Hậu Giang đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp

Theo định hướng Quy hoạch, tỉnh Hậu Giang dự kiến sẽ xây dựng và phát triển 11 khu công nghiệp (KCN) phát triển bền vững nhằm tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2050.

Hậu Giang sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

 

Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu bao gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước. Vị trí này thuận lợi để các doanh nghiệp lựa chọn đặt các nhà máy sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm, trung tâm logistics từ vùng nguyên liệu ĐBSCL. 

Khu công nghiệp Sông Hậu thông tin quy hoạch và tiến độ thực hiện

Hậu Giang đột phá trong phát triển công nghiệp. Nguồn: Báo Nhân Dân.

 

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang bao gồm toàn bộ tỉnh với tổng diện tích tự nhiên hơn 1.622km2, với 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và 5 huyện (Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A).

 

Mục tiêu tỉnh Hậu Giang đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là có tổng số 10 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, với tổng số diện tích 548,05 ha. Cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 50% theo quy hoạch đối với các CCN mới thành lập, đạt 100% đối với các CCN hiện hữu. 

 

Đồng thời, theo định hướng chiến lược, dự kiến tỉnh Hậu Giang tập trung phát triển 3 vùng sinh thái công nghiệp trọng điểm, cụ thể:

 
  • Vùng công nghiệp thứ nhất nằm ở khu vực huyện Châu Thành, Châu Thành A. Trọng tâm của khu vực này là phát triển các lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dược, mỹ phẩm, các cụm ngành logistics, chế biến nông sản,... có liên quan tới đầu vào là sản phẩm nông nghiệp quy mô vùng.
 
  • Vùng công nghiệp thứ hai ở khu vực giao giữa 2 tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tại huyện Phụng Hiệp. Vùng công nghiệp này tận dụng thế mạnh ở điểm giao 2 tuyến cao tốc, liên kết theo trục dọc sông Hậu và trục Bắc - Nam. Vùng này chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, công nghệ môi trường, công nghiệp chế tạo.
 
  • Vùng công nghiệp thứ ba ở khu vực giao giữa hai cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại huyện Long Mỹ.
 

Đặc biệt, cấu trúc đất xây dựng công nghiệp trong thời gian tới sẽ cần phải đan xen với những yếu tố sinh thái, cảnh quan, đô thị để đảm bảo sự bền vững.

 

Tỉnh Hậu Giang xác định hình thành phát triển công nghiệp tập trung, công nghiệp - đô thị - dịch vụ để đóng vai trò “đòn bẩy” cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn tại các khu vực này. Đầu tư hạ tầng KCN phải tính toán và kết hợp đầu tư hệ thống ngoài hàng rào, khu dân cư và dịch vụ cho các đối tượng lao động làm việc tại các KCN.

 

Mục tiêu kiến tạo mô hình phân bổ không gian phát triển hiệu quả, bền vững, tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa thành thị và nông thôn.

Phát triển 7 KCN diện tích hơn 1.700 ha

 

UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển thêm 7 KCN với diện tích hơn 1.700ha. Hiện, địa phương đã nhận được văn bản quan tâm, đăng ký đầu tư của nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

KCN Sông Hậu - Hậu Giang

Hậu Giang phát triển KCN hút đầu tư. Nguồn: Báo Hậu Giang.

 

Theo ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, các doanh nghiệp đã gửi thư quan tâm, đăng ký đầu tư lĩnh vực hạ tầng KCN tại Hậu Giang, cụ thể:

 

  • Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Tập đoàn Sao Mai. 
  • Công ty Cổ phần Shinec. 
  • Liên danh SPG - Hiệp Phước - 620IDIC - VietNamnet. 
  • Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam.
 

Hậu Giang hiện có 02 KCN với diện tích khoảng 492 ha, thu hút 77 dự án đầu tư (có 54 dự án đã đi vào hoạt động), đạt tỷ lệ lấp đầy trên 93,32%. Trong đó, KCN Sông Hậu - giai đoạn 1,  có diện tích 291 ha, đã lấp đầy 100%; KCN Tân Phú Thạnh - giai đoạn 1, diện tích 201 ha, đã lấp đầy 86%.

 

Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tỉnh Hậu Giang phát triển thêm 3 KCN, với diện tích khoảng 784ha, Cụ thể:

 
  • KCN Đông Phú (120ha) - huyện Châu Thành. 
  • KCN Sông Hậu 2 (430ha) - huyện Châu Thành. 
  • KCN Đông Phú 2 (234ha) - huyện Châu Thành.
 

Giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển thêm 4 KCN mới với diện tích 957ha, Cụ thể:

 
  • KCN Nhơn Nghĩa A (252ha) - huyện Châu Thành A. 
  • KCN Tân Hòa (205ha) - huyện Châu Thành A. 
  • KCN Tân Bình (210ha) - huyện Phụng Hiệp. 
  • KCN Long Thạnh (290 ha) - huyện Phụng Hiệp. 
 

Song song với việc thành lập các KCN, CCN, tỉnh Hậu Giang đồng thời quy hoạch xây dựng các khu đô thị - dịch vụ, tái định cư, dân cư, nhà ở xã hội phục vụ KCN tại các vị trí trên địa bàn quy hoạch KCN, CCN tập trung.

 

Đồng thời đưa tỷ lệ đóng góp của các CCN vào tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động.


Có thể nói, ngành công nghiệp của Hậu Giang thời gian qua có sự phát triển vượt bậc, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, được xem là hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...