Khơi thông tiềm năng phát triển logistics ĐBSCL
Liên kết vùng, hạ tầng giao thông được xác định là một trong những “điểm nghẽn” khiến cho chi phí logistics tăng, làm giảm sức cạnh tranh của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” trên, Chính phủ và các địa phương đã đầu tư rất nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông logistics.
Tháo gỡ nút thắt logistics ĐBSCL
Là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, mặc dù thời gian qua, để đánh thức tiềm năng khu vực ĐBSCL, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông logistics, nhưng theo nhận định chung thì vùng ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Thúc đẩy logistics tại Cần Thơ phát triển xứng tầm khu vực ĐBSCL. Nguồn: Tạp chí Tài Chính.
Theo các chuyên gia, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, sụt lún và hạn mặn. Khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, các nguồn vốn nếu được hỗ trợ kịp thời, thì những thế mạnh về nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo, bất động sản logistics, công nghiệp sẽ phát triển mạnh và gắn kết với liên kết vùng miền.
Đồng thời, xây dựng và phát triển mạng lưới cung ứng và dịch vụ logistics cho vùng ĐBSCL, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn. Bên cạnh đó, cần tranh thủ chủ trương, chính sách về liên kết vùng để tạo sự kết nối thực chất về nguồn hàng và hoạt động logistics.
Với định hướng phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm logistics của vùng ĐBSCL, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, địa phương này đang triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết những hạn chế, tồn tại nêu trên.
Theo đó, quy hoạch TP. Cần Thơ có 3 trung tâm phát triển logistics phục vụ chung cho vùng ĐBSCL gồm: Trung tâm logistics hạng II gắn với cảng Cái Cui theo quy hoạch phát triển Trung tâm logistics của cả nước; Cụm cảng và logistics hậu cảng, khu công nghiệp Thốt Nốt nhằm hỗ trợ cho cụm Công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh; Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường tính liên kết, kết nối với khu vực. Về đường hàng không, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, xây dựng các công trình thiết yếu của Cảng hàng không để nâng công suất vận chuyển hành khách đạt 7 triệu hành khách/năm, hàng hóa đạt 250,000 tấn/năm.
Về đường bộ, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác 3/3 trục đường bộ cao tốc qua địa bàn thành phố.
Về đường biển, thành phố đã thành lập Tổ công tác đối với chính sách về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ để tàu trọng tải 10.000 tấn - 20.000 tấn vào cảng Cần Thơ theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/2/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng cho biết, Thành phố phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ.
Đây là 2 dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ nút thắt, khơi thông điểm nghẽn logistics, tạo động lực phát triển cho TP. Cần Thơ và các địa phương trong Vùng.
Tạo cơ hội bứt phá cho cả vùng ĐBSCL
Không chỉ với vùng Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL cũng đang đặt ra nhu cầu phát triển rất lớn cho hoạt động logistic. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, vấn đề liên kết vùng, phát triển logistics đề nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa nông sản phục vụ xuất khẩu đang được xem là “xương sống” cho toàn vùng. Nếu giải được bài toán logistics sẽ giúp khắc phục tình trạng thất thoát nông sản sau thu hoạch của vùng từ 30 - 40%.
Triển vọng phát triển ngành Logistics ĐBSCL. Nguồn: VnExpress.
Theo nhận định của Ngân hàng thế giới (WB), mặc dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy với hệ thống sông ngòi chằng chịt, với tổng chiều dài gần 28.000 km nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ dừng lại ở vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.
Cũng theo nghiên cứu của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP; trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa, tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP. Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến.
Theo thống kê, với 13 tỉnh ĐBSCL nhưng hiện chỉ có gần 1.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước. Là vùng xuất nhập khẩu hàng chục triệu tấn hàng hóa mỗi năm, nhưng chi phí logistics cho hàng nông, thủy sản bình quân chiếm tới gần 30% giá thành sản phẩm… Số liệu trên cho thấy, ngành logistics tại ĐBSCL hiện nay thì còn đang rất thiếu và yếu.
Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết năng lực về vận tải và hạn chế về hạ tầng là điểm nghẽn rất lớn, để cho các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng hoạt động của mình ở khu vực ĐBSCL. Điều dễ nhận thấy nhất là số lượng doanh nghiệp chuyên nghiệp, bài bản tham gia ngành này tại ĐBSCL chưa nhiều mà phổ biến nhất là các doanh nghiệp thủy sản tự trang trải, tự trang bị hệ thống logistics cho sản phẩm của mình.
Tín hiệu tích cực và cũng kỳ vọng mới cho logistics toàn vùng thời gian tới là quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có 8 trung tâm đầu mối. Trong đó, 1 trung tâm có chức năng tổng hợp ở TP. Cần Thơ; 4 trung tâm đầu mối cấp vùng ở Bến Tre, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau; 3 trung tâm đầu mối liên quan đến logistics ở Đồng Tháp, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và cả bà con nông dân.
Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng đang được Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn về liên kết vùng, rõ nhất là nhiều dự án giao thông có quy mô lớn đã, đang và sẽ được triển khai. Dự kiến, sắp tới sẽ có thêm cao tốc thông suốt từ TP. Hồ Chí Minh tới Cần Thơ, Cà Mau, Châu Đốc (An Giang).
Các chuyên gia cũng cho rằng, đây là thời điểm “vàng” để các địa phương, doanh nghiệp phát triển kết nối logistic, liên kết vùng để cùng khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế để bứt phá.