Đề xuất 16 dự án hơn 94.000 tỷ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa mới tổ chức Cuộc họp lần thứ nhất các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO) tại thành phố Cần Thơ. Báo cáo cho biết, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) đã xây dựng 16 đề xuất dự án với tổng mức đầu tư 94.328 tỷ đồng.

Dự án đường ven biển đi qua 7 tỉnh chiếm gần một nửa số vốn

 

Hệ thống đường ven biển dài 415 km, đi qua 7 tỉnh miền Tây dự kiến cần khoảng 43.000 tỷ đồng vốn đầu tư.

Hạ tầng giao thông đang được Chính phủ quan tâm đầu tư tại ĐBSCL. Nguồn: Báo Xây dựng.

 

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ứng phó với biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Cần Thơ.

 

Theo đề xuất thống nhất từ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng 13 tỉnh, thành miền Tây, tổng số vốn 94.328 tỷ đồng sẽ dành để đầu tư cho 16 dự án phát triển hạ tầng tại khu vực. Trong đó, vốn vay nước ngoài là hơn 2,8 tỷ USD (tương đương 66.282 tỷ đồng), vốn đối ứng hơn 28.000 tỷ đồng.

 

Đáng chú ý nhất là dự án xây dựng hệ thống đường ven biển đi qua 7 tỉnh, bao gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, với tổng mức đầu tư khoảng 43.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số vốn đầu tư được đề xuất cho 16 dự án. Cụ thể chiều dài qua mỗi tỉnh và số vốn tương ứng như sau:

 
  • Tiền Giang: 31km - 5.591 tỷ đồng.
  • Bến Tre: 27km - 8.409 tỷ đồng.
  • Trà Vinh: 62km - 8.717 tỷ đồng.
  • Sóc Trăng: 85km - 5.918 tỷ đồng.
  • Kiên Giang: gần 70km - 2.326 tỷ đồng.
  • Bạc Liêu: gần 55km - 3.441 tỷ đồng.
  • Cà Mau: hơn 85km - 8.310 tỷ đồng.
 

Trong số các tỉnh không giáp biển, tỉnh Vĩnh Long có dự án hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2), với tổng mức đầu tư 4.159 tỷ đồng. Tỉnh Hậu Giang đề xuất dành 3.888 tỷ đồng cho dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 61C dài hơn 37km.

 

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp đề xuất dành 4.266 tỷ đồng cho dự án hạ tầng đường bộ khu vực nam sông Tiền. Tỉnh An Giang đề xuất dành 2.664 tỷ đồng xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.

 

Về phía Cần Thơ – thành phố đóng vai trò trung tâm động lực phát triển vùng ĐBSCL, số vốn được đề xuất là gần 9.800 tỷ đồng, dành cho dự án phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.

 

Dự án gồm các hợp phần: mở rộng 10,2 km quốc lộ 61C (đoạn qua địa bàn), đường kết nối Ô Môn - Thới Lai - Giồng Riềng dài 22,5 km, xây cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối Cần Thơ với Đồng Tháp.

 

Về phía các Bộ, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nâng cấp, cải tạo quốc lộ 53 (46 km), quốc lộ 62 (77 km) và đường Nam sông Hậu (142 km) với tổng kinh phí gần 7.160 tỷ đồng.

 

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn muốn đầu tư vào 3 dự án với tổng vốn gần 6.620 tỷ đồng, bao gồm: cải tạo hệ thống kênh chuyển nước từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau; cải tạo hệ thống kênh liên tỉnh khu vực giữa sông Tiền và sông Hậu; kết nối hệ thống thủy lợi Bảo Định - Gò Công - Tân Trụ (Long An).

 

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế cấp phát 90% và cho vay lại 10% đối với dự án của địa phương; ủy quyền cho các địa phương là cơ quan chủ quản các dự án quốc lộ; coi các dự án xây cầu nối 2 địa phương thuộc các tỉnh lộ là dự án liên vùng và cấp phát 100% vốn vay ODA…

 

Dự kiến các dự án được phê duyệt đề xuất vào tháng 6/2023, duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2023, quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 6/2024 (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và tháng 9/2024 (các tỉnh).

Hành động quyết liệt để ĐBSCL tạo đột phá bứt tốc

 

Mặc dù là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng theo nhận định chung thì thời gian qua vùng ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hạ tầng giao thông được xác định là một trong những “điểm nghẽn” khiến cho chi phí logistics tăng, làm giảm sức cạnh tranh hàng của vùng ĐBSCL.

 

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 13 địa phương trong vùng ĐBSCL đã xây dựng 16 đề xuất dự án với tổng mức đầu tư hơn 94.000 tỷ đồng. Để đánh thức tiềm năng khu vực ĐBSCL, Chính phủ đã đầu tư hạ tầng, phát triển cầu, đường cao tốc nối từ TP. HCM đến Cần Thơ và kết nối ĐBSCL, nâng cấp các đô thị hiện hữu.

 

Khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, thì những thế mạnh về nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo, bất động sản logistics, công nghiệp sẽ phát triển mạnh và gắn kết với liên kết vùng miền. Mặt khác, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, sụt lún và hạn mặn đã tác động tiêu cực đến vùng.

 

Để tháo gỡ điểm nghẽn, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế năng động của cả nước.

 

Với sự quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông khi hoàn thiện sẽ tạo động lực, thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân và phát triển vùng theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...