chế, công nghệ thấp. Cơ sở hạ tầng dù đã phát triển nhưng vẫn chưa bắt kịp nhu cầu thực tế, thiếu cảng nước sâu, thiếu giao thông nội vùng và liên vùng, nên còn nhiều khu vực trong ĐBSCL chưa tiếp cận thuận lợi với TP. HCM và các khu vực khác ở châu Á.

 

Một thách thức khác là tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao, chảy máu chất xám. Chính sự ưu đãi của thiên nhiên đã hình thành lối sống cư dân an phận phụ thuộc vào thiên nhiên, nên khi chuyển mình theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn lực tại chỗ không đáp ứng được; Rủi ro môi trường và khí hậu, dịch vụ hỗ trợ còn kém. Áp lực về môi trường làm cho vùng ĐBSCL dễ bị tổn thương tạo nên các luồng dịch cư lớn.

 

Cơ hội và thách thức là đan xen. Do vậy, đô thị hóa ĐBSCL trong thời gian tới đặt ra yêu cầu cấp bách cần giải quyết là chuyển đổi cấu trúc không gian đô thị đáp ứng các yêu cầu phát triển hệ thống đô thị nông thôn quốc gia về lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội và quản trị đô thị.

 

Trong tháng 3/2021, sẽ diễn ra "Hội nghị của Chính phủ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu". Hy vọng, từ Hội nghị này, những vấn đề đặt ra sẽ được các bộ, ngành có liên quan và địa phương vùng ĐBSCL tập trung tháo gỡ, để ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng.

2. Mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho ĐBSCL

 

Quy hoạch ĐBSCL là nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho vùng ĐBSCL.

Bước chuyển đô thị thông minh của Tây Đô. Nguồn: Đại biểu Nhân dân.

 

Theo đó, Quy hoạch xác định các đột phá mang tính chiến lược, cụ thể:

 
  • Thứ nhất, phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội – môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy "con người" làm trung tâm.
 
  • Thứ hai, biến thách thức thành cơ hội, "chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn"; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.
 
  • Thứ ba, thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng.
 
  • Thứ tư, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; phấn đấu đến năm 2030 vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư các hành lang phát triển, khu vực phát triển động lực, trung tâm đầu mối nông nghiệp được xác định trong quy hoạch.
 
  • Thứ năm, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối TP. HCM với TP. Cần Thơ trong tương lai. Phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm quốc phòng an ninh, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
 
  • Thứ sáu, tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với TP HCM và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền - sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải.
 
  • Thứ bảy, thay đổi tư duy về khai thác, sử dụng tài nguyên nước: coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt; chuyển từ đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu về nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với phân vùng chức năng của nguồn nước.
 
  • Thứ tám, chú trọng bảo tồn các cảnh quan, sinh thái, văn hóa lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa sông nước đặc thù của vùng. Đặc biệt là thành lập và vận hành hàng lang đa dạng sinh học ở khu vực ven biển từ Vườn quốc gia mũi Cà Mau đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; phát triển các không gian văn hóa đặc thù của vùng như văn hóa sông nước, văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số với phát triển du lịch.
  • Thứ chín, tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công nhằm khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...